Kỉ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6): Giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp trong gia đình
Đời sống 28/06/2019 09:14
Từ xưa, trong xã hội Việt Nam truyền thống, văn hóa gia đình chính là gia phong. Văn hóa gia đình được thể hiện ở thuần phong, mĩ tục, nếp sống, tác phong của các thành viên; được thể hiện ở sự ứng dụng những tri thức khoa học, y học, giáo dục học, tâm lí học, thẩm mĩ... để tổ chức gia đình, giáo dục con người. Văn hóa gia đình còn được biểu hiện ở sự hiếu thuận của con cháu đối với cha, mẹ, ông, bà, tổ tiên; ở sự nêu gương về nhân cách văn hóa và truyền thống của gia đình, dòng họ.
Văn hóa gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.
Tổng Bí thư Lê Duẩn từng khẳng định: “Gia đình là tế bào tự nhiên của xã hội, là một hình thức tồn tại của đời sống con người. Không có gia đình để tái sản xuất ra bản thân con người thì xã hội không thể tồn tại và phát triển được”.
Ở bất kì giai đoạn nào, gia đình đều giữ vai trò là tế bào của xã hội, là một trong những nhân tố quyết định sự hưng thịnh của quốc gia. Nước ta đang trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, mục tiêu của gia đình là “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, để mỗi gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.
Tuy nhiên, công tác xây dựng gia đình đang tồn tại những hạn chế, yếu kém nhất định. Mặt trái của nền kinh tế thị trường và lối sống thực dụng ích kỉ, đề cao tự do phát triển cá nhân làm phá vỡ những giá trị truyền thống và lối sống tốt đẹp trong một số gia đình. Nhiều giá trị đạo đức của gia đình, của dân tộc đang có biểu hiện xuống cấp. Tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào các gia đình. Tình trạng trẻ em bị xâm hại, trẻ em vi phạm pháp luật, bạo lực gia đình có chiều hướng gia tăng. Quá trình hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới đã làm biến đổi về cấu trúc của một bộ phận gia đình Việt Nam. Thách thức lớn nhất đối với gia đình Việt Nam hiện nay là cùng với việc tiếp thu có chọn lọc những giá trị nhân văn trong quá trình hội nhập, đồng thời phải giữ được bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, đẩy lùi bạo lực gia đình, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, xây dựng gia đình Việt Nam với những giá trị truyền thống nhân văn tốt đẹp. Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XII tiếp tục khẳng định: "Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam... Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh".
Nhiều bộ luật đề cập chế định gia đình với vị trí, vai trò rất quan trọng như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Trẻ em; Luật Người cao tuổi. Ðặc biệt, Chính phủ ban hành Chiến lược Phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và quyết định kể từ năm 2001, ngày 28/6 hằng năm đã trở thành Ngày gia đình Việt Nam. Đây chính là sự kế thừa và phát triển đích thực tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề xây dựng gia đình thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập.
Năm 2019 chúng ta kỉ niệm Ngày gia đình Việt Việt Nam với chủ đề "Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình". Đây là thông điệp gửi đến tất cả mọi người, nhắn nhủ mỗi gia đình không được xem nhẹ chức năng giáo dục truyền thống đạo đức, gia phong và văn hoá ứng xử trong gia đình. Đây là một việc làm cần thiết không phải của một cấp, một ngành, mà là công việc chung của toàn xã hội. Đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững. Nhà nước cần ưu tiên bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động sự đóng góp của toàn xã hội, tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế cho công tác gia đình hiện nay.