Khát vọng vùng cao xứ Quảng
Văn hóa - Thể thao 22/06/2024 10:30
Đánh thức vùng gian khó
Ngày trước, những vùng phía Tây xứ Quảng như A Tiêng, A Xan, hay P’rao, A Vương,... nghe chừng xa xôi, cách trở, nhưng giờ đã khác. Vùng đất này là nơi cần xóa đói giảm nghèo và nhiều thế hệ lãnh đạo huyện mải miết tìm lời giải cho bài toán khó.Những ai hay ngược núi, đi dọc trên đường Hồ Chí Minh ngang qua miền Tây xứ Quảng Nam sẽ được thấy một màu tươi mới. Người ta bắt đầu nói về sự đổi thay của “Phố núi” trên những thứ rất cũ.
Dưới những cánh rừng bao năm khốn khó, nhờ những chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước mà đời sống người dân vùng đồng bào DTTS đã có nhiều đổi thay đáng kể. Những chương trình quốc gia như “trợ lực” để đồng bào có cơ hội thoát nghèo, ổn định đời sống. Rất nhiều chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ đã đi vào đời sống ở miền Tây xứ Quảng.
Nông sản của đồng bào ngày càng có chỗ đứng trên thị trường. |
Để nhận diện miền sơn cước lúc này, nhiều người sẽ không còn nghĩ đến sự khốn khó mà hình dung về những “góc phố” nhỏ giữa sâu thẳm rừng xanh, những đường hoa đi về phía núi hay ngọn thác tuyệt đẹp giữa rừng. Cây trái, sông suối vẫn như vậy không đổi thay, chỉ con người vùng cao từng ngày biết thích nghi, đơn giản là thay đổi tập quán sinh sống và đã biết làm ăn phát triển kinh tế. Người dân đã biết bắt những con suối hoang vu trong cánh rừng nguyên sinh kì vĩ “đẻ ra tiền”. Ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang bảo rằng, người dânđang dần nắm chắc những lợi thế, để biến thành sản phẩm đặc trưng, mang lại hiệu quả cao cho kinh tế. Chính người dân đã đánh thức sức sống của những vùng đất tưởng chừng khô cằn.
Trong một lần được tham quan vườn đẳng sâm, ba kích tím cùng Phó Chủ tịch UBND xã Ch’Ơm, ông hướng chỉ tay đến phía bạt ngàn màu xanh, nói: “Đây là loại cây xóa nghèo, đặc sản vùng cao. Cây đẳng sâm và ba kích tím không còn rẻ nữa mà mang lại giá trị lớn, 5 nghìn đồng/kg thu mua tại vườn. Nhiều mảnh vườn trở thành vùng chuyên canh cây đẳng sâm và ba kích tím”.
Bà Briu Thị Thịnh, người dân tộc Cơ Tu ở xã biên giới Ch’Ơm chia sẻ: “Giá trị của cây đẳng sâm và ba kích tím là đem lại cho mình thêm kinh tế, có tiền mua gạo để ăn. Không giống như hồi xưa, không có tiền chỉ có thể lấy lúa rẫy về giã cũng mệt mỏi. Giờ có tiền thì có thể mua gạo sẵn từ đồng bằng về ăn, không giống ngày xưa quá cực khổ!”.
Còn A Lăng Lơ, vừa là Trưởng thôn A Choong vừa là Giám đốc HTX nông nghiệp Ch’Ơm cho biết, với 1ha nương rẫy trồng lúa mỗi năm một vụ chỉ thu khoảng 2 tấn lúa, khoảng 16 triệu đồng. Trong khi đó, với việc trồng cây đẳng sâm, 1ha cho thu hoạch 2 tấn sâm củ tươi, với giá trung bình 200.000 đồng/kg như hiện nay, thu về 400 triệu đồng, lợi gấp hơn 20 lần trồng lúa. Hiện ở xã Ch’Ơm có 100% hộ dân tham gia trồng đẳng sâm, với tổng diện tích hơn 200ha. Từ đó, đời sống bà con Cơ Tu khá lên dần. Theo lãnh đạo xã Ch’Ơm, đẳng sâm và ba kích tím đã góp phần thay đổi bộ mặt của xã và thay đổi nhận thức của người dân, góp phần phát triển kinh tế, mở ra cơ hội giảm nghèo bền vững cho đồng bào Cơ Tu. Hiện sản phẩm đẳng sâm đã có mặt trên các kệ hàng ở 20 siêu thị Big C khu vực miền Trung và miền Nam. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ thấy sức bật của nông sản vùng cao, ngay ở đồng bằng không mấy nơi làm được.
Đời sống người dân vùng cao đã đổi thay rõ rệt. |
Đi qua những khu tái định cư mới trên địa bàn các huyện như Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang ven bên đường Hồ Chí Minhcủa tỉnh Quảng Nam sẽ dễ nhận thấy cuộc sống của đồng bào nơi đây đang dần ổn định. Tại khu tái định cư của nhiều thôn làng, những ngôi nhà mới đã đang được dựng lên, hệ thống giao thông, điện, nước sạch cũng đã được xây mới, có đất sản xuất, đồng bào tích cực phát triển sản xuất, chăn nuôi... là những thành công trong việc ổn định chỗ ở, thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp tại chỗ, cơ bản giải quyết được an ninh lương thực tại chỗ, thu nhập bình quân đầu người của người dân có bước cải thiện và nâng cao.Bài toán xóa nghèo đang dần có lời giải.
