Lời yêu từ trái tim người cao tuổi

Văn hóa - Thể thao 06/06/2025 09:35
Nghệ thuật này, từ bao đời nay đã trở thành nhịp cầu giao tiếp, là cách người Cơ Tu gửi gắm tư tưởng, đạo lí, và cả tâm tư tình cảm trong những dịp lễ trọng đại của cộng đồng. Dù trong lễ cưới hỏi, lễ mừng lúa mới, lễ kết nghĩa anh em, hay khi tiễn biệt người đã khuất. Năm 2015, nghệ thuật này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
![]() |
Lễ hội hát lí, nói lí của người Cơ Tu. |
Khác với những thể loại nghệ thuật có kịch bản hay lời thoại định sẵn, nói lí, hát lí không theo bất kì khuôn mẫu cố định nào. Từng lời nói, câu hát đều tuôn ra tự nhiên, tùy vào hoàn cảnh, cảm xúc và vốn sống của người thể hiện. Chỉ những người từng trải, có trí nhớ tốt, hiểu biết sâu rộng và khả năng ứng biến tinh tế mới có thể làm chủ cuộc đối thoại bằng lí lẽ, bằng cảm xúc, bằng hình ảnh ẩn dụ đặc sắc.
Già làng Phạm Văn Krới, 71 tuổi, ở thôn Ban Mai, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam chia sẻ: “Đám cưới của người Cơ Tu không chỉ là dịp vui sum họp, mà còn là sân khấu để thể hiện bản lĩnh trí tuệ qua nói lí, hát lí”. Theo ông, sau khi mâm rượu tiếp khách được bày biện, chủ nhà (thường là đại diện nhà trai) sẽ mở đầu bằng một trích đoạn nói lí mang ý nghĩa “tuyên bố lí do”, với chủ đề gắn kết đôi bên. Ngay sau đó, lời hát lí ngân, nội dung thể hiện sự kính trọng và mến khách: “Nhà không có gì quý, chỉ có chum rượu nhạt này, xin khách đừng chê…”. Sau đó, khách đáp lại bằng lời cảm tạ chân tình, lời ngợi ca mâm cỗ, li rượu và lòng hiếu khách của gia chủ.
Già làng Y Kông, năm nay đã 100 tuổi, người nắm giữ kho tàng nói lí, hát lí phong phú ở thôn Tống Coói, xã Ba, huyện Đông Giang cho biết: “Mỗi cuộc nói lí, hát lí đều có mở đầu, cao trào và kết thúc - như một vở kịch đời sống được dàn dựng từ cảm xúc chân thật. Người hát lí phải biết dùng hình ảnh ẩn dụ, so sánh tinh tế để thuyết phục, thậm chí là “chiến thắng” đối phương trong một cuộc đấu trí ngầm”.
Nói về nghệ thuật hát lí, nói lí của người Cơ Tu, già làng Bùi Văn Siêng, 74 tuổi, ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng cho hay: “Mỗi câu hát, lời nói không chỉ là sự truyền đạt thông tin, mà còn là cách người Cơ Tu thể hiện bản sắc, lòng tự trọng, lòng biết ơn và sự trân quý những mối quan hệ cộng đồng. Khi một người hát lí giỏi, người nghe không chỉ cảm phục mà còn như được soi chiếu tâm hồn, mở lòng mà đón nhận”.
Ngày nay, ở những bản làng của các huyện Tây Giang, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, hay huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, những người già vẫn tiếp tục truyền dạy cho thế hệ sau, để văn hóa Cơ Tu mãi cháy sáng giữa đại ngàn.
Có thể nói, nói lí, hát lí không chỉ là một nghệ thuật ứng khẩu mà còn là triết lí sống, là linh hồn văn hóa, bản sắc Cơ Tu vẫn vững bền trong văn hóa Việt.