Sản xuất an toàn gắn với chăm lo người cao tuổi
Xã hội 02/10/2021 08:35
Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh sớm ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh - thương mại trên địa bàn. Chính quyền tỉnh thành lập Tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; ban hành kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch. Tỉnh làm việc với các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và TP Cần Thơ... để thống nhất các giải pháp liên kết vùng; kết hợp với các cơ quan về vấn đề về lưu thông, chuyển vật tư vật liệu, lao động, chuyên gia.
An Giang xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế với ba kịch bản, gồm: Khi có dịch xảy ra nghiêm trọng; dịch ở mức có thể kiểm soát được và khi trở lại bình thường mới. Tương ứng với mỗi kịch bản có những giải pháp linh hoạt, phù hợp. Theo đó, tùy diễn biến của dịch bệnh và điều kiện thực tế của địa phương, các doanh nghiệp đăng kí phương án hoạt động sản xuất - kinh doanh phù hợp với cơ quan thẩm quyền để được tổ chức thẩm định, bảo đảm hoạt động trở lại ổn định, an toàn và hiệu quả.
Doanh nghiệp hoạt động trong tình hình giãn cách xã hội được tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” hoặc “3 tại chỗ theo kíp” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất). Doanh nghiệp cũng được tổ chức sản xuất theo phương án kết hợp “3 tại chỗ” với tổ chức cho người lao động ở lưu trú tập trung ngoài doanh nghiệp.
Chăm lo người lao động. |
Theo phương án này, doanh nghiệp được hoạt động khi sắp xếp sản xuất bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, bố trí được chỗ ăn cho công nhân; công nhân có thể là nhà tập thể, khu kí túc xá của công ty, khách sạn do doanh nghiệp quản lí và tổ chức đưa, đón công nhân hằng ngày từ nơi ở đến nhà máy và ngược lại (có sự kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương). Công nhân, người lao động tham gia phải cam kết tự nguyện và xét nghiệm đầu vào và cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh”, gồm: Người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh. “Người lao động xanh” được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa “nơi làm việc xanh”, “nơi ở xanh” theo một “cung đường xanh” (không dừng, đỗ dọc đường và không đi ngang qua các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao và rất cao) trong các khung giờ phù hợp.
Về quy mô, doanh nghiệp được phục hồi hoạt động sản xuất với quy mô tối đa không quá 30% (trừ những doanh nghiệp số lượng con người quá ít hoặc đặc thù của dây chuyền sản xuất phải nhiều hơn 30% mới hoạt động được).
Về điều kiện sàng lọc, 100% người lao động phải được xét nghiệm đầu vào âm tính với SARS-CoV-2. Tổ chức xét nghiệm định kì theo tỉ lệ 20% cho công nhân, người lao động tại doanh nghiệp cho đến khi dịch bệnh được ổn định.
Đối với doanh nghiệp hoạt động trong điều kiện bình thường mới, 100% người lao động phải được xét nghiệm đầu vào âm tính với SARS-CoV-2. Doanh nghiệp có kế hoạch sàng lọc tối thiểu 20% tổng số lao động cho mỗi đợt sàng lọc; khuyến khích người lao động đã tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Tiếp tục chăm lo đời sống NCT
Song song với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, sở ngành, nhiều doanh nghiệp cũng chủ động các phương án tái sản xuất, duy trì hoạt động trong tình hình mới và tiếp tục hỗ trợ chung tay cùng chính quyền chăm lo đời sống người dân, nhất là NCT có bệnh lí nền, người yếu thế trong xã hội.
Chi tiền hỗ trợ cho người cao tuổi lao động tự do ảnh hưởng của dịch Covid-19. |
Ngày 24/9, UBND tỉnh quyết định phê duyệt kinh phí 78,402 tỉ đồng hỗ trợ 52.268 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19. Hỗ trợ 1 lần: 1,5 triệu đồng/người, từ nguồn ngân sách cấp huyện, thành phố. Giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp các đơn vị và chính quyền huyện tổ chức thực hiện thống nhất việc hỗ trợ theo quy định, bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, không để phát sinh tiêu cực.
