Lang Chánh - “Mỏ vàng” mới của du lịch xứ Thanh
Văn hóa - Thể thao 02/01/2024 10:05
Là một huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, Lang Chánh là nơi sinh sống của hơn 52.000 người. Trong đó, tỉ lệ người dân tộc Thái chiếm khoảng 55%, người Mường 33%, Kinh 11%, còn lại là dân tộc khác.
Vùng đất này được thiên nhiên ưu ái với hệ thống rừng nguyên sinh phong phú, thảm thực vật đa dạng, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Đặc biệt, quần thể thác nước hùng vĩ trải khắp các địa phương tạo nên nét đẹp hoang sơ, trữ tình níu chân du khách.
Lang Chánh được thiên nhiên ưu ái với cảnh sắc đẹp, không khí trong lành, hệ thống thác nước hùng vĩ, thơ mộng. |
Cách trung tâm huyện chừng 15km, bản Năng Cát (xã Trí Nang) đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Nơi đây có khí hậu mát mẻ quanh năm, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Hiện nay, bản Năng Cát còn lưu giữ những nếp nhà sàn truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái. Bên ánh lửa bập bùng, du khách được hoà mình vào những điệu xòe của những cô gái Thái, lắng nghe làn điệu Khặp vừa khỏe khoắn vừa trữ tình thiết tha.
Năng Cát còn nổi tiếng với thác Ma Hao hùng vĩ và nên thơ, được bắt nguồn từ đỉnh Pù Rinh, có độ cao hơn 1.200 km so với mặt nước biển. Cho đến nay, ngọn thác vẫn được đánh giá là một trong những thắng cảnh tự nhiên kì thú và độc đáo của xứ Thanh.
Ngoài thác Ma Hao, Lang Chánh còn nhiều thác nước hùng vĩ đang chờ du khách khám phá, như: Thác 7 tầng (bản Năng Cát), thác Ông, còn gọi là thác Lê Lợi (ở khu phố Oi, thị trấn Lang Chánh), thác Tải E (thôn Chiềng Khạt, xã Đồng Lương), thác Áp Pa (xã Giao An), thác Rồng, thác Sao Ba, thác Kéng Hung (xã Lâm Phú),…
Cùng với bản Năng Cát, huyện Lang Chánh cũng đang xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại bản Ngàm Pốc, bản Peo (xã Yên Thắng), bản Ngày (xã Lâm Phú),...
Đến nay, theo thống kê trên địa bàn toàn huyện có 12 cơ sở lưu trú dạng nhà nghỉ với 60 phòng, công suất đón khách trên 250 lượt khách/ngày/đêm. Tổng số hộ đăng kí kinh doanh dịch vụ Homestay thường xuyên là 35. Riêng tại khu du lịch bản Năng Cát, thác Ma Hao có 15 cơ sở, với 15 nhà sàn. Công suất đón khách trên 300 lượt/ngày (đêm). Dịch vụ Homestay và Bungalow tại bản Ngày gồm 2 nhà sàn, 5 Bungalow, công suất đón khách 70 lượt/ngày/đêm.
Lang Chánh cũng nổi tiếng với cánh đồng ruộng bậc thang mùa lúa chín tại xã Yên Thắng. |
Cùng với du lịch cộng đồng, địa phương cũng chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại bản Ngàm Pốc, bản Peo (xã Yên Thắng), bản Ngày (xã Lâm Phú), bản Năng Cát (xã Trí Nang).
Đồng thời, đẩy mạnh các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh như chùa Mèo, chùa Trô, đền thờ Đô đốc Quận công Lê Phúc Hoạch, đền Tên Púa. Tổ chức thành công lễ hội Chí Linh Sơn, lễ hội Mường Đeng, lễ hội Chá Mùn (xã Yên Thắng), lễ hội du lịch sinh thái Ma Hao - Năng Cát (Trí Nang), lễ hội du lịch ruộng bậc thang Ngàm Pốc, bản Peo (xã Yên Thắng) vào tháng 9, 10 Âm lịch hằng năm,... Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Khắp Thái, Xường Mường, múa Ca Sa,...
Với tiềm năng phát triển du lịch, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Lang Chánh đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/HU ngày 6/5/2021 về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025.
Đến nay, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Theo thống kê, đến tháng 10/2023, đã có 50.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Doanh thu từ các hoạt động du lịch ước đạt 7,5 tỉ đồng.
Huyện Lang Chánh đang phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Lịch sử và bảo tồn tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đối với Đền thờ Đô đốc Quận công Lê Phúc Hoạch. Lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với lễ tục Chá Mùn của người Thái đen (xã Yên Thắng).
Ông Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết: Để kết nối các điểm du lịch thành hệ thống, huyện đã và đang huy động mọi nguồn lực xây dựng hạ tầng, giao thông kết nối các điểm du lịch.
Trong năm tới, huyện sẽ xây dựng đề án phát triển du lịch giai đoạn 2024-2035 nhằm phát huy tuyến du lịch số 5 của tỉnh cũng như liên kết các tuyến du lịch trọng điểm ở các huyện miền núi. Trong đó, chú trọng phát huy tiềm năng phát triển du lịch của địa phương với sự đa dạng các sản phẩm du lịch. Đồng thời, xác định việc duy trì, phát triển các lễ hội là điểm nhấn để kích cầu du lịch.