Lựa chọn của châu Âu
Quốc tế 10/06/2024 15:03
Các ứng cử viên năm nay, tập hợp trong 38 danh sách so với 34 của năm 2019, được bầu theo phương thức bỏ phiếu phổ thông trực tiếp một vòng và quy tắc đại diện theo tỉ lệ. Số đại diện của mỗi quốc gia dựa trên quy mô dân số. Đây là cuộc bầu cử nghị viện lần thứ 10 kể từ cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên năm 1979 và là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ sau Brexit năm 2020.
Cử tri sẽ bỏ phiếu cho các đảng quốc gia thành viên mà phần lớn trong đó có liên kết với một nhóm chính trị châu Âu, chẳng hạn đảng Nhân dân châu Âu (EPP), đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR), Liên minh Tiến bộ xã hội và dân chủ (S&D), đảng Đổi mới châu Âu (RE)... Sau khi được bầu, các đại biểu sẽ chọn trở thành thành viên của các nhóm chính trị xuyên quốc gia này. Theo kết quả các cuộc thăm dò trước thềm bỏ phiếu, cuộc bầu cử lần này được đánh dấu bằng sự suy yếu của 3 nhóm chính trị chính tạo thành phe “siêu đa số” trong EP hiện nay, gồm EPP, S&D và RE.
Toàn cảnh phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu (EP) ở Strasbourg, Pháp ngày 13/3/2024. |
Nhóm EPP thuộc cánh hữu bảo thủ của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hiện giữ 178 ghế; Nhóm S&D - liên minh trung tả do Ủy viên châu Âu về Việc làm và Quyền xã hội, cựu Bộ trưởng Lao động Luxembourg Nicolas Schmit dẫn dắ thi vọng có thể duy trì được 141 ghế; Nhóm RE theo đường lối trung dung thân châu Âu hiện giữ 101 ghế…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu nhìn lại lịch sử bầu cử EP, sự dịch chuyển cán cân sang cánh hữu được thấy qua các cuộc thăm dò dư luận lần này sẽ không làm hỏng “siêu liên minh” EPP, S&D và RE vốn luôn giữ "thế cầm trịch" trong các thể chế châu Âu.
Nhóm EPP, tập hợp các đảng bảo thủ đang cầm quyền (hoặc thường xuyên tham gia cầm quyền) như Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) của Đức, đảng Nhân dân (PP) của Tây Ban Nha hoặc đảng Những người Cộng hòa (LR) của Pháp, được dự báo “ít nhiều vẫn giữ được ổn định” sau các cuộc bầu cử, giống như nhóm S&D gồm các đảng Xã hội (PS) của Pháp và Tây Ban Nha, hoặc đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Đức…
Trái ngược với tình trạng đi xuống của các nhóm tạo thành “siêu đa số” là sự lớn mạnh của hai đại diện cánh hữu cấp tiến, gồm nhóm Bảo thủ và Cải cách (ECR) và Bản sắc và Dân chủ (ID). Theo kết quả thăm dò mới nhất của mạng European Elects, nhóm ECR theo chủ nghĩa chủ quyền và hoài nghi châu Âu, gồm các đảng Anh em Italy (Fratelli d'Italia), Luật pháp và Công lí (PiS) ở Ba Lan và Vox ở Tây Ban Nha…, sẽ giành được 86 ghế, nhiều hơn 19 ghế so với hiện nay.
Tương tự, nhóm ID gồm các lực lượng cực hữu như Tập hợp quốc gia (RN) ở Pháp, Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) ở Đức, Liên đoàn (La Liga) ở Italy, đảng Tự do (VVD) ở Hà Lan…, cũng có những bước tiến ngoạn mục. Theo kết quả thăm dò, ID sẽ có thêm 25 ghế, nâng tổng số ghế có được sau bầu cử lên 84.
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng khó khăn, các đảng cầm quyền tại nhiều nước châu Âu không đưa ra được các quyết sách thuận lòng dân, phe cực hữu và dân túy đã tận dụng cơ hội để nhanh chóng vươn lên trở thành một lực lượng chính trị có tiếng nói trọng lượng hơn.
Ở chiều ngược lại, quá trình vận động tranh cử cũng cho thấy nhiều đảng truyền thống, gồm cả cánh tả lẫn cánh hữu, đã phải “mượn” các chủ đề quen thuộc của cánh hữu cấp tiến để thuyết phục cử tri.
Có thể nói tâm trạng bất an của đông đảo cử tri sẽ chi phối các lá phiếu và mang đến những thay đổi đáng kể trong đời sống chính trị ở châu Âu sau cuộc bầu cử EP năm nay. Trong điều kiện như vậy, cơ quan lập pháp mới sẽ đóng vai trò quan trọng đối với rất nhiều dự án của EU. Ngay sau bầu cử sẽ có rất nhiều thách thức đặt ra cho EP và hai thể chế còn lại, gồm Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu, đó là tránh một EU “tụt hậu” và “có thể chết” như phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron…