Người góp phần đưa “miến dong Bình Liêu” thành sản phẩm OCOP
NCT làm kinh tế giỏi 04/10/2024 16:01
Ông La A Chiu, 67 tuổi, thôn Nà Ếch, xã Húc Động, huyện Bình Liêu là một trong những người khởi đầu cho nghề sản xuất miến dong ở Húc Động, giúp người trồng dong riềng trên địa bàn có nơi tiêu thụ ổn định sản phẩm củ dong của mình.
Tận dụng lợi thế có thác Khe Vằn 4 mùa cung cấp dòng nước ngọt “nuôi” các cánh đồng trên địa bàn xã; đất đồi ven sông có độ ẩm thích hợp để trồng cây dong riềng; là người từng phục vụ trong quân ngũ, được đi nhiều nơi biết nhiều điều, nên ông Chiu đã mạnh dạn trồng cây dong, chế biến thành miến dong cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa.
Từ năm 2000, gia đình ông Chiu đã bắt tay vào làm miến dong, nhưng thời ấy chỉ làm thủ công mất rất nhiều công mới ra được sản phẩm miến. Có miến rồi, những ngày đầu ông lại phải tự đi rao bán miến dong.
Hằng ngày ông La A Chiu vẫn cần mẫn làm việc. |
Năm 2006, ông Chiu bắt đầu mở rộng sản xuất miến dong, ông mua máy xay củ dong và máy thái sợi miến. Thời điểm đó, Húc Động chưa có điện lưới, nên máy vẫn phải vận hành bằng sức người, nhưng nhờ có máy năng suất miến lên cao hơn, từ chỗ chỉ sản xuất được 2 tạ miến/năm đã nâng lên 7 tạ/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Khi điện lưới về thôn Húc Động, ông Chiu mạnh dạn vay vốn ngân hàng mở rộng nhà xưởng đầu tư các loại máy cần thiết cho quy trình sản xuất miến; đưa năng suất miến từ vài tạ lên hơn 10 tấn/năm, tương đương với việc tiêu thụ hơn 400 tấn dong củ. Ông mua chiếc xe tải 1,4 tấn để chở hàng đến các đại lí trong và ngoài huyện. Khi thu mua dong củ, ông Chiu ưu tiên sản phẩm của bà con trong xã, giúp mọi người đẩy mạnh việc trồng dong riềng. Ông còn luôn tuyên truyền vận động bà con trồng dong bảo đảm chất lượng, giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, không dùng thuốc kích thích, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Ông bảo với bà con: “Chúng ta ở vùng sâu vùng xa, không có lợi thế bán hàng như nhiều nơi khác, vì thế bà con hãy đưa chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Muốn có sản phẩm miến dong tốt thì trước hết phải có củ dong có chất lượng tốt và là sản phẩm sạch. Khi chúng ta có sản phẩm có chất lượng thì khách hàng sẽ tìm đến ta. Nếu hàng kém chất lượng thì khách hàng quay lưng lại với ta”.
Từ sản xuất miến dong, gia đình ông Chiu vươn lên thành hộ khá ở xã, giữ uy tín cho sản phẩm OCOP miến dong địa phương. Về mùa vụ, cơ sở sản xuất miến của ông tạo việc làm cho 20 lao động địa phương, với thu nhập trung bình 7 triệu đồng/người/tháng. Cái lớn hơn là hàng trăm người trồng dong ở xã luôn tin tưởng sản phẩm họ làm ra đã có địa chỉ tiêu thụ. Nghề làm miến dong đã góp phần cải tạo những vùng đất xấu trồng lúa của Húc Động thành những khu vực trồng dong riềng có hiệu quả kinh tế cao.