“Miền đất lạ” ở phương Nam
Đời sống 18/07/2023 10:30
Về địa lí, An Giang là tỉnh nằm ở phía Tây Nam Tổ quốc, có diện tích đứng thứ tư và dân số đứng đầu Đồng bằng sông Cửu Long. Địa hình khá đa dạng, với hình thể gần giống tam giác, có thể chia thành ba khu vực: Một là, dãy cù lao rộng lớn nằm giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu với đất đai màu mỡ đã hình thành những vườn cây trái sum suê thuộc ba huyện Chợ Mới, Phú Tân, An Phú và thị xã Tân Châu. Hai là, đồng bằng trũng thấp ở bờ Tây sông Hậu, với hai thành phố sầm uất là Long Xuyên và Châu Đốc, xen giữa hai đô thị đó là những cánh đồng bát ngát thuộc hai huyện thuần nông Châu Phú và Châu Thành. Ba là, khu vực đồi núi phía Tây, gồm miền đất được mệnh danh là Thất Sơn thuộc thị xã Tịnh Biên và huyện Tri Tôn, vùng đồi núi cổ gắn với những dấu ấn văn hóa Óc Eo thuộc huyện Thoại Sơn.
Nằm ở tiểu vùng Thượng châu thổ Cửu Long, An Giang là nơi đầu tiên đón dòng nước Mekong chảy vào lãnh thổ Việt Nam. Không chỉ ôm trọn sông Tiền và sông Hậu vào lòng, khắp cả tỉnh còn nhiều dòng sông lớn nhỏ và biết bao kinh rạch chi chít. Hội tụ những điều kiện thuận lợi nói trên khiến nông nghiệp trở thành thế mạnh của địa phương.
Nếu yếu tố sông nước là đặc trưng chủ đạo của địa lí và văn hóa Nam Bộ, thì An Giang còn có thêm yếu tố đồi núi. Bàn tay tài hoa của thiên nhiên đã tạo tác cho miền sông bao la ấy nằm bên cạnh xứ núi uy nghiêm. Cả tỉnh có gần bốn mươi ngọn núi lớn nhỏ, chủ yếu nằm ở phía Tây Nam. Chốn ấy còn biết bao điều kì bí cả về sinh thái lẫn nhân văn.
Với nét đặc biệt là một miền quê có cả núi và sông, An Giang đã đi vào bao tác phẩm nghệ thuật. Nhà văn Mai Văn Tạo - người con của xứ núi đã xúc động: “Tuổi thơ tôi đã hằn sâu trong kí ức những ngọn núi trông xa lấp lánh như kim cương, lúc xa mờ, khi xanh thẫm, lúc tím lơ, khi rực rỡ như núi ngọc màu xanh”. Còn nhạc sĩ Hoàng Hiệp sinh ra từ miền sông đã tự hào: “Quê hương tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà, con sông quê luôn gắn bó với tuổi thơ đời tôi”.
Về lịch sử, An Giang là vùng đất trẻ theo cách hiểu được sáp nhập vào nước ta khá muộn. Xa xưa, nơi đây là một trong những trung tâm của vương quốc cổ Phù Nam. Thời chúa Nguyễn đến triều Nguyễn, An Giang đón chân nhiều lớp di dân từ các nơi đến lập nghiệp. Để khai khẩn đất lạ, họ chẳng những anh dũng chống lại thiên nhiên hoang dã, mà còn kiên cường chống giặc ngoại xâm lăm le biên giới, đồng thời lao động sản xuất để phát triển kinh tế và sáng tạo nên những thành tựu văn hóa đặc sắc.
Năm 1757, vua Chân Lạp là Nặc Tôn cắt vùng đất Tầm Phong Long dâng cho chúa Nguyễn Phước Khoát, trong đó có địa bàn An Giang ngày nay. Sau khi chính thức thuộc chủ quyền Đàng Trong, chúa Nguyễn đặt xứ ấy thuộc dinh Long Hồ và lập ba đạo trấn thủ gồm Châu Đốc, Tân Châu, Đông Khẩu. Đến triều vua Gia Long, vùng đất này thuộc trấn Vĩnh Thanh. Năm 1832, dưới triều vua Minh Mạng, tỉnh An Giang được thành lập - một trong lục tỉnh Nam Kỳ xưa. Đến triều vua Tự Đức, tỉnh An Giang có 3 phủ cai quản 10 huyện gồm: Phủ Tuy Biên (huyện Hà Âm, Hà Dương, Phong Phú, Tây Xuyên), phủ Tân Thành (huyện Đông Xuyên, Vĩnh An, An Xuyên) và phủ Ba Xuyên (huyện Phong Nhiêu, Phong Thạnh, Vĩnh Định). Tỉnh An Giang triều Nguyễn tương ứng với các tỉnh thành gồm An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và một phần Đồng Tháp ngày nay.
