Sắc màu âm nhạc giúp những trái tim trẻ mãi

Nhịp sống văn hóa 17/03/2025 09:26
Thực hiện cuộc hẹn, tôi đến đây gặp và làm việc với bà Trưởng khoa Nội. Đang ngơ ngác và hỏi nhân viên thì bỗng nghe thấy tiếng gọi tên mình, tôi quay lại thì người tôi cần gặp đã đứng ngay trước mặt, tươi cười vui vẻ:
- Tôi đang khám cho bệnh nhân, chợt nhớ có hẹn với bác nên vội vã dừng lại kẻo bác phải chờ đợi. Mời bác vào phòng ta làm việc luôn.
Phòng làm việc của khoa, mọi thứ đều được xếp đặt gọn gàng, ngăn nắp. Trên tường lịch công việc, bảng thi đua trang trí cẩn thận; rất nhiều giấy khen, cờ thi đua, cờ giải thể thao được lồng trong khung kính treo trang trọng. Bà Trưởng khoa, giọng nhỏ nhẹ, ấm áp nói:
- Sau Tết, bệnh nhân đến viện đông nên quá tải. Thực hiện yêu cầu của bác, tôi xin giới thiệu một điều dưỡng viên tiêu biểu của khoa, yêu nghề, yêu người, bà Nguyễn Thị Thu Thúy.
![]() |
Bà Nguyễn Thị Thu Thúy thăm hỏi, kiểm tra tình trạng bệnh nhân |
Một phụ nữ đứng tuổi từ ngoài cửa bước vào, nói:
- Vâng! Em xin có mặt.
Bà Trưởng khoa xin phép tiếp tục đi khám bệnh cho bệnh nhân. Tôi nhanh chóng làm quen với bà Thúy, người đàn bà nom phúc hậu, hiền từ, nói năng ngọt ngào, dễ nghe, dễ hiểu. Có lẽ vậy mà bà được bệnh nhân khen ngợi, được các bác sĩ, đồng nghiệp trong khoa quý trọng.
Tôi vui vẻ hỏi bà:
- Bà cho biết, lí do vì sao sau khi tốt nghiệp THPT, bà lại chọn thi vào cao đẳng điều dưỡng - nghề mà hằng ngày phải tiếp xúc với những người bệnh khó tính, khó nết?
Bà Thúy không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi. Bà nói:
- Tôi sinh ra, lớn lên trong một gia đình công chức ở xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh. Bố là cán bộ lương thực, mẹ là điều dưỡng viên tại Bệnh viện này. Bố mẹ tôi sinh được 2 chị em, tôi là chị, em tôi kém tôi 3 tuổi. Đời sống, kinh tế gia đình thời bao cấp eo hẹp, khó khăn lắm song bố mẹ đều gắng gỏi, chắt bóp chi tiêu, tay năm tay mười sớm tối làm thêm nghề phụ như chăn nuôi lợn, gà kiếm thêm đồng ra đồng vào nuôi chúng tôi ăn học. Nhờ vậy nên chúng tôi đều được ăn học chu đáo như các bạn cùng trang lứa.
Khi Thúy 11 tuổi, đang học lớp 6 thì người cha vô vàn kính yêu qua đời vì bạo bệnh, để lại bao lo toan nặng nề đè tên tấm vai gầy của người mẹ mảnh mai. Suốt những năm học từ tiểu học, lên tới lớp 12 Thúy đều đạt học sinh tiên tiến, được thầy cô, bạn bè quý mến. Năm 1997, Thúy tốt nghiệp THPT, thi đỗ vào Trường cao đẳng Điều dưỡng. Lúc đó bà Dung, mẹ của Thúy mới biết con mình đã theo nghề của mẹ. Bà mừng ít, lo nhiều, ngày đêm trăn trở suy nghĩ, thế hệ trẻ ngày nay sống thực dụng, liệu con gái có chịu đựng nổi áp lực công việc của một điều dưỡng, những va chạm của nghề hay không. Đã vậy, còn tình người với người bệnh? Bà đem băn khoăn đó trao đổi cùng con gái.
Không đắn đo, Thúy nói với mẹ:
- Mẹ yên tâm, ngày nay chúng con học nghề có bài bản, chính quy, các thầy cô tận tụy, con quyết tâm học thành nghề, để làm tiếp công việc của mẹ. Con xin hứa!