Theo thống kê của Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh, đến ngày 29/9, các cấp công đoàn đã chi hỗ trợ hơn 7,7 tỉ đồng từ gói hỗ trợ của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) trên địa bàn tỉnh.
Bà Thái Minh Ngọc, Giám đốc Xí nghiệp thức ăn chăn nuôi thủy sản - Chi nhánh Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm An Giang cho biết, đơn vị có 141 NLĐ sản xuất “3 tại chỗ” và tổ chức mô hình này một phần trước khi có công văn chính thức của tỉnh. Nhằm tạo điều kiện cho NLĐ làm việc, công đoàn cơ sở quan tâm chăm lo con em của họ nhân dịp Trung thu, khen thưởng các cháu học giỏi. Đầu năm học mới, đơn vị hỗ trợ cho NLĐ về nhà từ 1-2 ngày để lo chuyện học tập của con em. Thời gian qua, ngoài nỗ lực của ban giám đốc, công đoàn cơ sở, đơn vị được LĐLĐ tỉnh quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp. 100% NLĐ của đơn vị được tiêm vaccine phòng Covid-19. Công đoàn tỉnh hỗ trợ 2 lần cho NLĐ sản xuất “3 tại chỗ” với số tiền 138 triệu đồng bổ sung vào bữa ăn ca.
Ông Đỗ Trí Đức, Công ty Cổ phần Bao bì Bình Đức thuộc Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, sự chia sẻ, hỗ trợ của công đoàn góp phần động viên NLĐ vì ngoài cuộc sống sau họ còn có cha mẹ, con cái. Đơn vị ông hiện có 169 lao động sản xuất “3 tại chỗ”, để bảo đảm an toàn tuyệt đối, ngoài trưng dụng cơ sở tại chỗ, công ty thuê thêm khách sạn bố trí ăn nghỉ cho công nhân theo phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”, khép kín toàn bộ việc tổ chức bữa ăn, vệ sinh nơi ở.
Ngoài ra, chính quyền huyện Chợ Mới và các xã, thị trấn tiếp tục hỗ trợ những hộ gia đình nông dân và NCT tiêu thụ nông sản. Hội Nông dân huyện hỗ trợ tiêu thụ 0,85ha khoai cao, tương đương 13 tấn, giá 55 triệu đồng tại ấp Mỹ Hòa A, xã Mỹ Hội Đông. Tổ tiêu thụ nông sản huyện, xã phối hợp Hội Nông dân thực hiện “Gian hàng 0 đồng”, “Chuyến xe 0 đồng”, giúp bà con tiêu thụ 9.791 tấn rau, củ, quả, tương đương hơn 54,312 tỉ đồng. Phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ hỗ trợ hộ NCT các xã, thị trấn tiêu thụ hơn 82,2 tấn rau, củ, quả các loại với số tiền hơn 391 triệu đồng. UBMTTQ tỉnh vận động hỗ trợ huyện 300 triệu đồng, Công an tỉnh vận động hỗ trợ huyện 250 triệu đồng để giúp tiêu thụ 4 đợt, 39,8 tấn rau, củ, quả với số tiền trên 360 triệu đồng nông sản cho nông dân…
Thông qua Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua, vận chuyển nông sản, thiết kế 19.900 combo (tương đương 259,6 tấn, trong đó 254 tấn rau, củ, quả và 5,6 tấn khô, mắm, nông sản chế biến) để cung cấp cho TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.
Với những nghĩa cử cao đẹp chăm lo đời sống NCT của chính quyền tỉnh, huyện và các đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm thể tinh thần “tương thân, tương ai”, “lá lành dùm lá rách”, góp phần tô thắm tình dân tộc nghĩa đồng bào “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.