Thời Pháp thuộc, An Giang bị chia thành nhiều tỉnh nhỏ. Đến năm 1956, tỉnh An Giang được tái lập, nhưng địa bàn bị thu hẹp chỉ còn tương ứng với phạm vi hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc thời Pháp thuộc. Năm 1964, An Giang lại bị tách thành hai tỉnh là An Giang và Châu Đốc. Năm 1976, sau bao thăng trầm, cái tên An Giang thân thương và tự hào đã trở về với người dân An Giang cho đến nay. Tỉnh có 11 đơn vị hành chính trực thuộc gồm TP Long Xuyên, TP Châu Đốc, thị xã Tân Châu, thị xã Tịnh Biên và các huyện An Phú, Phú Tân, Chợ Mới, Châu Phú, Châu Thành, Tri Tôn, Thoại Sơn.
Về văn hóa, tuy được khai phá muộn, An Giang lại có diện mạo văn hóa phong phú, với nhiều di sản vật thể và phi vật thể đặc sắc. Trong quá trình xây dựng và bảo vệ biên ải, bao thế hệ đã để lại những giá trị truyền thống quý giá. Họ đã mang đến cho An Giang những di tích cổ kính, những lễ hội đầy màu sắc, không chỉ hấp dẫn với người địa phương mà còn cả bè bạn phương xa.
Do địa hình khác lạ, An Giang luôn được xem là “đất thiêng” trong mắt cư dân Tây Nam Bộ. Từ đó, nơi đây trở thành miền đất của tín ngưỡng - tôn giáo. Ngoài những tôn giáo quen thuộc trên cả nước, còn có những tôn giáo được khai sinh trên mảnh đất này, nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của dân chúng. Bên cạnh đó, có thể nói An Giang là một trong những tỉnh có nhiều cơ sở thờ tự… hàng đầu ở Nam Bộ. Hầu như làng xã nào cũng có một vài ngôi chùa, đình, miếu… đóng vai trò là trung tâm tín ngưỡng của cư dân nơi ấy. Tâm linh - tín ngưỡng hay tôn giáo nội sinh, tựu trung lại chẳng qua con người muốn giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống, đạo làm người.
Hai lễ hội tiêu biểu ở An Giang là lễ Vía Bà Chúa Xứ núi Sam và hội Đua bò Bảy Núi. Ngoài ra, các lễ hội kỉ niệm những danh nhân như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Thoại, Đoàn Minh Huyên, Trần Văn Thành… luôn thu hút đông đảo du khách. Đặc biệt, không thể không nhắc đến sự đóng góp to lớn của các tộc người thiểu số cho văn hóa địa phương như Chol Thnam Thmay của người Khmer hay Roya Phik Trok của người Chăm…
An Giang được khách du lịch xem là “thiên đường ẩm thực” với nhiều đặc sản trứ danh như mắm Châu Đốc, cơm tấm Long Xuyên, gà đốt Ô Thum, bún cá, thốt lốt, tung lò mò, cá linh, cá ba sa… Bên cạnh đó, tỉnh còn có những làng nghề dân gian nổi tiếng như mộc Chợ Thủ, tranh kiếng Chợ Mới, lãnh Mỹ A, thổ cẩm Châu Giang, gốm Nam Quy… Nghệ thuật dân gian An Giang cũng đa dạng về loại hình với đờn ca tài tử, hát huê tình, nói thơ rơi…
Nhìn chung, cũng như phần lớn người Nam Bộ, người An Giang có tính cách cởi mở, phóng khoáng, năng động, dễ tiếp cận những tác động của thời đại. Sống trên vùng đất mới và trong bối cảnh sớm tiếp xúc với nhiều dòng chảy văn hóa khu vực và quốc tế, đời sống con người từ vật chất đến tinh thần đều có những thay đổi để thích ứng. Song, họ vẫn trân trọng và giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Ngày nay, ngoài lĩnh vực nông nghiệp với thế mạnh là lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái… An Giang còn là tỉnh có tiềm năng về thương mại và dịch vụ, đặc biệt là du lịch. Hội tụ những điều kiện phong phú về tự nhiên và văn hóa, An Giang trở thành địa phương có tiềm năng du lịch hàng đầu ở Đồng bằng sông Cửu Long và luôn đứng đầu khu vực về số lượng khách du lịch hằng năm.
Còn biết bao điều kì bí và lí thú khiến An Giang luôn là “miền đất lạ” đầy quyến rũ trong mắt bao người. Đến với An Giang, chúng ta không chỉ có cơ hội hòa mình với sông nước bình yên, hay chinh phục núi rừng hùng vĩ, mà còn trải nghiệm sự đa dạng văn hóa và những tấm lòng đầy ấm áp của cư dân nơi đây. An Giang núi rộng sông dài luôn gọi mời và đón chào du khách gần xa!.