Làm giàu từ nuôi trồng thủy sản
NCT làm kinh tế giỏi 11/12/2024 09:07
Từ vài năm nay, các vùng nuôi tôm trên cát vùng ven phá Tam Giang trở nên ảm đạm. Cứ thả giống khoảng một vài tuần, hoặc một vài tháng là tôm lại bị dịch bệnh, chết nên nhiều người rất lo lắng. Do vậy, việc thay đổi tư duy, phương thức nuôi thủy sản xen ghép phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu là điều bắt buộc. Được cán bộ Hội Nông dân tư vấn, định hướng, hỗ trợ về vốn; cán bộ của Trung tâm Khuyến nông trực tiếp về giám sát công tác chuẩn bị ao hồ bảo đảm kĩ thuật, hướng dẫn thả con giống. Nhờ đó mà các hộ nuôi trồng thủy sản (NTTS), trong đó có gia đình ông Nhật có thu nhập cao.
Gia đình ông Trương Ngọc Nhật không chỉ mạnh dạn NTTS mà còn mở rộng, phát triển quy mô nuôi đến 9ha. Trên diện tích này, ông đào 26 hồ, bình quân mỗi hồ rộng 3.000 - 5.000m2 nuôi thủy sản xen ghép. Từ năm 2022 đến nay, hằng năm ông thả nuôi 100 triệu con tôm, 10 vạn con cua, 120 vạn con cá dìa, 10 vạn con cá đối. Mỗi năm, gia đình ông thu 15 tấn tôm, 54 tấn cá dìa, 30 tấn cá đối. Tổng thu nhập từ NTTS hơn 11 tỉ đồng, sau khi trừ chi phí, ông lãi khoảng 2 tỉ đồng/năm.
Ông Trương Ngọc Nhật thu hoạch cá dìa. |
Để phục vụ nguồn thức ăn cho NTTS, đồng thời hỗ trợ, giúp người dân trong thôn phát triển kinh tế, ông Nhật đầu tư kinh doanh thức ăn, bằng cách bán thức ăn sau thu hoạch mới thanh toán cho gần 200 lượt hộ nuôi, với số tiền mỗi hộ dao động từ 60 - 100 triệu đồng. Qua đó góp phần hỗ trợ hộ nông dân nghèo phát triển NTTS. Như vậy, hằng năm tổng doanh thu của gia đình từ NTTS và kinh doanh thức ăn về NTTS đạt 13 tỉ đồng, trừ mọi chi phí, lợi nhuận khoảng 2,35 tỉ đồng/năm.
Ông Nhật chia sẻ, để có kết quả đó, trong quá trình NTTS, ngoài những kinh nghiệm thực tiễn, ông thường xuyên hợp tác với các công ty lớn trong lĩnh vực NTTS để ứng dụng công nghệ, khoa học - kĩ thuật vào nuôi trồng. Ông còn được các công ty đối tác thường xuyên tổ chức học tập kinh nghiệm và tập huấn kĩ thuật NTTS tại nhiều địa phương trong nước. Qua đó, ông đúc kết và rút ra những quy trình, phương pháp canh tác nuôi trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để áp dụng vào mô hình NTTS của mình.
Ông Nhật cũng luôn gương mẫu tham gia các hoạt động hội và phong trào nông dân ở địa phương; sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho người dân để cùng phát triển kinh tế gia đình. Mô hình NTTS của ông Nhật còn giải quyết, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương, với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng và tạo việc làm thời vụ cho 40 lao động. Ông Hồ Minh Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Gia đánh giá, mô hình NTTS của ông Nhật không chỉ là điển hình của nông dân địa phương mà còn của huyện, của tỉnh. Những hỗ trợ của hội nông dân các cấp chủ yếu là "cần câu", định hướng, điều quan trọng là sự nỗ lực, cố gắng vươn lên, đầu tư khai thác tiềm năng, lợi thế một cách có bài bản của ông Nhật. Mô hình này cũng là điểm sáng, động lực cho người dân trong vùng học tập, mạnh dạn đầu tư phát triển nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế NTTS tại địa phương và trên địa bàn huyện Phú Vang.