Những hi sinh thầm lặng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19
Đời sống 19/08/2021 12:08
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt trong hơn 3 tháng qua, với lời hiệu triệu “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh” toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đồng tâm, đồng sức, đồng lòng, hiệp đồng chặt chẽ, đoàn kết, trách nhiệm sâu sát từ Trung ương đến tận tổ dân phố, xóm ấp, khu dân cư vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chống lại đại dịch Covid-19.
Đi đầu trong “cuộc chiến không tiếng súng” này là những “người lính áo trắng” - các y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế sẵn sàng bất kể ngày đêm, túc trực 24/24 giờ để ứng phó những tình huống khẩn cấp. Không chỉ thực hiện công tác chuyên môn chăm sóc, điều trị bệnh nhân và phòng, chống dịch bệnh, bản thân các y, bác sĩ luôn phải tập trung cao độ, không để xảy ra sai sót, tránh lây nhiễm chéo. Họ cũng phải cách li tuyệt đối với gia đình, người thân. Những “chiến sĩ” ấy đã giúp đất nước viết nên một trang sử hào hùng trong “cuộc chiến thầm lặng”, cuộc chiến chống Covid-19.
Những “chiến sĩ áo trắng” trong cuộc chiến chống dịch |
Ngày thường, các y, bác sĩ vốn rất bận, nhưng trong mùa dịch vừa điều trị cho các bệnh nhân cũ, vừa phải tiếp nhận các ca cấp cứu mới. Bên cạnh đó còn kiêm thêm nhiệm vụ trực, đo thân nhiệt, nhắc nhở, hướng dẫn bệnh nhân và người nhà đeo khẩu trang, rửa tay sát trùng. Có những y, bác sĩ, nhân viên y tế kiêm nhiệm khuân vác, phân phối hàng hóa…
Còn đối với những cán bộ y tế dự phòng, họ không đối mặt trực tiếp với loại vi rút mới này như những đồng nghiệp chuyên điều trị, thu dung bệnh nhân, nhưng họ mang sứ mệnh nặng nề khi trở thành “lá chắn thép”. Họ “đến từng nhà, rà từng xóm”, phải tiếp xúc với hàng trăm, hàng ngàn người để sàng lọc, chẩn đoán được “kẻ thù”, đâu có thể biết rằng những “kẻ thù” đó đang ẩn nấp trong bóng tối luôn rình rập đem đến sự nguy hiểm cho họ…
Dù cuộc chiến chống lại dịch bệnh còn chông gai, con đường đi còn nhiều gian khó, tính mạng các “chiến sĩ áo trắng” đang nguy hiểm và những hi sinh, thiệt thòi đó là để giúp chúng ta kiểm soát được tình hình dịch bệnh, an toàn cho hơn 90 triệu người dân Việt Nam.
Sự hi sinh, nỗ lực quên mình của những “chiến sĩ áo trắng”, những anh hùng thầm lặng trên mặt trận không tiếng súng. Dân tộc sẽ ghi nhận sự hi sinh cao cả của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế trong cuộc chiến “chống giặc” Covid-19 vô hình này. “Người dân Việt Nam đều rất cảm ơn, tự hào về đội ngũ y, bác sĩ, những “chiến sĩ” trên tuyến đầu chống dịch. Việc điều trị thành công các ca bệnh “thập tử nhất sinh” không chỉ là niềm mong mỏi, niềm tin, sự tự hào của ngành Y tế Việt Nam mà còn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam” như lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thay mặt Đảng, Nhà nước và Nhân dân trân trọng bày tỏ.
Còn nhiều lắm những gian truân, hi sinh thầm lặng trong cuộc chiến này, bởi cùng với “chiến sĩ áo trắng” tham gia chống dịch, quân đội, công an luôn là lực lượng tiên phong đi đầu, trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Phát huy truyền thống “Trung với Đảng, hiếu với dân”; “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, mỗi cán bộ, chiến sĩ, bộ đội, công an, dân phòng đang ngày đêm dãi dầu dầm sương, tạo thành những “lá chắn thép” ở nơi tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Không chỉ vậy, các cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an không quản ngại khó khăn, gian khổ, chấp nhận hi sinh, sẵn sàng nhường doanh trại để tiếp nhận người cách li, dựng hàng chục lều bạt dã chiến “ăn lán, ngủ rừng” để sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống bình yên cho Nhân dân, thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc, sẵn sàng vì Nhân dân quên mình. Đất nước đã có chiến tranh, dù là cuộc chiến không tiếng súng, vì thế mỗi chúng ta hãy ứng xử như trong thời chiến. Hãy cùng chia sẻ, đoàn kết, chung tay với Nhà nước chống dịch.
Ở tuyến đầu của cuộc chiến; các “chiến sĩ áo trắng”, các chiến sĩ quân đội, công an, tình nguyện viên ngày đêm đang căng mình chống chọi bao hiểm nguy của đại dịch Covid-19. Ở hậu phương, chúng ta hãy làm tốt những gì có thể, cùng hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch; điều trước mắt cần thực hiện là hãy tuân thủ việc hạn chế đi lại, cách li, khai báo y tế, thực hiện 5K, chấp hành nghiêm những quy định của Chính phủ và ngành Y tế trong phòng, chống dịch… Bởi, theo kinh nghiệm chống dịch bệnh từ các nước, chỉ có biện pháp hạn chế giao tiếp xã hội, cách li tốt người nhiễm là giải pháp quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Với tất cả những gì chúng ta đã và đang làm được, với những giải pháp chủ động quyết liệt từ chính phủ, ngành Y tế, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hợp sức của toàn xã hội, sự sẻ chia, cùng tấm lòng thơm thảo của người dân…, tin rằng cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 của chúng ta sẽ thắng lợi. Đoàn kết một lòng, rồi cuộc sống bình thường sẽ trở lại.