Làm giàu từ mô hình sản xuất thực phẩm an toàn khép kín

NCT làm kinh tế giỏi 24/02/2025 09:30
Sinh ra và lớn lên ở huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, tháng 2 năm 1969, ông Lương Văn Sóc tình nguyện lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 31, Sư đoàn 2. Ba tháng tập luyện, ông hành quân lên đường và chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam, Tây Ninh. Một lần đánh địch ở chốt tập kết, ông bị thương và phải nằm viện. Sau đó, ông lại tiếp tục chiến đấu. Cuối năm 1972, ông Sóc phục viên và trở về quê hương. Năm 1973, ông làm công nhân nhà máy Tràng Kênh, TP Hải Phòng. Năm 1978, ông chuyển ra Cẩm Phả làm công nhân cơ khí đến năm 2001 thì nghỉ hưu.
Những năm đầu sau khi nghỉ hưu, dù chăm chỉ lao động, xoay xở nhiều nghề nhưng thu nhập của gia đình vẫn không đủ để trang trải cuộc sống. Với ý chí, bản lĩnh của anh “Bộ đội Cụ Hồ”, CCB Lương Văn Sóc trăn trở suy nghĩ quyết tâm vươn lên phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng. Tận dụng lợi thế nhà nằm ven cửa biển, ông mạnh dạn đầu tư nuôi tôm rảo.
Nói về cơ duyên đến với nghề nuôi tôm, ông cho biết đã đi nhiều nơi tham quan những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, trong đó đặc biệt chú ý tới mô hình nuôi tôm ở Vân Đồn và các địa phương lân cận. Năm 2004, ông mạnh dạn vay ngân hàng để nuôi tôm trên diện tích hơn 1ha. Nhờ áp dụng khoa học kĩ thuật nên tôm phát triển tốt và bán được giá, trừ hết chi phí lúc đó, ông lãi gần trăm triệu đồng. Nhưng sau đó, vụ thứ hai, thứ ba do môi trường ô nhiễm tôm chết hàng loạt. Từ đó, nợ nần nhiều khiến ông và gia đình lao vào cảnh “khốn đốn”. Không lùi bước, năm 2006, ông lại “đánh bạo” vay tiền bạn bè, anh em đầu tư mua cây về làm cây cảnh... Nhờ có năng khiếu nghệ thuật, ông học hỏi cách chăm sóc cây cảnh và đã thành công.
Ông Sóc tâm sự: “Để làm được nghề, tôi luôn miệt mài học hỏi cách làm cây cảnh từ sách, báo, các phương tiện thông tin đại chúng, đến tận các nhà vườn để học nghề, rồi về nhà vừa thực hành, rút kinh nghiệm phát triển nghề, tạo sản phẩm bán ra thị trường”.
Hiện nay, gia đình CCB Lương Văn Sóc có gần 3 sào vườn để trồng sinh vật cảnh với nhiều loại cây khác nhau. Các sản phẩm cây cảnh này chủ yếu do ông tự tìm tòi chiết, ghép giữa các cây đã có sẵn trong vườn nên giá trị kinh tế khá cao. Nhờ đó, thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình ông đạt trên 100 triệu đồng. Ngoài việc chăm sóc tạo hình cây cảnh, ông còn làm chậu để đựng cây cảnh và các loại chậu có kiểu dáng đẹp để bán cho các nhà hàng và khách sạn.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Sóc còn thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với hội viên và bà con trong khu, phường; vận động xây dựng quỹ Hội, giúp hội viên hoàn cảnh khó khăn vay vốn với lãi suất thấp để phát triển kinh tế…
Bà Nguyễn Thị Hy, Chủ tịch Hội NCT phường Quang Hanh, cho biết: “Ông Sóc là một CCB tiêu biểu của phường. Ngoài việc sáng tạo trong lao động sản xuất, ông còn rất nhiệt tình tham gia phong trào CCB, Hội Sinh vật cảnh, Hội NCT…”.
Không chịu khuất phục trước kẻ thù, vượt qua bom đạn trở về đời thường với ý chí vươn lên, ông đã trở thành tấm gương cho con cháu và mọi người trong khu, phường học hỏi, noi theo.