Người cao tuổi đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được bảo vệ như thế nào?
Phát huy vai trò NCT 29/08/2022 08:05
Khoản 7, Điều 23, Luật NCT năm 2009 quy định về Hoạt động phát huy vai trò của NCT: Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở; thực hành tiết kiệm chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng, quan liêu; phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội.
Đây là quy định thể hiện rất rõ nét vai trò của NCT trong cộng đồng dân cư, cũng là hành lang pháp lý để NCT tiếp tục đóng góp cho sự phát triển văn hóa, xã hội nói riêng và xây dựng bảo vệ Tổ quốc nói chung.
Để bảo vệ NCT dũng cảm đấu tranh, tố cáo tham nhũng, tiêu cực, tệ nạn xã hội, trong khuôn khổ các định chế pháp luật, phóng viên Tạp chí Ngày mới Online (Tạp chí Người cao tuổi) đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng VPLS Interla Đoàn Luật sư TP Hà Nội để làm rõ thêm vấn đề này:
Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng Luật sư Interla |
Phóng viên: Thưa Luật sư, thực tế hiện nay nhiều NCT nhất là ở cơ sở khi phát hiện biểu hiện tiêu cực, tham nhũng ở cơ sở nhưng lại chọn cách phản ánh, tố cáo chưa đúng quy định của pháp luật, dẫn đến "bức xúc không đáng có". Vậy xin luật sư cho biết khi phát hiện sự việc tiêu cực, tham nhũng NCT cần thực hiện việc phản ánh, tố cáo theo trình tự nào? Cơ quan tiếp nhận tố cáo của NCT?
Luật sư Trương Quốc Hòe: Ngày 16/9/2021, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành thêm Quy định số 32-QĐ/TW về chức năng, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tại đây, Bộ Chính trị cũng đã tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại các cấp cơ sở, đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Việc phát hiện tham nhũng đòi hỏi sự nỗ lực của mọi cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các cơ quan có chức năng thanh tra, điều tra, giám sát, kiểm sát cũng như sự tham gia tích cực của công dân. Điều này trong Luật Phòng,chống tham nhũng năm 2018 có thể hiện việc phát hiện tham nhũng thông qua ba hoạt động chủ yếu: Công tác kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước;Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán và Tố cáo của công dân.
Do vậy, trường hợp NCT phát hiện biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, quan liêu ở cở sở có thể tố cáo lên các cơ quan như: cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát,.. về những hành vi trên căn cứ theo Khoản 1 Điều 65 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018.
Về Hình thức tố cáo được quy định tại điều Điều 54, Nghị định số 59/2013/NĐ-CP, cụ thể như: a) Tố cáo trực tiếp; b) Gửi đơn tố cáo; c) Tố cáo qua điện thoại; d) Tố cáo qua mạng thông tin điện tử. Trong quá trình tố cáo NCT cần phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ, nội dung tố cáo và cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có.
Lưu ý, những tố cáo về hành vi tham nhũng mà người tố cáo mạo tên, nội dung tố cáo không rõ ràng, thiếu căn cứ, những tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nay tố cáo lại nhưng không có bằng chứng mới thì không được xem xét, giải quyết.
Như vậy, người tố cáo không nhất thiết phải gửi đơn tố cáo hay tố cáo trực tiếp đến cơ quan tiếp nhận tố cáo mà hoàn toàn có thể tố cáo qua mạng thông tin điện tử, qua điện thoại,... Điều này cũng góp phần bảo vệ cho người tố cáo tránh được những hành vi trả thù không đáng có.
Phóng viên: Thưa ông, khi NCT tố cáo, phản ánh sự việc tiêu cực, tham nhũng, tệ nạn xã hội về pháp luật họ được bảo vệ như thế nào?
Luật sư Trương Quốc Hòe: Như Khoản 2 Điều 65 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền khi nhận được phản ánh, tố cáo về hành vi tham nhũng phải xem xét, xử lý kịp thời và áp dụng các biện pháp bảo vệ người phản ánh, tố cáo. Xét căn cứ trên, có thể thấy được khi nhận thấy hành vi sai trái pháp luật người tố cáo sau khi tố cáo có thể hoàn toàn được cơ quan tiếp nhận tố cáo bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật.
Điều này cũng được quy định tại Khoản 1 Điều 9 Luật Tố cáo năm 2018, Người tố cáo có các quyền sau đây: a) Thực hiện quyền tố cáo theo quy định của Luật này; b) Được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác; c) Được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo; d) Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết; đ) Rút tố cáo; e) Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo;g) Được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật
Như vậy, khi nộp đơn tố cáo người tố cáo sẽ được cơ quan tiếp nhận tố cáo đảm bảo bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin khác. Người tố cáo còn có thể yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền có các biện pháp bảo vệ mình khi có dấu hiệu bị đe dọa. Do đó người tố cáo nói chung và NCT nói riêng có thể yên tâm thực hiện quyền tố cáo của mình không phải lo đến việc bị trả thù.
