Giải bài toán cung - cầu vốn tín dụng ở đồng bằng sông Cửu Long
Kinh tế 27/12/2024 14:49
Rào cản cung - cầu vốn tín dụng
ÐBSCL đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% sản lượng cá xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây cả nước, nhưng đã và đang gặp khó khăn trong quá trình phát triển, tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Trên thực tế, nông sản ÐBSCL còn nhiều dư địa để phát triển, nhưng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn vùng hiện chưa đáp ứng yêu cầu, vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh nông sản chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng. Trong khi rủi ro trong sản xuất nông nghiệp rất cao, ngoài yếu tố thời tiết, thiên tai, dịch bệnh thì rủi ro từ thị trường tiêu thụ cũng trở thành lực cản để tiếp cận các nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.
Thúc đẩy vốn tín dụng cho nông sản chủ lực của ÐBSCL không đơn thuần là cho vay vốn từng sản phẩm, mà phải đầu tư cho những dự án mang tính chuỗi. Ví dụ mua nguyên liệu thì vốn ngắn hạn, nhưng đầu tư cho máy móc, thiết bị thì cần vốn trung, dài hạn, nên cần phải tính tổng thể nhu cầu vốn của từng dự án.
Hiện đang thiếu định chế phát triển bảo hiểm rủi ro cho tín dụng nông nghiệp và đặc biệt vay vốn hiện nay phần lớn là dựa trên yếu tố tài sản thế chấp. Với ngân hàng thì rủi ro cao, lãi suất càng cao, nhưng nông nghiệp thì cần vay với lãi suất thấp, nên cần gỡ nút thắt này. Ngân hàng sẵn sàng cho vay vốn, nhưng điều kiện là phải giảm được rủi ro.
Ảnh minh hoạ |
Trên thực tế, các tổ chức tín dụng huy động từ nguồn vốn thương mại lãi suất cao, nên rất khó để cho vay với lãi suất thấp, trong khi đầu tư vào nông nghiệp nông thôn nhiều rủi ro. Ðiều này dẫn đến tình trạng ngân hàng thừa tiền, nhưng nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp khó tiếp cận vốn ngân hàng, hoặc khó tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.
Việc không gặp nhau giữa bên cho vay và bên vay còn là tính minh bạch tài chính, tài sản bảo đảm của bên vay chưa đáp ứng yêu cầu của ngân hàng, phương án kinh doanh thiếu khả thi, trong khi ngân hàng thiếu công cụ phòng ngừa rủi ro nên tín dụng nông nghiệp không đạt như kì vọng.
Một trong những nguyên nhân mà lĩnh vực lúa gạo, thủy hải sản, trái cây vẫn gặp khó khăn, phát triển chưa bền vững đó là vốn tín dụng cho nông sản chủ lực chưa đáp ứng yêu cầu. Giải quyết bài toán vốn tín dụng để đưa nông sản ÐBSCL vươn xa hơn đang trở nên cấp thiết.
Gỡ các “nút thắt”
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến hết tháng 9/2024, tổng dư nợ tín dụng vùng ÐBSCL đạt 1,18 triệu tỉ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn đạt 643 nghìn tỉ đồng, chiếm 54% tổng dư nợ vùng (ngành lúa gạo dư nợ khoảng 124 nghìn tỉ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ vùng và 53% dư nợ tín dụng lúa gạo cả nước).
Tại hội thảo “Thúc đẩy tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực, đưa ÐBSCL phát triển nhanh, bền vững”, ông Lê Văn Tuấn, Phó Trưởng ban Chính sách tín dụng Agribank cho biết, Agribank luôn quan tâm và tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành hàng nông sản chủ lực của ÐBSCL như thủy sản, lúa gạo và trái cây.
Ðến cuối tháng 10/2024, tổng dư nợ của khu vực ÐBSCL đạt 262 nghìn tỉ đồng, chiếm trên 22% thị phần tín dụng toàn ngành ngân hàng trong khu vực và chiếm 20,8% dư nợ nông nghiệp nông thôn của Agribank. Trong đó, lĩnh vực thủy sản đạt 38 nghìn tỉ đồng, chiếm gần 49% dư nợ thủy sản của Agribank; lúa gạo đạt 33 nghìn tỉ đồng, chiếm gần 48% dư nợ lúa gạo của Agribank; trái cây đạt 8.400 tỉ đồng, chiếm 36,4% tổng dư nợ trái cây của Agribank.
Đáng chú ý, trong nhiều năm trở lại đây, khu vực ÐBSCL là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao và hiệu quả nhất toàn hệ thống Agribank. Theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Agribank đang tiếp tục xây dựng các sản phẩm cho vay ưu đãi lãi suất riêng đối với từng nhóm khách hàng để thực hiện Ðề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ÐBSCL...
Để cung - cầu tín dụng gặp nhau, giải quyết bài toán phát triển bền vững cho ngành hàng nông sản chủ lực cần rất nhiều giải pháp đồng bộ. Ðó là cần xây dựng vững chắc các liên kết theo từng ngành hàng, có các doanh nghiệp đủ tiềm lực để giữ vai trò dẫn dắt, đủ lớn để giữ vai trò hạt nhân trong hoạt động của chuỗi liên kết.
Chính quyền và các ngành chức năng của địa phương phải tham gia vào chuỗi liên kết để đưa ra các chính sách hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, hợp tác xã, doanh nghiệp phải nâng cao năng lực quản trị, có phương án kinh doanh khả thi để tăng năng lực tiếp cận nguồn vốn vay trong các mô hình liên kết. Ðồng thời, Trung ương và các địa phương cần dành nguồn lực đủ mạnh để đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông nghiệp nông thôn.