Chống “bệnh cố chấp” trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Nghiên cứu - Trao đổi 22/06/2024 08:00
Ngày nay, căn bệnh “cố chấp” cũng như “định kiến” đang có dấu hiệu lây lan và rất nguy hại ở một số nơi, không chỉ diễn ra trong xã hội mà còn diễn ra trong một số tổ chức Đảng và hệ thống chính trị. Bệnh cố chấp dễ thấy nhất là trên mạng xã hội, khi một số người nổi tiếng rơi vào cảnh “làm trăm việc tốt không thấy quan tâm, nhưng khi lỡ lời một chút thì trở thành to chuyện”, thậm chí bị “đánh hội đồng”. Bệnh cố chấp còn xảy ra ở các gia đình, dòng họ khi có người mắc bệnh “gia trưởng” thì gây ra cảnh “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”, “sáng nắng chiều mưa”, “tan đàn xẻ nghé”.
Mầm bệnh cố chấp thường nảy sinh trước hết ở những người mang nặng động cơ vụ lợi cá nhân, cố ý “trả đũa” những người thẳng thắn phê bình các biểu hiện tiêu cực hoặc có ý kiến trái với ý của mình. Có người sử dụng con bài cố chấp làm “vũ khí” hòng hạ bệ những người hơn mình để tranh giành quyền chức. Vì vậy động cơ không trong sáng, một số cán bộ lãnh đạo khi nhìn nhận về đồng chí mình coi như một vật đứng yên tại chỗ, khi họ mắc sai lầm, mặc dù đã tự giác và quyết tâm sửa chữa, vẫn giữ nguyên thái độ định kiến. Căn bệnh cố chấp cũng nảy sinh trong một số người vốn lương thiện, có đạo đức, nhưng về mặt nhận thức chính trị đã đánh mất khả năng tư duy khoa học biện chứng, thiếu khách quan trong nhìn nhận sự việc, để dư luận số đông lôi cuốn, áp đặt, thậm chí còn vô tình tiếp tay cho các thế lực thù địch lợi dụng tung hỏa mù, kích động “đổ xăng vào lửa” chống phá Đảng ta. Từ đó, một số người đã vô tình tự biến phẩm chất vốn tốt đẹp của mình trở thành “cái đuôi” định kiến của dư luận xã hội.
Liên hệ vào hoạt động kiểm tra - xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các căn bệnh “cố chấp”, “đố kị”, “định kiến” đều gây tác hại như nhau. Nó ảnh hưởng đến không khí đoàn kết, cởi mở, đến môi trường chính trị, văn hóa, nhân văn trong cơ quan, đơn vị, tổ chức. Nó cản trở hoạt động sàng lọc thông tin, phân loại đối tượng vi phạm và “đánh tráo” kết quả kiểm tra, giám sát, thẩm tra - xác minh sự việc. Một số nơi do cố chấp mà nội bộ nghi kị lẫn nhau, chia bè kéo cánh, đơn thư vu cáo, khiếu kiện nảy sinh làm cho tổ chức Đảng mất dần sức chiến đấu, làm cho đảng viên, quần chúng mất lòng tin. Cũng từ áp lực của bệnh cố chấp đã làm giảm đi động cơ trong sáng, tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp chung của những cán bộ, đảng viên chân chính, tâm huyết. Bệnh cố chấp vừa làm hạn chế đến kết quả công tác kiểm tra, giám sát, vừa có ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến công tác phát hiện, sàng lọc, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là đối với những cán bộ thực chất có đức có tài nhưng cũng thường hay có “tật”. Trong công tác cán bộ, bệnh cố chấp trở thành môi trường sống và chỗ dựa cho tư tưởng hẹp hòi “yêu nên tốt, ghét nên xấu” trù dập người ngay, bao che kẻ xấu. Người làm công tác cán bộ mắc bệnh cố chấp thường chỉ thấy ở lớp trẻ mặt non yếu, thiếu kinh nghiệm mà không thấy mặt tiềm năng, sức bật vươn lên, nhất là khi có được môi trường tốt và được thầy dạy giỏi. Cán bộ lãnh đạo mắc bệnh cố chấp thường đòi hỏi lí lịch cán bộ dưới quyền phải thật “tròn trịa” không có “tì vết” mà không thấu hiểu ý nghĩa sâu sắc về những lời của ông cha ta đã dạy “nhiều khi vấp ngã lại được cả bài học thành công”.
