Hội đồng xét xử thận trọng, khách quan
Pháp luật - Bạn đọc 08/06/2022 09:15
Năm 2017, UBND tỉnh Ninh Thuận cho Công ty CP Hoàng Sơn thuê 80ha đất làm dự án điện mặt trời, theo diện được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư miễn tiền thuê đất. Chủ dự án cam kết, sẽ hỗ trợ về đất theo quyết định của UBND huyện. Tháng 3/2017, dự án được đo đạc, thành phần gồm ông Nguyễn Thành Đô, cán bộ Trung tâm Kĩ thuật, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường; cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất; cán bộ địa chính xã Mỹ Sơn và cán bộ Công an tỉnh, kết quả đo được 72ha. Dân không được tham gia đo đạc, những diện tích trồng bắp, trồng màu đang chờ thời vụ, hoặc đường ranh chống cháy; lối đi nội bộ... không được tính. Dân khiếu nại, chính quyền cùng Công ty CP Hoàng Sơn đo đạc lại, xác định có thêm 8ha nữa của 8 hộ dân. Năm 2018, UBND huyện Ninh Sơn ra quyết định thu hồi 80ha đất của 27 hộ dân (có 8ha mới cộng thêm). UBND huyện cho rằng, đây là diện tích do các hộ dân lấn chiếm đất rừng, nên không được hỗ trợ. Còn người dân khẳng định, đất sử dụng ổn định từ những năm 2010, đủ điều kiện được hỗ trợ.
Nhưng... khi chính quyền đang tiến hành hỗ trợ, thì Công an tỉnh cho điều tra, vì bảo 8ha cộng thêm ấy là sai. Rồi 3 người gồm ông S, Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn; ông Hạnh, cán bộ địa chính xã và ông Nguyễn Thành Đô, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường bị khởi tố. Sau nhiều lần thay đổi tội danh, cuối cùng 3 bị can bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Khoản 1, Điều 360 Bộ luật Hình sự. Sau đó, việc điều tra được chuyển cho Công an huyện Ninh Sơn tiếp tục thực hiện. Cơ quan điều tra khẳng định, diện tích hơn 8ha được đo thêm, là do người dân lấn chiếm đất rừng sau ngày 1/7/2014, nên không thuộc diện được hỗ trợ. Số tiền bị thiệt hại chính là số tiền đã hỗ trợ cho dân. Đây là điều không thể nào hiểu nổi. Trong khi tiền hỗ trợ là của nhà đầu tư và họ không thắc mắc mà nhất trí cao.
Luật sư Nguyễn Duy Bình, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, Công an tỉnh điều tra, khởi tố vụ án, khi chưa có kết luận từ phía cơ quan quản lí đất đai và Thanh tra huyện là chưa phù hợp. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thanh tra, thì loại án này trước khi điều tra, khởi tố phải có kết luận của Thanh tra, nếu không, căn cứ vào đâu để khởi tố? Đúng thế! Chính quyền không nói là sai, không có động tác chuyển hồ sơ sang Công an, thì căn cứ nào để khởi tố?
Tại Bản án phúc thẩm số 41/2020/HS-PT ngày 1/9/2020, đại diện UBND huyện Ninh Sơn cho rằng, các hộ dân lấn chiếm đất từ năm 2010, sử dụng đến khi có Thông báo thu hồi. Nếu vậy thì rõ ràng là đất sử dụng hợp pháp. Nhưng Công an tỉnh lại nói, dân lấn chiếm sau khi có thông báo thu hồi đất, là vô căn cứ. Không lẽ khi dân khai phá đất, có sự chứng kiến của Công an tỉnh? Bản án phúc thẩm nhận định: “Việc điều tra của cấp sơ thẩm chưa khách quan, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, chưa chứng minh được hành vi gây thiệt hại của các bị cáo và nguồn tiền mà các bị cáo gây thiệt hại”. Vì thế, Tòa phúc thẩm đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại.
Hội đồng xét xử thận trọng và khách quan
Theo lời khai của các hộ dân, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công tỉnh và Công an huyện đều bảo họ lấn chiếm 8ha tháng 3/2017. Trước phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm lần I, bà Phan Thị Gái, bà Nguyễn Thị Như Hoà đều cho rằng, họ đã bị điều tra viên hành hung. Bà Phan Thị Gái khai: Một buổi chiều, Công an tỉnh đến tống đạt giấy triệu tập, rồi áp giải bà lên tỉnh làm việc. Đến gần 22 giờ, khi con trai bà lên tìm và có phản ứng mạnh, sợ con bị công an giữ, nên bà đành kí đại vào biên bản để được cho về. Diện tích 2,3ha đất của bà là mua lại của con, nhưng lời khai bị xé bỏ nhiều lần.