“Chuyển đổi số” cho bản làng vùng cao
“Nghe mô người đồng bằng chừ ưng nhiều sản phẩm vùng cao lắm. Rau, quả của tui được cán bộ giới thiệu trên mạng xã hội, trên facebook rồi mang đi trưng bày ở lễ hội, nhiều người hỏi mua. Đồng bào Cơ Tu không chỉthay đổi cách trồng mà cán bộ hướng dẫn thêm về quy trình, mùa vụ thu hoạch. Và giờ nông sản không mang đi đổi lấy gạo, thổ cẩm không đổi lấy trâu bò nữa mà đổi lấy tiền. Cứ đưa sản phẩm lên facebook là có người hỏi mua ngay”, chị Alăng Thị Nhôn, người Cơ Tu ở xã Ch’Ơm bày tỏ. Không phải ngẫu nhiên những cửa hàng nông sản của đồng bào Cơ Tu xứ Quảng khi về thành phố lại sống được, sống tốt giữa trùng vây sản phẩm nông nghiệp trong cơ chế thị trường mở. “Sản phẩm của mình là thật, chất lượng bảo đảm, không lừa dối khách hàng nên khi họ sử dụng sẽ yên tâm và quay trở lại. Người đồng bào có thói quen trồng cây hay chăn nuôi không sử dụng thuốc hóa học nên toàn sản phẩm sạch”, chị Cor Thị Nghệ, quản lí HTX Rừng xanh rau sạch nói.
Từ khởi đầu đơn sơ bằng những sạp hàng nông sản ven đường như Chợ chiều 5 ngàn ở Tây Giang, tôi đồ rằng không nhiều người vùng cao nghĩ đến việc tới một ngày nông sản của họ được đóng bao bì, nhãn mác, rau củ quả được vận chuyển về xuôi tiêu thụ ngay ở trung tâm thành phố và cũng ít ai nghĩ những loại hàng nông sản như măng rừng, tiêu, ớt Ariêu, đẳng sâm và ba kích tím,... được xác nhận chuỗi cung ứng an toàn thực phẩm, hay đăng kí sản phẩm OCOP. Nhưng bây giờ họ đã làm được, những mảnh vườn được “quy hoạch” để xây dựng sản phẩm có thương hiệu, từ tư duy sản xuất cũ kĩ, thói quen kinh tế thị trường len lỏi vào từng bản làng tự lúc nào không hay. Những gian hàng mùa lễ hội, dù sự kiện gì đi chăng nữa, nông sản hay đặc sản vùng cao luôn được bày biện, giới thiệu, thoát khỏi vòng luẩn quẩn “đổi rá rau lấy con cá”. Chính thói quen mua bán cũ của đồng bào làm họ bế tắc, kiếm đồng tiền quả quá xa vời, nhưng thứ gì bây giờ của họ cũng có thể bán, thậm chí giá cao.
Những địa phương ở miền Tây xứ Quảng đang có nhiều ý tưởng mới, ngay cả trồng rau, hoa cũng có thể làm du lịch. “Trồng cây gì, nuôi còn gì” bây giờ dường như đã là một tư duy cũ, úa màu thời gian. Văn hóa của đồng bào miền Tây xứ Quảng vẫn có thịt nướng ống tre, xôi nếp than, rượu đoác, muối tiêu rừng, đẳng sâm, ba kích, bánh sừng trâu, các món ăn từ mối, hay cồng chiêng và tung tung za zá, cả những sợi dệt mang màu núi nhưng vẻ ngoài không còn thô kệch mà được nhận diện bằng hai từ “thương hiệu”. Những con đường đã được mở ra, du khách bây giờ không còn khó khăn khi đến với những làng bản. Và ở đó du khách tìm đến không chỉ để tìm một dòng sông, con suối mà đến để trải nghiệm với người dân vùng cao, thưởng thức đặc sản, tham quan, nghỉ dưỡng tại các homestay cùng với những loại nông sản đã trở thành đặc sản làm quà. “Người dân là chủ thể để làm du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Tây Giang đang phát triển mô hình này và đã cho thấy hiệu quả. Địa phương có rất nhiều tiềm năng về du lịch cần khai phá. Nhiều điểm du lịch, nhiều homestay đã mọc lên ở đây thu hút hàng trăm lượt du khách trong và ngoài nước ghé thăm hàng tháng là minh chứng. Điều này góp phần không nhỏ vào việc thay đổi sắc diện vùng cao”, ông Pơloong Plênh, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tây Giang chia sẻ.
Đi về phía núi, giữa một màu xanh thẳm, diện mạo “Phố núi” trên những cung đường miền Tây xứ Quảng đang dần đổi thay. Vẫn còn đó mấy mùa lễ hội với những những con người nặng tình với núi, nhưng vùng đất của những vũ điệu dâng trời đất đã mang một dáng hình khác cùng khát vọng vươn tầm.