… Thời gian lặng lẽ qua đi như quy luật vốn có của nó. Thúy học xong cao đẳng và học liên thông luôn đại học điều dưỡng. Năm 2000, cầm tấm bằng Đại học Điều dưỡng về nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, nơi mà mẹ Thúy đã có 37 năm gắn bó cho đến khi nghỉ hưu. Thúy được phân công về làm việc tại Khoa Nội tổng hợp, là một trong những khoa lâm sàng trọng điểm của Bệnh viện. Năm 2017, bà Thúy được bổ nhiệm làm Điều dưỡng viên trưởng. Khoa có 100 giường bệnh, 22 điều dưỡng viên, trong số này có 5 người trình độ đại học, còn lại là cao đẳng. Với chức năng, nhiệm vụ khám chữa bệnh bằng phương pháp nội khoa; tiếp nhận khám chẩn đoán, tư vấn, chăm sóc và điều trị các bệnh hô hấp, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh và đột qụy. Bệnh nhân của khoa phần lớn là những người cao tuổi, khó tính, khó nết do đau đớn, bệnh tật.
Lượng bệnh nhân khá đông, 100 giường nhưng hiếm khi có giường trống. Tuy nhiên, với tấm lòng “lương y như từ mẫu”, dưới sự dẫn dắt của Điều dưỡng viên trưởng Nguyễn Thị Thu Thúy, các điều dưỡng viên đã làm việc tận tụy ngày đêm hết lòng với người bệnh, được bệnh nhân tin yêu, khen ngợi. Bản thân bà Thúy luôn gương mẫu đi đầu, dành hết tâm huyết và kĩ năng phục vụ bệnh nhân, không để xảy ra sai sót. Bà còn dành nhiều thời gian để tìm hiểu hoàn cảnh của từng đồng nghiệp để từ đó chia sẻ, hỗ trợ, động viên, khuyến khích kịp thời. Nhờ vậy, nên điều dưỡng viên toàn khoa đều bảo ban nhau học tập và làm theo bà, tăng cường tình yêu thương và đoàn kết gắn bó trong tập thể.
Nhân vui câu chuyện, bà kể cho tôi nghe về nghề “làm dâu thiên hạ”…
Lúc đó vào khoảng 5 giờ chiều, ở khoa có hai bệnh nhân đang ngồi nói chuyện với nhau, bỗng nhiên một người mặt mũi tím đen lại, khó thở, không nói được. Ngay lập tức, bà cùng đồng nghiệp dìu người bệnh vào giường và cho thở ô xy, lắp máy theo dõi nhịp tim, kiểm tra dấu hiệu sinh tồn, thực hiện y lệnh của bác sĩ. Tất cả đều rất khẩn trương, từng giây từng phút, động tác phải thật sự chính xác, chuẩn mực để giành giật mạng sống cho người bệnh.
Khoảng một thời gian sau đó, sắc mặt của bệnh nhân đã dần dần trở lại bình thường. Trong cơn nguy kịch mà người nhà bệnh nhân vẫn vắng mặt, bà Thúy và các điều dưỡng viên thay nhau trông nom, theo dõi người bệnh. Đến hơn 9 giờ tối, người nhà bệnh nhân mới đến. Nghe bệnh nhân cùng phòng kể lại, người nhà bệnh nhân đã cảm ơn khoa, cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng đã tận tâm vì người bệnh.
Hay một trường hợp khác. Trưa hôm ấy, bà Thúy chuẩn bị ăn và nghỉ trưa thì bỗng nghe thấy tiếng gọi thất thanh từ phòng bệnh 717:
- Bác sĩ ơi! Các cô, bác điều dưỡng ơi! Trong phòng có người nôn ra máu.
Bà Thúy cùng 2 đồng nghiệp và bác sĩ nhanh chóng chạy tới. Người bệnh mặt mũi xanh tái, nhợt nhạt, các đầu ngón tay trắng bệch. Các bác sĩ, điều dưỡng viên ai vào việc nấy, một mặt lấy máu xét nghiệm, lắp máy đo nhịp tim và truyền dịch, một mặt dọn vệ sinh phòng, giường, thay chăn ga sạch sẽ. Giờ phút nguy kịch đã qua, huyết áp nâng lên dần, bệnh nhân như “từ cõi chết trở về”…
- Những trường hợp như trên với khoa là chuyện bình thường mỗi ngày. Niềm vui, phần thưởng vô giá của điều dưỡng viên chúng tôi là được người bệnh tin yêu, gửi gắm, an tâm điều trị. Nghe bà Thúy nói, tôi chợt nhớ đến khẩu hiệu ngoài sảnh bệnh viện: “Nụ cười bệnh nhân - Niềm vui thầy thuốc”.
Chia tay bà Điều dưỡng viên, Trưởng Khoa Nội tổng hợp ra về, trong tôi vẫn văng vẳng lời hứa của bà với mẹ năm nào! “Con xin hứa”.