Nâng cao văn hóa tự phê bình và phê bình để xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Nghiên cứu - Trao đổi 04/08/2023 15:58
Về mặt nhận thức, hiện nay còn không ít cán bộ, đảng viên, có cả cấp ủy viên các cấp chưa nhận rõ tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Còn quan niệm giản đơn, ngộ nhận coi tự phê bình và phê bình chỉ như là một biện pháp động viên, giáo dục đơn thuần để người có sai phạm tự giác tự kiểm tra và tự sửa chữa. Mà, không nhận thức sâu sắc tự phê bình và phê bình còn phải là vũ khí sắc bén của Đảng để đấu tranh vạch rõ giữa cái đúng với cái sai, giữa cái tốt với cái xấu. Đấu tranh quyết liệt với chủ nghĩa cá nhân ở ngay trong con người mình, đồng thời đấu tranh quyết liệt với những biểu hiện tiêu cực, suy thoái đối với đồng chí trong tập thể, tổ chức, cơ quan, đơn vị mình.
Trong thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ trước tới nay, nhất là trong mấy thập niên gần đây, mặc dù được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có quyết tâm chính trị quyết liệt, nhưng vẫn rất ít trường hợp cán bộ, đảng viên có sai phạm, nhất là sai phạm nặng mà tự giác báo cáo và tự nhận kỉ luật, bởi còn nhiều tổ chức Đảng chưa thực hiện sử dụng quyết liệt vũ khí sắc bén tự phê bình và phê bình để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cũng do vậy, mà rất nhiều nơi, nhiều lúc việc tiến hành tự phê bình và phê bình trong các tổ chức Đảng kể cả trong các cấp ủy Đảng, Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng các cấp, thực chất chỉ là hình thức bắt buộc phải làm để che mắt cấp trên. Không ít nơi còn dùng tự phê bình và phê bình để vuốt ve, che chắn, tâng bốc lẫn nhau, để "được cho anh, cho ả, được cả cho làng". Thậm chí có nơi, có lúc còn sử dụng tự phê bình và phê bình làm kế sách kinh doanh chính trị nhằm vào lợi ích nhóm. Ở một khía cạnh khác, nhiều người còn thiếu lòng tin, đánh giá thấp hiệu lực, hiệu quả của sự tự giác tự phê bình, còn mang nặng quan điểm bảo thủ cho rằng thói thường thì mấy ai tự vạch áo cho người xem lưng. Họ không thấy trong khi đó, có không ít cán bộ, đảng viên đã nêu cao tấm gương sáng về tinh thần tự giác, tự phê bình và sẵn sàng tiếp nhận những ý kiến phê bình thẳng thắn, trung thực của đồng chí, của tập thể nên đã kịp thời ngăn chặn những khuyết điểm, vi phạm khi còn mới manh nha, không để dẫn tới sai lầm, vi phạm nghiêm trọng, không để khuyết điểm từ một người kéo theo nhiều người, kéo theo cả tổ chức.
Nhưng cũng trong thực tiễn thời gian vừa qua, đã có một số cấp ủy Đảng cấp tỉnh bị thi hành kỉ luật do để sai phạm nghiêm trọng kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kì liên tiếp. Cả Bí thư, Phó Bí thư và Chủ tịch nhiệm kì trước, đến Bí thư, Phó Bí thư và Chủ tịch nhiệm kì sau đều vi phạm, tiêu cực và nội dung, tính chất vi phạm giống nhau... điều đó đã chứng minh rất rõ là việc tự phê bình và phê bình ở đây chỉ là hô khẩu hiệu, chỉ làm lấy lệ; chưa thấy sự cần thiết bức bách của tự phê bình và phê bình trong tổ chức Đảng như con người ta cần phải có không khí mới sống được và Đảng mới tồn tại và phát triển.
Để khắc phục đi đến chấm dứt thực trạng buông lỏng vũ khí tự phê bình và phê bình trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, việc quan trọng đầu tiên là tất cả cán bộ, đảng viên, trước hết là các cấp ủy Đảng, cùng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải thấm nhuần sâu sắc và thực hiện thật nghiêm lời Bác Hồ dạy: "Tự phê bình và phê bình là để bắt đúng bệnh, trị đúng thuốc, cứu được người". Và "một Đảng cách mạng mà giấu giếm sai lầm, khuyết điểm là một Đảng hỏng". Thấm nhuần lời Bác Hồ dạy là phải hiểu đầy đủ vũ khí tự phê bình và phê bình bao gồm hai mặt: Tự giác và nghiêm minh, vừa giáo dục vừa đấu tranh, luôn gắn chặt xây và chống, lấy xây làm gốc, coi chống phải quyết liệt và kịp thời. Trong xây, phải hết sức coi trọng xây dựng đạo đức, trong chống phải quyết liệt quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Phải nâng cao tính chiến đấu và nêu gương của tự phê bình và phê bình trở thành văn hóa - văn hóa kiểm tra Đảng. Nơi nào, tổ chức nào chưa nâng cao tính chiến đấu và tính nêu gương của tự phê bình và phê bình để trở thành văn hóa Đảng - thì chưa có thể khẳng định được thực trạng suy thoái, tiêu cực của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ở đấy đã được đẩy lùi, càng không thể khẳng định công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng đã thật sự trong sạch, thật sự vững mạnh.
Khi nói đến văn hóa là phải nói đến lòng tự trọng, là người biết đặt danh dự lên trên, coi danh dự là một điều thiêng liêng cao quý nhất, như lời nhắn nhủ tâm tình và tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bởi danh dự là một thành tố thuộc phạm trù đạo đức, có ý nghĩa nền tảng định hướng con người lựa chọn làm điều tốt, điều thiện, ngăn ngừa làm điều xấu, điều ác. Trong văn hóa lịch sử nhân loại, có không ít cộng đồng và những cá nhân đã trở thành tấm gương minh chứng sống động để lại cho đời sau, khẳng định giá trị của danh dự, làm tất cả, không tiếc điều gì, kể cả hi sinh tính mạng chỉ để giữ gìn danh dự bản thân, danh dự gia đình, dòng họ, danh dự quốc gia. Coi danh dự là biểu hiện cao nhất của liêm sỉ. Cũng trong văn hóa lịch sử của dân tộc ta thời nào cũng vậy, tất cả cán bộ dù giữ chức vụ to hay nhỏ, dù ở cấp Trung ương hay cấp cơ sở, trước hết phải là người có danh dự, mới có đủ tín nhiệm và mới được lòng dân.
Cũng từ đó, chúng ta càng nhận thấy trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó xây dựng cho mỗi tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên về đạo đức, về văn minh, để con người biết trân quý những giá trị cốt lõi: Chân, thiện, mĩ; tự giác điều chỉnh hành vi, tự soi, tự sửa, tự rèn hằng ngày. Để con người bên cạnh cần có văn hóa - văn minh, cũng cần phải có văn hóa xấu hổ, vì có biết xấu hổ mới biết trọng danh dự, mới có bản lĩnh và tâm thế vững chãi đương đầu và vượt lên mọi sự cám dỗ kể cả cạm bẫy của mặt trái đồng tiền, tài sản, vật chất... và mới không màng đến những thứ vốn không phải của mình, không thuộc về mình, không do lao động chân chính của mình làm ra. Có như vậy, thì tự phê bình và phê bình mới thật sự trở thành văn hóa, mới thật sự có hiệu lực và hiệu quả thiết thực để xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh.