Mục đồng kể chuyện Tết bò
Đời sống 27/01/2025 07:13
Tôi là điển hình của một mục đồng có tâm. Lùa bò đi chăn, luôn đảo mắt tìm đám cỏ mướt nhất có thể, còn bứt những cọng cỏ tươi tốt mọc lắt léo trong gai đưa tận miệng chúng. Những bạn bò cũng dễ thương lắm! Tin không, lúc qua bãi cát, con Hường lấy sừng hích nhẹ vào mông, nhắc “khổ chủ” leo lên lưng cho nàng cõng. Ra bến sông, chúng nghểnh cổ về phía tôi đòi tắm. Tin tôi đi, phải yêu thực lòng một chú bò bạn mới hiểu được sự tương tác đáng yêu của chúng.
Hồi ức vui vẻ và đáng yêu nhất trong đời mục đồng là những ngày trước và sau Tết.
Ban đầu cũng có chút áp lực vì Tết là thời điểm trẻ con được vui chơi nhưng sau đã hiểu ra, công việc này khá thú vị, thế là lũ mục đồng chúng tôi vui vẻ cùng đàn bò mang Tết ra đồng.
“Mang Tết ra đồng”, đúng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tay cầm roi, tay kia đằng nào cũng có món gì đó nhón trộm từ gian bếp của mẹ. Thích hơn nữa là thả bò ngay mấy đám đất hoang gần nghĩa địa, cuối năm bà con xa quê về thăm mộ người thân thường rất hào phóng với mục đồng. Chúng tôi được kêu lại lì xì bánh mứt. Ngay từ hồi đó tôi đã thấy được điều tốt đẹp từ tục thăm mộ ngày Tết. Kẻ còn người mất như được gặp nhau, không khí rưng rưng nồng ấm…
Hồi ức mục đồng sẽ mãi bồi hồi đó là sáng sớm mùng 3 Tết, tôi phấn khởi lăng xăng nhìn ba mẹ sửa sang cúng Tết cho những bạn bò thân yêu của mình.
Để chuẩn bị mâm cỗ Tết bò, chiều mùng 1, mẹ sẽ ngâm nếp, bày lá chuối ra lau, cắt, xé dây để mùng 2 gói bánh. Bánh tét Tết bò - đó là phong tục của quê tôi. Gọi chung bánh tét nhưng mỗi bạn bò sẽ có một chiếc bánh với kiểu dáng riêng. Con đực là đòn bánh tét, bò cái sẽ gói thành hình vuông, con choai bánh vừa phải, còn chú bê sẽ là chiếc bánh nhỏ xíu. Tôi thích mê những chiếc bánh tí hon đó. Nhìn nó, tôi nghĩ ngay đến khuôn mặt ngồ ngộ của bạn bê đang nghểnh cổ tập õm ò gọi chủ. Bánh mẹ gói xong, tôi nâng lên hạ xuống một cách nâng niu. Lúc bánh chín, nghi ngút mùi thơm nếp mỡ quyện trong mùi đậu xanh ninh nhuyễn, tôi sẽ chẳng ngại bỏng tay mà bốc nhanh cái bánh nóng hổi đó đặt đường bệ lên chiếc đĩa để chuẩn bị bê ra chuồng… Tết bê.
Tết bò không cầu kì nhưng chẳng thiếu trang trọng. Ba đặt chiếc bàn trước cửa chuồng, trên có lọ hoa, nải chuối xanh, đĩa cốm, gạo muối và những đĩa bánh tét đã cắt lát cùng những chiếc bánh nguyên. Lúc nào cũng vậy, tôi nín thở nép trong vách nhìn ba lâm râm khấn vái và trịnh trọng thắp hương. “Tiết mục” được tôi trông chờ nhất là cùng ba dán lên giữa trán những con bò tờ vàng mã lóng lánh.
Sáng đó, mục đồng tôi sẽ nôn nóng đi chăn bò, cố tình lùa ra mương lớn, kề Quốc lộ 29 để khoe đàn bò lạ kiểu. Người đi đường sẽ có những biểu cảm đáng yêu khi nhìn những bạn bò của tôi. Tôi cá là chúng cũng rất phấn khởi nên ngẩng đầu đi rất ra dáng - khiến cô mục đồng còn thèm được mặc đồ mới đi coi bài chòi cũng thấy được an ủi nhiều. Tôi tự trấn an: Người vất vả, người có mấy ngày Tết để nghỉ ngơi. Bò cày kéo quanh năm, bò cũng phải có Tết! Đi chăn bò không phải đi làm mà đích thị là đi chơi Tết với bạn bò!
Tôi hỏi tại sao lại có Tết bò, ba tôi bảo ở quê mình (Phú Yên) thì tục Tết bò đã có từ rất lâu đời và được gìn giữ đến hôm nay. Tết bò là thờ cúng ông Chuồng, bà Chuồng, cầu mong ông bà phù hộ cho đàn bò khỏe mạnh, sinh sôi nảy nở đầy chuồng… Hồi đó nghe vậy chứ không hiểu được lời ba đâu. Phải đến sau này, khi đã rời xa tuổi thơ mục đồng tôi mới hiểu Tết bò là một tập tục đẹp đáng gìn giữ và phát huy của làng quê đất Phú.
Mùng 3 Tết nào về mẹ tôi cũng đi thẳng ra chuồng bò để ngắm những chiếc trán sáng vàng mã của những bạn bò và rong ruổi về những cái Tết trong trẻo của tuổi thơ mục đồng.