Để loại bỏ những cố chấp, bản thân cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ về nó, cần thiết phải coi đây là một căn bệnh để có sự lưu tâm, cảnh giác, không để bản thân “mắc bệnh”. Muốn nhận rõ về sự cố chấp, cần phải phân biệt được cố chấp hoàn toàn khác với sự kiên định, vững vàng. “Kiên định, vững vàng” theo Bác Hồ là cán bộ, đảng viên phải không có chút tự tư lợi làm mờ tối tư tưởng và hiểu biết của mình. Nhận xét, đánh giá, phán đoán, phải căn cứ vào thực tế khách quan. Việc đúng là đúng chứ không phải tự mình cho là đúng. Kiên quyết đấu tranh nhưng không phải hàm hồ, thành kiến, áp đặt “vơ đũa cả nắm”. Thấy người khác đúng thì phải thật lòng hoan nghênh và sẵn sàng học tập. Thấy người khác sai cần phê phán đấu tranh thì trước hết phải chịu lắng nghe, sàng lọc nhiều chiều, thấu hiểu về hoàn cảnh, điều kiện, nguyên nhân khách quan, chủ quan, mức độ hậu quả sai phạm và bền lòng phân tích, giải thích. Dù ý kiến của người khác chỉ đúng một chút, mình cũng thật thà hoan nghênh. Dù khuyết điểm của mình lớn hay nhỏ cũng nên thành thật thừa nhận, tự giác tự phê bình và kiên quyết sửa chữa. Đặc biệt là giữ vững tính trung thực và tình đồng chí trong sinh hoạt nội bộ, trong hoạt động kiểm tra, giám sát, xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Muốn loại bỏ được tình trạng cố chấp để phục vụ công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên nên tự mình rèn luyện bản lĩnh, hình thành tư duy khoa học biện chứng, nhìn nhận mọi vấn đề bằng tấm lòng và con mắt bao dung, độ lượng với tinh thần “thương đồng chí mình như thể thương thân”. Kể cả những đồng chí đã hoặc đang mắc sai lầm, khuyết điểm. Cũng như bản thân mình, khó ai tránh khỏi đôi lần khuyết điểm, chỉ có điều biết tự giác và quyết tâm sửa chữa hay không. Đối với cấp ủy Đảng, một mặt cần tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, thực hiện nghiêm tự giác tự phê bình, mặt khác tăng cường bồi dưỡng, giáo dục lí luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, cùng xây dựng đội ngũ có lập trường chính trị vững vàng, kiên định nhưng không võ đoán, nguyên tắc nhưng không máy móc, quyết liệt mà không bốc đồng, thẳng thắn nhưng khiêm tốn, có văn hóa, có nhân văn. Phải kiên trì và thường xuyên thực hành tự giác tự phê bình và phê bình trên tinh thần thực sự thương yêu đồng chí lẫn nhau.
Loại bỏ được cố chấp, định kiến, trước hết ở những cán bộ chủ chốt, người đứng đầu và đội ngũ làm công tác kiểm tra, xây dựng chỉnh đốn Đảng thì chắc chắn tổ chức Đảng sẽ ngày càng đoàn kết, trong sạch vững mạnh, bản thân cán bộ, đảng viên sẽ thanh thản, tăng thêm năng lượng, dồn tâm huyết, trí lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Bởi lúc này, tư duy mình sẽ khoáng đạt, hướng thiện, luôn nghĩ đúng, làm đúng vì sự nghiệp chung nên mọi người xung quanh thêm tin yêu, quý trọng, xứng đáng với danh hiệu vẻ vang người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.