Phóng viên: Thực tế hiện nay rất nhiều NCT đứng ra phản ánh, tố cáo hành vi tiêu cực, các sự vụ tệ nạn xã hội tại cơ sở nhưng lại e sợ, bị trả thù, trù dập. Vậy xin ông cho biết, Pháp luật quy định thế nào về việc trả thù, trù dập người tố cáo?
Luật sư Trương Quốc Hòe: Tại Khoản 3 Điều 30 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác”. Luật Tố cáo năm 2018 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã dành riêng một chương (Chương VI Luật tố cáo và Chương XXXIV Bộ luật Tố tụng hình sự) về bảo vệ người tố cáo, người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại và người tham gia tố tụng khác. Trong đó, Chương VI của Luật tố cáo năm 2018 quy định về: phạm vi bảo vệ người tố cáo, đối tượng được bảo vệ; trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo,…
Mặt khác, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm áp dụng biện pháp bảo vệ trong trường hợp cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng xác định được tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại do việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, thông tin liên quan đến tội phạm. Đối với hành vì trả thủ người tố cáo theo quy định tại Điều 166 Bộ luật Hình sự năm 2015 có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt cao nhất lên tới 7 năm tù giam.
Cụ thể: 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc hành vi khác cản trở việc khiếu nại, tố cáo, việc xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc việc xử lý người bị khiếu nại, tố cáo; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở việc thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền xét và giải quyết khiếu nại, tố cáo gây thiệt hại cho người khiếu nại, tố cáo.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:a) Có tổ chức; b) Trả thù người khiếu nại, tố cáo; c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; d) Dẫn đến biểu tình; đ) Làm người khiếu nại, tố cáo tự sát.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Phóng viên: Vậy khi NCT thực hiện tố cáo được bảo vệ như thế nào, cơ quan nào là trực tiếp đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng, sự an toàn của họ, thưa ông?
Luật sư Trương Quốc Hòe: Để bảo vệ bản thân mình người cao tuổi cần căn cứ tại Điều 47 Luật Tố cáo năm 2018 về Người được bảo vệ và phạm vi bảo vệ người tố cáo. Đối tượng được bảo vệ, bao gồm: Người tố cáo và người thân thích của người tố cáo; việc bảo vệ người tố cáo được thực hiện tại tất cả những nơi có thể ảnh hưởng đến người tố cáo, bao gồm: Nơi cư trú, công tác, làm việc, học tập, nơi có tài sản của người cần được bảo vệ hoặc những nơi khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Các biện pháp bảo vệ người tố cáo, có 3 nhóm biện pháp chính, bao gồm: Bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các quyền nhân thân khác của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm của người tố cáo, người thân thích của người tố cáo.
Phương thức bảo vệ người tố cáo, có 4 phương thức bảo vệ người tố cáo chủ yếu như sau: Bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo, bảo vệ tại nơi công tác, làm việc là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan Nhà nước, bảo vệ người tố cáo tại nơi cư trú và bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo.
Cơ quan bảo vệ người tố cáo: UBND các cấp có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo đối với trường hợp bảo vệ người tố cáo tại nơi cư trú. Các cơ quan có chức năng bảo vệ người tố cáo bao gồm: Cơ quan có trách nhiệm giải quyết tố cáo; cơ quan công an nơi người tố cáo, người thân thích của người tố cáo cư trú, làm việc, học tập; cơ quan công an nơi có tài sản của người tố cáo hoặc người thân thích của người tố cáo; tổ chức công đoàn cơ sở, cơ quan quản lý lao động hoặc cơ quan có thẩm quyền khác ở địa phương. Pháp luật cũng quy định Ban chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đúc, điều hoà sự phối hợp giữa các cơ quan này với nhau và với cơ quan, tổ chức hữu quan khác trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ người tố cáo.
Như vậy khi khiếu nại, tố cáo tham nhũng, tiêu cực NCT luôn thực hiện đúng quy định của pháp luật và được bảo vệ bởi Pháp luật. Tôi cũng đồng tính với ý kiến cho rằng NCT nên tỉnh táo, kiên định, tránh mọi cám dỗ. Và đặc biệt không khiếu kiện đông người, vượt cấp và giữ ổn định chính trị mọi vấn để phải giải quyết trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!