Còn bà Hoà thì khai, thời gian đó bà đang bị tạm giam tại công an tỉnh, do bị cáo buộc chống người thi hành công vụ, vì bà cùng một số người ngăn cản doanh nghiệp chiếm đất khi chưa bị cưỡng chế. Bà Hoà nói, điều tra viên lấy lời khai đã ép bà phải khai là có lấn chiếm một phần đất sau tháng 3/2017, bà không chịu nên bị họ hành hung, bóp cổ bà hộc máu miệng, ngất xỉu phải đi cấp cứu. Bà Hoà cam đoan: khi điều tra viên hành hung và bóp cổ bà, có nhiều can phạm và nhiều cán bộ trại tạm giam chứng kiến. Bản án sơ thẩm bị Tòa phúc thẩm tuyên huỷ, rồi được xét xử sơ thẩm lần 2, các luật sư đề nghị TAND huyện Ninh Sơn triệu tập điều tra viên, để làm rõ các tình tiết này. Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét đề nghị của các luật sư, nên phiên xử tạm dừng.
Sau khi trả hồ sơ điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT và Viện KSND huyện Ninh Sơn kết luận, các bị cáo đã gây thiệt hại cho Công ty Hoàng Sơn 241 triệu đồng (tương đương số tiền hỗ trợ 3,4ha đất). Trước Tòa, Công ty CP Hoàng Sơn nhiều lần khẳng định, họ không bị thiệt hại, chính họ đề nghị đo lại 8ha này và đồng ý hỗ trợ cho dân. Các luật sư và đại diện chính quyền đều nói: Nếu có sai sót thì cũng không gây thiệt hại cho Nhà nước hoặc doanh nghiệp.
Điều 360 Bộ luật Hình sự, quy định về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, bắt buộc phải có 2 yếu tố cấu thành, đó là hành vi thiếu trách nhiệm và gây hậu quả nghiêm trọng. Khi không có hậu quả xảy ra, thì không đủ căn cứ để buộc tội. Sau khi điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT kết luận, các hộ dân đã lấn chiếm hơn 7,6ha sau tháng 3/2017, như vậy cũng không có căn cứ. Qua đối chiếu “Biên bản làm việc” ngày 30/11/2020 (có 14 thành phần tham gia, có đại diện UBND huyện Ninh Sơn, Cơ quan CSĐT, Viện KSND và bị can S, cựu Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn) kết luận có 5ha đất trong số 8,2ha đất đo đạc lần 2, thuộc diện tích do các hộ dân lấn chiếm trước năm 2012. Theo Kết luận Thanh tra số 17/KL-UBND ngày 14/2/2012 của UBND huyện Ninh Sơn, diện tích này đủ điều kiện hỗ trợ. Nhưng nếu nói số tiền đã hỗ trợ đối với 3ha đất còn lại chưa đến 100 triệu đồng, thì như vậy là chưa đủ để xử lí hình sự. Hạt Kiểm lâm huyện có công văn nói, có 7,6ha đất do người dân lấn chiếm sau tháng 3/2017. Nhưng... kết luận của Hạt Kiểm lâm chỉ dựa vào việc đối chiếu các sơ đồ, bản đồ, ảnh chụp từ thiết bị viễn thông qua các thời kì, là chưa phù hợp. Như vậy, Kết luận thanh tra số 17/2012 là thiếu cơ sở. Vậy mà Cơ quan CSĐT và Viện KSND lại lấy kết luận này để làm căn cứ xác định thiệt hại, là không đúng.
Một vụ án hồ sơ có nhiều bất cập, mâu thuẫn, đã được HĐXX giải quyết rất rõ ràng, thể hiện qua phiên sơ thẩm lần 2 vào ngày 18/4/2022. Vì thận trọng, nên phiên xử đã hoãn để tòa thu thập thêm thông tin, tài liệu từ cơ quan chức năng. Các luật sư đều thừa nhận, HĐXX đã thể hiện đúng mô hình tranh tụng theo Nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Đặc biệt, HĐXX rất khách quan khi xem xét, đánh giá tài liệu, chứng cứ theo đề nghị của các luật sư. Chúng tôi tin rằng, phiên xử sắp tới Tòa sẽ có quyết định sáng suốt, khách quan, nhằm bảo vệ sự trong sáng của pháp luật và quyền lợi hợp pháp của các bị cáo.