Nghệ nhân tâm huyết bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc
Văn hóa - Thể thao 20/04/2024 10:47
Người Dao Thanh Y tham gia trò chơi ném còn trong hội làng |
Ông Thương tâm sự: “Ngày nhỏ, tôi được bố cho đi theo cúng nhiều nơi. Năm 14 tuổi, bố truyền lại cho tôi rất nhiều bài cúng. Những bài cúng này rất quan trọng với người Dao. Dân làng ở đây hay chọn những ngày tốt - lành để làm lễ cúng như ngày mùng 5/5, mùng 7/7, hay mùng 10/10; là những ngày, tháng người Dao hay làm lễ cúng các vị thần đã ban cho họ cuộc sống ấm no, mùa màng được bội thu. Bên cạnh các nghi thức truyền thống của người Dao thì chữ Nôm Dao cũng khá quan trọng, bởi nó không chỉ là hệ thống các văn tự mà đó còn là cả một nền văn hóa rất rực rỡ của người Dao. Với nhịp sống ngày nay, một số phong tục, tín ngưỡng của người Dao đang mất dần; đặc biệt là chữ Nôm Dao. Đứng trước thực trạng nhiều người Dao không còn “mặn mà” với chữ viết, lúc đó, tôi thấy buồn lắm. Nếu chẳng ai còn nói, viết chữ Dao nữa thì một mai người Dao sẽ chẳng còn giữ được bản sắc dân tộc mình nữa”.
Để người Dao biết chữ viết của dân tộc mình, ông Thương đến từng nhà vận động các cháu nhỏ đi học chữ Nôm Dao. Nhiều cháu khi được ông dạy chữ mẹ đẻ, thích lắm. Dần dần người này truyền người kia, rủ nhau đến nhà ông học chữ Nôm Dao ngày càng đông. Nhờ các lớp học chữ Nôm Dao này, hiện chữ Dao của người Thanh Y ở xã Bằng Cả đã được khôi phục lại.
Bên cạnh đó, ông Thương còn tới những vùng có nhiều người Dao sinh sống để sưu tầm văn hóa. Đến nay, ông Thương đã sưu tầm được các cuốn sách cổ về các bài cúng, câu thơ, bài hát của người Dao; góp phần đáng kể trong việc gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của người Dao.
Năm 2017, khi có dự án xây dựng đường giao thông đi ngang qua xã, ông Thương cùng các già làng tuyên truyền, vận động bà con hiến đất để làm đường giao thông. Thấy được ý nghĩa trong việc làm của ông, nhiều hộ dân trong thôn, xã cũng tự nguyện hiến đất, làm nên con đường liên xã khang trang, sạch đẹp như hiện nay.
Với vai trò là người uy tín của cộng đồng và là người cao tuổi ở thôn 2, ông thường xuyên đến từng nhà để tuyên truyền, nhắc nhở bảo ban con cháu chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo….
Năm 2016, ông Đặng Văn Thương được công nhận là Nghệ nhân Dân gian Việt Nam, do có công gìn giữ, bảo tồn những phong tục, sách cổ của đồng bào Dao Thanh Y.