Huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An: Gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng, bỗng dưng mất đất vườn!?
Pháp luật - Bạn đọc 07/08/2019 16:36
Cả cuộc đời đóng góp cho cách mạng, giải phóng dân tộc.
Ông Nguyễn Duy Chương, ở xóm 5 xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương là cháu ruột của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cọi kể: Cụ Cọi sinh được 4 người con trai. Ông Nguyễn Duy Vinh (mất khi còn nhỏ), ông Nguyễn Duy Bính (bố ông Chương), ông Nguyễn Duy Năm và ông Nguyễn Duy Lục. Ông Năm đi bộ đội, hy sinh trên chiến trường Lào cuối năm 1946. Ông Lục hy sinh trong chiến dịch Hòa Bình năm 1951. Hai ông hy sinh lúc tuổi đời còn trẻ và chưa có vợ con. Cụ Cọi còn lại duy nhất ông Bính. Hồi kháng chiến chống Pháp, mẹ liệt sỹ chưa được trợ cấp như bây giờ nên cuộc sống rất vất vả. Ông Bính lấy vợ sinh được 4 người con gồm hai trai hai gái. Năm 1969, anh Nguyễn Ngọc Sơn, con ông Bính, đã viết đơn xung phong lên đường chiến đấu bảo vệ tổ quốc và anh đã anh dũng hy sinh trên chiến trường miền Nam năm 1973. Ở hậu phương trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nhà máy ép dầu lạc Vinh, sơ tán về xã Thanh Lương, cụ Cọi đã giành cả nhà của mình cho nhà máy mượn để ở và làm việc. Chiến tranh kết thúc, họ trả lại vườn và nhà cho cụ Cọi. Năm 1973, cụ Cọi mất, để lại 3 gian nhà và 600 m2 đất ở. Năm 1974, xã Thanh Lương đã dỡ nhà của cụ Cọi, thu hồi mảnh vườn của cụ để xây trường mầm non xã Thanh Lương. Thời gian sau, trường mầm non xã Thanh Lương chuyển đến địa điểm mới và khu đất này bị bỏ hoang do UBND quản lý. Năm 2015, cụ Nguyễn Thị Cọi được Nhà nước truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng'. Hiện tại ông Chương đang thờ phụng 3 liệt sỹ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cọi.
Láng giềng kề vườn cụ Cọi là cụ Võ Thị Yêm. Cụ Yêm có một người con trai duy nhất là liệt sỹ Bùi Văn Nhơm, hy sinh năm 1954. ông Nhơm hy sinh, cụ Yêm ở một mình trong căn nhà và mảnh vườn cạnh cụ Cọi. Nhà cụ Yêm cũng được nhà máy ép dầu lạc mượn làm nhà làm việc. Năm 1973, chiến tranh phá hoại kết thúc, họ đã trả nhà và vườn cho cụ Yêm. Một thời gian sau cụ mất, UBND xã Thanh Lương đã dỡ nhà của cụ sắp lại để lấy vườn xây trường mầm non xã. Mảnh vườn nay đang bỏ hoang do trường mầm non đã chuyển đi chỗ khác. Cụ Yêm mất đã lâu, nhưng vẫn chưa được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, với lý do không có hồ sơ gốc tại Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh Nghệ An.
Hành trình đòi lại đất của thân nhân Mẹ Việt Nam anh hùng.
Ông Nguyễn Duy Chương ngừi thờ cúng 3 liệt sĩ và Bà MVNAH Nguyễn Thị Cọi |
Được biết, ông Chương là cháu nội của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Cọi. Ông Võ Quốc Toản, cháu bên họ ngoại của cụ Võ Thị Yêm (do bên họ nội cụ Yêm không còn ai) được đại diện họ tộc bên ngoại ủy quyền việc thờ cúng liệt sỹ Bùi Văn Nhơm và cụ Võ Thị Yêm. Đất vườn của hai cụ là do tổ tiên để lại thuộc đất hương hỏa có từ thời Pháp thuộc. Hai cụ đều có người thừa kế nên việc UBND xã Thanh Lương thời kỳ đó thu hồi vườn của hai cụ là chưa đúng với quy định của pháp luật. Dẫn đến việc ông Nguyễn Duy Chương đã liên tục có đơn gửi các cấp có thẩm quyền xin được cấp lại hai mảnh vườn bị thu hồi nay đang bỏ hoang để xây nhà thờ tưởng niệm các liệt sỹ và Mẹ Việt Nam anh hùng. Tuy nhiên, đơn hai ông gửi ra Trung ương thì được chuyển về tỉnh, về tỉnh thì được trả về huyện, về huyện lại chuyển xuống xã… Tất cả các công văn của UBND huyện Thanh Chương đều trả lời "Việc đòi lại đất của các ông là không có cơ sở để giải quyết". Quá chán nản với cách giải quyết, trả lời vòng vo của chính quyền, dịp Tết Nguyên đán và ngày Thương binh liệt sỹ, ông Chương, ông Toản đều mang quà của Nhà nước tặng các liệt sỹ trả lại cho địa phương với lý do, các liệt sỹ không có chỗ thờ cúng(!?).
Trả lời của UBND huyện Thanh Chương là chưa thỏa đáng.
Ngày 4/4/2019, UBND huyện Thanh Chương đã có Công văn số 496/UBND-TNMT về việc trả lời đơn thư của ông Chương như sau: "Thửa đất số 661, trước đây có một phần là vườn ở của bà Nguyễn Thị Cọi và một phần là vườn của bà Võ Thị Yêm. Trong thời gian xảy ra chiến tranh, gia đình bà Cọi và bà Yêm cho nhà máy ép dầu lạc Vinh mượn đất để làm nhà tạm cho công nhân. Kết thúc chiến tranh, nhà máy ép dầu lạc Vinh đã trả lại đất cho hai gia đình. Sau khi hai bà chết, nhà cửa bị hư hỏng, năm 1974, UBND xã đã sử dụng khu đất này xây dựng trường vỡ lòng, sau này là trường mầm non xã Thanh Lương….
Căn cứ Khoản 5, Điều 26, Luật Đất đai năm 2013 quy định: " Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Vì vậy hiện nay ông Nguyễn Duy Chương có đơn đề nghị trả lại thửa đất số 661 là không được xem xét giải quyết."
Căn cứ để UBND huyện Thanh Chương trả lời là Khoản 5, Điều 26, Luật Đất đai năm 2013. Cách trả lời như trên là chưa đủ hết các Khoản của Điều 26. Tại khoản 3, Điều 26, quy định như sau: "Khi nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng thì người sử dụng đất được nhà nước bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định của pháp luật." Như vậy việc đòi lại đất của ông Chương, ông Toản là có cơ sở. Khoản 5, Điều 26, quy định mục đích để áp dụng đối với các trường hợp ngụy quân, ngụy quyền, Việt gian phản động có nhiều nợ máu với dân, vượt biên ra nước ngoài nay trở về đòi lại đất. Việc thân nhân người có công với cách mạng đòi lại đất là hoàn toàn chính đáng theo quy định.