Hiện tượng động đất ở nước ta
Nghiên cứu - Trao đổi 08/08/2024 09:53
Theo Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lí địa cầu Việt Nam, trong lịch sử 1.900 năm (từ năm 114 đến tháng 7 năm 2024) ở nước ta đã xảy ra 1.815 trận động đất lớn nhỏ, từ 3.0 độ trở lên. Một số trận động đất cấp 7, cấp 8 như ở Đồng Hới (Quảng Bình) năm 114, ở Yên Định - Vĩnh Lộc - Nho Quan năm 1635, ở Nghệ An năm 1821, ở Phan Thiết năm 1882 và 1883. Tại Hà Nội những năm 1277, 1278, 1285 từng xảy ra động đất cấp 7, cấp 8. Trong thế kỉ XX, nước ta có trận động đất 6,7 độ vào năm 1935 làm đứt gãy sông Mã; năm 1983 động đất ở Tuần Giáo 6,8 độ xảy ra trên đới đứt gãy Sơn La; năm 2003 trận động đất lớn 6,1 độ ở Vũng Tàu - Phan Thiết trên đới đứt gãy kinh tuyên 109-110, phun trào núi lửa Hòn Choi.
Trong mấy năm gần đây, động đất từng xảy ra tại Thủ đô Hà Nội như hồi 8 giờ 05 phút 35 giây ngày 25/3/2024 tại huyện Mỹ Đức một trận động đất 4.0 độ, độ sâu chấn tiêu khoảng 16 km, hiện ượng rung lắc từ dư chấn thấy rõ rệt. Cùng ngày, tại huyện Kon Plông (Kon Tum) cũng xảy ra 2 trận động đất tương tự.
Ảnh minh hoạ |
Đặc biệt địa bàn tỉnh Kon Tum, chủ yếu là huyện Kon Plông từ đầu năm đến 31/7/2024 đã xảy ra 170 trận động đất có độ lớn 3.2 đến 4.7 và 5.0, độ sâu hơn 8,1 km; riêng trong tháng 2/2024 ở Kon Tum ngày nào cũng có động đất, có ngày 2 - 3 trận khiến nhiều nhà cửa của người dân bị rạn nứt. Khu vực này ghi nhận có nhiều trận động đất nhất trong cả nước gây tâm lí hoang mang, lo lắng cho người dân địa phương. Lí giải về việc động đất xảy ra dồn dập tại khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum), ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lí địa cầu cho biết, thông thường sau các trận động đất lớn thì sẽ có những trận động đất có cường độ nhỏ hơn kèm theo. Hiện tượng này kéo dài trong vài ngày, sau đó sẽ giảm dần. Sau đó tích tụ một thời gian (thời kì yên tĩnh) thì lại xảy ra những trận động đất liên tiếp như vậy. Do vậy dự báo thời gian tới động đất ở Kon Tum sẽ tiếp tục xảy ra.
Theo ông Anh, các trận động đất xảy ra tại Kon Tum vừa qua vẫn là động đất kích thích. Động đất xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới. "Việc phát sinh động đất kích thích phụ thuộc vào nhiều yếu tố hoạt động địa chấn kiến tạo, thủy văn, cần có các nghiên cứu chuyên sâu mới đánh giá được. Một số yếu tố liên quan đến động đất kích thích như mực nước hồ chứa, tốc độ tích nước hồ chứa, tổng lượng nước sẽ tác động đến động đất. Nhưng việc ảnh hưởng đó có thể là sau vài tháng, vài năm khi nước ngấm đủ xuống bên dưới mới gây ra động đất".
Theo tiến sĩ Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP Hồ Chí Minh, động đất do hồ thủy điện tích nước gây ra nên cần đánh giá một cách nghiêm túc về tác động của các dự án thủy điện tại đây. Phải cân nhắc về hiệu quả kinh tế so với tác động của nó đối với sinh thái môi trường, sinh thái địa chất, phản ứng xã hội khu vực.
Trường hợp hiệu quả kinh tế không đạt, không đáp ứng phát triển kinh tế xanh của Chính phủ thì nên xả đập hồ thủy điện và trả lại rừng tự nhiên vốn có của Tây Nguyên. Với những thủy điện nhỏ công suất không nhiều nhưng diện tích để làm cũng rất lớn đã làm mất đi độ che phủ của rừng. Việc đánh đổi này không cân xứng và cần thiết.
Theo thông báo của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lí địa cầu Việt Nam) thì các trận động đất đều ở mức độ nhẹ, chưa gây thiệt hại gì đáng kể, người dân không quá lo lắng mà cần bình tĩnh, tuân thủ theo hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng; cần chủ động gia cố nhà cửa. Khi xây dựng công trinh, nhất là nhà cao tầng và nhà ở trong thiết kế cần quan tâm đến các yếu tố kháng chấn nhằm giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông tới người dân về nguy cơ thảm hoạ và cách phòng, chống động đất, hạn chế rủi ro, thiệt hại khi có động đất xảy ra.