Ngành Tài chính phải tiết kiệm chi
Nghiên cứu - Trao đổi 07/01/2022 10:28
Hình ảnh tại Hội nghị (Ảnh: M.P) |
Ngày 6/1, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tài chính ngân sách nhà nước năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội. Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND và lãnh đạo ngành tài chính các tỉnh, thành phố dự tại đầu cầu các địa phương.
Thu NSNN năm 2021 tăng 3,7%
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2021, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất cấp thẩm quyền kịp thời ban hành các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí,... nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân.
Theo đó, các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất ban hành trong năm 2021 khoảng 119,4 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ gần 120 nghìn doanh nghiệp và 20 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Tính cả số miễn, giảm theo các chính sách ban hành năm 2020 nhưng tiếp tục được thực hiện trong năm 2021 là 16,8 nghìn tỷ đồng và hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp 38 nghìn tỷ đồng, thì tổng số đã thực hiện miễn, giảm, giãn, hỗ trợ trong năm 2021 khoảng 174,2 nghìn tỷ đồng.
Trong tổ chức thực hiện thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo triển khai tốt các luật thuế; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương làm tốt quản lý thu; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế; đẩy mạnh chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế. Bên cạnh đó, đã triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần làm tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm ước khoảng 668,5 tỷ USD, xuất siêu khoảng 4 tỷ USD.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, thu ngân sách nhà nước năm 2021 ước đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, bằng 116,4% (vượt 219,9 nghìn tỷ đồng) dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020; trong đó, chủ yếu tăng thu từ dầu thô, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu và thu tiền sử dụng đất; thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất – kinh doanh vượt 14,5% dự toán, tăng 11,3% so với thực hiện năm 2020; tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước đạt 18,6% GDP (vượt mục tiêu 15,5% GDP); thu ngân sách trung ương ước đạt 106,7% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt 128,2% dự toán.
Về chi ngân sách nhà nước, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Tài chính đã đề xuất cấp có thẩm quyền nhiều chế độ, chính sách chi ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo nguồn kinh phí đẩy nhanh tiến độ mua và tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân, như trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bô, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19, với số tiền huy động đến hết ngày 31/12/2021 đạt 8.803 tỷ đồng; trình Quốc hội cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2021 và 2022;...
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 12.100 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2020 và 1.237 tỷ đồng kinh phí phòng chống dịch của Bộ Y tế năm 2020 chuyển sang năm 2021 để mua vaccine phòng COVID-19; trình Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung 14.620 tỷ đồng dự phòng ngân sách trung ương từ nguồn cắt giảm, tiết kiện chi ngân sách trung ương năm 2021 để chi cho phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ Tài chính nhận định, các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước năm 2021 đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Chi ngân sách nhà nước năm 2021 ước đạt 1.879 nghìn tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán. Trong số đó, ngân sách đã ưu tiên bố trí kinh phí cho phòng, chống dịch COVID-19, ngân sách nhà nước đã chi 74 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19; xuất cấp 141,97 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 ở 33 địa phương. Riêng tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển chậm hơn năm trước, ước đến hết 31/12/2021 đạt 74,7% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 77,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (năm 2020 đạt 82,66%).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2022, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trình cấp thẩm quyền và triển khai kịp thời các chính sách thu, chi ngân sách hỗ trợ cho các đối tượng chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, thiết kế các gói kích cầu kinh tế và tài khóa có hiệu quả, tạo động lực mới cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuế và quy định có liên quan để mở rộng cơ sở thu, chống xói mòn nguồn thu, bao quát khu vực kinh tế phi chính thức, các hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số; tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, trốn thuế; quản lý chặt chẽ hoàn thuế; quyết liệt xử lý, thu hồi nợ thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước so dự toán.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: M.P) |
Tìm giải pháp tiết kiệm chi
Phát biểu tại Hội Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính đánh giá cao những nỗ lực và kết quả mà Bộ Tài chính đã đạt được trong năm vừa qua. Thủ tướng nhận định, năm 2022 tình hình phát triển kinh tế, xã hội có cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức; trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã đề ra phương châm hành động cho năm 2022 là “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”.
“Ngành Tài chính cần căn cứ phương châm này để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2022 và trong thời gian tới.” - Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng nhấn mạnh, ngành tài chính cần xuất phát từ thực tiễn, lắng nghe ý kiến địa phương, các bộ ngành, tập trung đẩy mạnh 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực, đặc biệt là xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp và người dân.
Thủ tướng yêu cầu phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, chính sách này phải nâng đỡ, thúc đẩy chính sách kia, hết sức tránh lợi ích cục bộ, chính sách này mâu thuẫn, cản trở chính sách kia.
Bên cạnh đó, phải tìm biện pháp tăng thu, tiết kiệm chi, “trong lúc này phải thắt lưng buộc bụng”, rà soát kỹ, cắt giảm các khoản chi không cần thiết, kiểm soát bội chi, quản lý nợ công để phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm cân đối phù hợp tình hình, không vung tay quá trán cũng không quá thận trọng. “Làm sao dòng vốn tín dụng, dòng tiền ngân sách phải đi vào đúng chỗ, kích thích, tạo động lực mới cho nền kinh tế. Muốn đạt được điều này phải làm trên cơ sở khoa học, dữ liệu thống kê thật tốt”, Thủ tướng nêu rõ.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phân tích, làm rõ những hạn chế, bất cập để làm tốt hơn công tác quản lý tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp, chống tiêu cực, ách tắc. Tập trung thực hiện kế hoạch tái cấu trúc, cổ phần hóa, tăng cường quản lý tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; tận dụng thời cơ thị trường thuận lợi để đẩy nhanh quá trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp...
Phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm mang tính dài hạn, minh bạch và bền vững. Kiểm soát phát hành trái phiếu doanh nghiệp; uốn nắn ngay, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Tăng cường quản lý giá, thị trường; thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả, thị trường nhất là trong các dịp lễ, Tết; phối hợp chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, kiểm soát lạm phát trong phạm vi mục tiêu Quốc hội quyết định (CPI tăng 4%), góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chống gian lận xuất xứ có hiệu quả...
Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch, chống thất thoát thuế, hướng tới thực hiện mục tiêu theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030.
“Trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, khi nào khó khăn thì nhà nước chia sẻ, giảm thuế, giảm phí cho doanh nghiệp, khi thuận lợi thì doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm các nghĩa vụ” - Thủ tướng lưu ý.
Tiếp tục chủ động hội nhập, hợp tác tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Theo dõi, đánh giá tác động thực thi các FTA và căng thẳng chính trị, thương mại giữa các nước lớn, để có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp. Tích cực tham gia các hoạt động hợp tác tài chính khu vực ASEAN, APEC, G20..., nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ mong muốn và tin tưởng ngành Tài chính tiếp tục vượt qua khó khăn, thác thức, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước năm 2022 với kết quả cao hơn năm 2021, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ kính yêu tặng cho ngành Tài chính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Đã chi 74.000 tỷ đồng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn Theo thông tin từ Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 6/1 về công tác tài chính - ngân sách, năm 2021, ngân sách Nhà ... |
Ngành tài chính ngân hàng cẩn trọng với “gia vị” nợ xấu Mặc dù Thông tư 01 đã tạo hành lang pháp lý và cơ chế thuận lợi cho các tố chức tín dụng tháo gỡ khó ... |