Châu Âu đối mặt với áp lực từ mọi phía
Quốc tế 03/12/2024 15:08
Với việc ông Donald Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng, EU phải đối mặt với viễn cảnh lặp lại căng thẳng thương mại như nhiệm kì đầu tiên của ông. Tổng thống đắc cử Mỹ cam kết sẽ áp dụng các mức thuế mới, nhắm thẳng vào các ngành xuất khẩu trọng yếu của châu Âu. Trong khi đó, ở phía Đông, EU không chỉ đối mặt với sức ép kinh tế từ Trung Quốc, mà còn với mối liên hệ chặt chẽ giữa Bắc Kinh và Moskva trong bối cảnh xung đột tại Ukraine.
Quan hệ giữa châu Âu và Trung Quốc vốn đã xấu đi do các vấn đề như sản xuất công nghiệp dư thừa của Trung Quốc, cạnh tranh không lành mạnh, và cáo buộc Bắc Kinh hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine. Gần đây, các nguồn tin tình báo châu Âu đã xác nhận việc các nhà máy tại Tân Cương sản xuất thiết bị bay không người lái phục vụ quân đội Nga, làm gia tăng căng thẳng song phương.
Cờ của Liên minh châu Âu (EU). |
Còn ngay tại châu Âu, ranh giới giữa Đông và Tây ngày càng nhòa đi khi những bất ổn chính trị và kinh tế đan xen. Sự trỗi dậy của phe cực hữu ở khắp nơi là hồi chuông báo động, như trường hợp của Calin Georgescu, ứng viên tổng thống cánh hữu, vừa thắng cử vòng đầu tại Romania. Bên cạnh đó, nền kinh tế EU đang lún sâu vào khó khăn, với sự sụp đổ của những biểu tượng công nghiệp như công ty pin Northvolt của Thụy Điển, Volkswagen phải đóng cửa nhà máy ở Đức và Bỉ, hay ThyssenKrupp, tập đoàn thép hàng đầu Đức, cắt giảm tới 40% nhân sự vì áp lực từ hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc.
Về quan hệ với Trung Quốc, Trung Quốc kêu gọi châu Âu "đối thoại và hợp tác", nhấn mạnh rằng hai bên không có "xung đột lợi ích cơ bản". Tuy nhiên, nhiều quan chức EU phản bác, đặc biệt khi Bắc Kinh tiếp tục hỗ trợ Moskva trong cuộc xung đột Ukraine. Các lệnh trừng phạt mới, bao gồm đóng băng tài sản của sáu công ty Trung Quốc, đang được EU xem xét.
Những vấn đề an ninh gần đây, như vụ tàu hàng Trung Quốc nghi liên quan đến phá hoại cáp viễn thông ngoài khơi Đan Mạch, chỉ càng làm sâu sắc thêm sự ngờ vực giữa hai bên.
Với ông Trump, EU kì vọng thuyết phục ông hợp tác để đối phó với Trung Quốc. Một số quốc gia như Ba Lan và Litva ủng hộ chiến lược này, coi đây là cơ hội tăng cường quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, những quốc gia khác, bao gồm Đức và Pháp lo ngại rằng, chiến lược này có thể khiến EU mất đi quyền tự chủ trong chính sách đối ngoại.
Nếu ông Trump thực hiện lời hứa cắt giảm hỗ trợ Ukraine, gánh nặng tài chính sẽ đè nặng lên EU, càng làm phức tạp mối quan hệ với Trung Quốc, vốn là đối tác quan trọng trong nhiều lĩnh vực.
Đứng trước những thách thức khổng lồ, EU cần nhanh chóng xác định vai trò của mình trong bối cảnh địa chính trị biến động. Câu hỏi đặt ra là liệu châu Âu có thể vượt qua khủng hoảng để tái định hình, hay sẽ rơi vào vòng xoáy tranh giành quyền lực của các siêu cường.
Như Giám đốc Viện Carnegie Europe, Rosa Balfour, đã đặt vấn đề: “EU sẽ trở thành một thực thể như thế nào trong trật tự hậu tân tự do?” Với tình hình hiện tại, lựa chọn duy nhất cho châu Âu là tiến lên hoặc đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đấu tranh quyền lực lớn nhất thế kỉ.