Ngăn chặn nạn “sân trước”, “vườn sau”
Nghiên cứu - Trao đổi 03/01/2022 14:04
Ở Việt Nam, tình cảm được xem là giá trị cốt lõi trong giải quyết các mối quan hệ, kể cả ở các cơ quan công quyền. Tuy nhiên, hiện tượng dùng tiền, vật chất tác động để mua chuộc cán bộ, đảng viên có chức quyền đang ngày càng gia tăng, phát triển thành “chủ nghĩa thân hữu”. Việc này lan rộng sẽ khiến công bằng và cạnh tranh lành mạnh trong xã hội bị triệt tiêu. Về mặt quản lý nhà nước, nó bóp méo cả khâu lập và thực thi chính sách, pháp luật, hình thành các “liên minh ma quỷ”, tội phạm hoạt động có tổ chức, khiến việc thực thi và bảo vệ pháp luật bị tê liệt từ bên trong. Về mặt chính trị, nó góp phần hình thành phe cánh, tạo ra quyền lực "đen", quyền lực ngầm, thao túng bộ máy công quyền dễ dẫn đến mâu thuẫn nội bộ.
Một ví dụ điển hình của nạn “sân trước”, “vườn sau” là việc cán bộ “che chắn, bảo kê”, lờ đi hoặc “bật đèn xanh” cho các chủ doanh nghiệp, đối tác để có điều kiện thuận lợi kinh doanh, chiếm đoạt lợi ích. Gần đây là trong tháng 12-2021, cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương Phạm Duy Tuyến vì “tạo thuận lợi” cho Công ty cổ phần công nghệ Việt Á “thổi giá” bộ xét nghiệm Covid-19 nhằm hưởng lợi. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, trong 5 thỏa thuận mua bán với tổng trị giá 151 tỷ đồng ký với tỉnh Hải Dương, Việt Á đã chi khoản tiền ngoài hợp đồng gần 30 tỷ đồng, tương đương gần 20% cho Phạm Duy Tuyến. Mở rộng điều tra, đến ngày 31-12-2021, cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam thêm nhiều cán bộ thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng cán bộ y tế tỉnh Nghệ An, Bình Dương.
Một vụ án khác vừa được xét xử liên quan đến nạn “sân trước”, “vườn sau” là trường hợp của nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, do ông này đã “tác động” để gói thầu số hóa tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội rơi vào tay Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước. Với hành động này, ông Chung đã bị tuyên phạt 3 năm tù… Trước đó, nhiều vụ “ăn đất công” ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng bị phanh phui, liên quan đến nhiều nguyên cán bộ, lãnh đạo cấp cao của hai địa phương này đều có yếu tố của nạn “sân trước”, “vườn sau”…
Qua hàng chục vụ án có liên quan đến cán bộ chức quyền cho thấy, nhiều quan chức giữ các cương vị lãnh đạo đã “che chắn, bảo kê” và phải “ngã ngựa”, bỏ ngang chừng đường công danh với tiếng xấu muôn đời không gột sạch. Điều nguy hiểm là những con sâu, con mọt ấy đã trực tiếp làm giảm sút niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
2. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” xác định, “che chắn, bảo kê” là một trong những biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống. Đó là việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực...
Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" tiếp tục khẳng định nguyên nhân dẫn đến nhiều yếu kém là trong đội ngũ cán bộ còn hiện tượng cục bộ, lợi ích nhóm, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của doanh nghiệp, nhân dân.
Để ngăn chặn những “liên minh ma quỷ” lợi dụng kẽ hở trong quản lý kinh tế để trục lợi, cần thường xuyên và liên tục tuyên truyền thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu cũng như các văn bản của Đảng liên quan đến vấn đề này. Ngoài việc liên tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật để không tạo kẽ hở, cần tiếp tục phát hiện, xử lý triệt để các vụ việc tiêu cực theo quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Mặt khác, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng trong giám sát, thanh tra, kiểm tra và thực thi pháp luật, nhất là phát hiện, xử lý những trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật nhằm trục lợi.
Hiện Luật Phòng, chống tham nhũng đã có những quy định khá rõ ràng, có phạm vi điều chỉnh khá rộng khắp, toàn diện. Tuy nhiên, quá trình thực thi luật đã xuất hiện những vướng mắc, bất cập, gây khó khăn cho việc điều tra, xử lý. Do đó, rất cần các cơ quan tư pháp thường xuyên nghiên cứu, đúc rút thực tiễn, bổ sung chế tài quy định xử lý hành vi tham nhũng trong liên kết, móc ngoặc giữa khu vực công và khu vực tư để tránh lạm dụng chức quyền, sớm phát hiện và kịp thời ngăn chặn nạn “sân trước”, “vườn sau”.
“Bảo kê, che chắn” là nguyên nhân trực tiếp thúc đẩy “chủ nghĩa thân hữu” phát triển, trực tiếp dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Không chỉ cảnh báo, cảnh giác hiện tượng này mà phải quyết liệt, dứt khoát, triệt để hơn nữa trong việc đấu tranh và xử lý hiện tượng ưu ái cho “sân trước”, “vườn sau”, bảo đảm sự trong sạch của bộ máy nhà nước và sự vững mạnh của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân.
Chống lạm dụng uy tín tổ chức, cá nhân
1. Hiện nay, hiện tượng lạm dụng uy tín tổ chức, cá nhân để mưu cầu lợi ích tồn tại khá nhiều trong xã hội ... |
Tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa ban hành Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTƯ (ngày 29/11/2021) hướng dẫn thực hiện Quy định về những điều đảng ... |