Người cao tuổi làm giàu nhờ nuôi thỏ
Tuổi cao gương sáng 18/11/2021 07:33
Nói về cái “duyên” đến với nghề nuôi thỏ, ông Nguyễn Văn Tứ hội viên Chi hội Người cao tuổi (NCT) thôn Nhạn Trạch, tâm sự: “Tôi năm nay cũng ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi”. Gia đình có nhiều miệng ăn, quanh năm chân lấm tay bùn chỉ bám vào mấy sào lúa, không biết làm gì để hết nghèo. Tôi suy nghĩ bây giờ ở quê chỉ có chăn nuôi thỏ là ổn định, nhưng ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn như thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn để đầu tư xây dựng trang trại và mua con giống...”.
Với ý chí vượt khó cùng quyết tâm làm giàu, năm 2019 ông Tứ mạnh dạn vay Ngân hàng Chính sách - Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp huyện Hà Trung 300 triệu đồng để xây dựng 400m2 chuồng trại. Rồi ông vay thêm anh em, bạn bè để mua thỏ giống, xây dựng bể Bioga, mua máy bơm, quạt thông gió, đào giếng, làm hệ thống xử lí nước thải hợp vệ sinh môi trường… với tổng chi phí đầu tư 1,2 tỉ đồng. Ban đầu ông mua 200 con thỏ giống Niu Di Lân hậu bị ở xã Đồng Lợi, huyện Triệu Sơn để nuôi thành thỏ bố mẹ. Sau đó, ông nhân đàn thỏ lên và bán thỏ thương phẩm ra thị trường, kinh tế gia đình ngày càng ổn định và dư dật.
Mô hình chăn nuôi thỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Tứ |
Bằng cách làm sáng tạo cùng với học hỏi thêm kinh nghiệm nên tổng đàn thỏ của gia đình ông tăng lên hơn 1.300 con. Trong đó, có 230 con thỏ bố mẹ, 150 con thỏ thịt, 1.000 thỏ con. Trao đổi về kinh nghiệm nuôi thỏ, ông cho biết, cần giữ nhiệt độ nuôi thỏ từ 25 - 280C, chuồng trại có hệ thống quạt làm mát, được bơm nước vệ sinh ngày 2 lần. Từ khi thỏ con sinh ra đến 2 tháng tuổi là thời gian mọc răng, hay bị các bệnh tiêu chảy, chướng bụng, đầy hơi, tụ huyết trùng do thỏ con hay gặm sàn có nước tiểu và thức ăn của thỏ mẹ. Nếu không biết cách chăm sóc, thỏ con dễ bị chết dẫn đến hao hụt đàn. Thỏ con từ lúc sinh ra đến khi bán thịt khoảng 3,5 - 4 tháng.
Thỏ thịt gia đình ông Tứ cung cấp cho các khách sạn Phú Hưng, Central trên thành phố, 3 nhà hàng tại huyện Hà Trung, thị xã Bỉm Sơn và huyện Nga Sơn, trừ các loại chi phí, mỗi năm thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng. Từ đó, trang trại phát huy hiệu quả cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định, kinh tế gia đình ông ngày càng khá giả.
Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hường nặng nề đến kinh tế - xã hội đất nước và địa phương. Hệ thống khách sạn, nhà hàng hoạt động cầm chừng, có nơi phải tạm đóng cửa. Việc lưu thông hàng hóa giữa các vùng ngừng trệ do thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu tiêu thụ giảm nên ông Tứ cũng phải điều chỉnh lại kế hoạch chăn nuôi thỏ. Việc chăm sóc đàn thỏ, bảo đảm vệ sinh chuồng trại, tính toán thời gian, số lượng thỏ nuôi cũng đòi hỏi phải cẩn thận, kĩ lưỡng hơn. Song, với quyết tâm vượt khó và kinh nghiệm, nguồn vốn tích lũy được, ông Tứ chắc chắn sẽ vượt qua khó khăn để phục hồi, phát triển đàn thỏ khi dịch bệnh được kiểm soát, địa phương ở trong trạng thái bình thường mới.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Hà Lai cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có nhiều gương điển hình NCT làm kinh tế giỏi nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Tứ với mô hình chăn nuôi thỏ bài bản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã cùng đi lên. Mô hình trang trại của ông Tứ còn tạo sự lan tỏa, giúp nhiều hộ nông dân và NCT trong xã có thêm niềm tin, ý chí và khát vọng vươn lên làm giàu trên quê hương mình, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây nhiều tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội.
Với tinh thần dám nghĩ dám làm, ông Nguyễn Văn Tứ thực sự là một tấm gương trong phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng”, phát huy tốt vai trò NCT trong lao động, sản xuất, làm giàu cho gia đình, góp phần làm giàu cho quê hương.