Cần trả lại đất mượn của gia đình liệt sĩ
Pháp luật - Bạn đọc 31/10/2023 09:35
Theo trình bày của bà Nguyễn Thị Phấn và qua xác minh của phóng viên, hai cụ Nguyễn Văn Á, Phương Thị Hán có 3 người con trai gồm: ông Nguyễn Văn Mậu, ông Nguyễn Văn Thịnh và ông Nguyễn Văn An. Hai cụ Á và Hán đều đã qua đời (cụ Á mất năm 1954, cụ Hán mất năm 1996). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cả 3 người con trai của hai cụ đều gia nhập quân đội từ khi 17 - 19 tuổi, trong đó ông Nguyễn Văn Thịnh hi sinh tại chiến trường miền Nam năm 1968, được công nhận là liệt sĩ. Ông Mậu, ông An xuất ngũ, trở về sinh sống tại địa phương, rồi do bệnh tật cũng đã qua đời. Gia đình có 3 thửa đất, trong đó có thửa đất 144m2 giữa thôn do ông cha để lại. Hai cụ Á và Hán để lại di sản cho 3 người con, thửa 144m2 dự định dành cho ông Nguyễn Văn Thịnh. Thửa đất này, trong khi chưa có điều kiện làm nhà, gia đình trồng chuối, rau củ và cây ngắn ngày...
Vào khoảng năm 1995 - 1996, ông Nguyễn Nhân Sức (bố đẻ ông Nguyễn Nhân Mạnh, Trưởng thôn hiện nay) khi đó làm Chủ nhiệm HTX đến gia đình đặt vấn đề với cụ Phương Thị Hán xin mượn mảnh đất 144m2 (phần di sản của liệt sĩ Nguyễn Văn Thịnh), dùng để làm nhà trẻ và kho chứa phân hóa học, thuốc trừ sâu của HTX. Cụ Hán đồng ý bằng miệng (không làm giấy tờ, văn bản hợp đồng).
Mảnh đất của gia đình liệt sĩ 144m2 cho HTX mượn nay Trưởng thôn Chi Đống cho các hộ kinh doanh. |
Trải qua thời gian, nhiều đời Chủ nhiệm HTX và các đời trưởng thôn, thửa đất đó mặc định để HTX sử dụng. Sau khi cụ Hán qua đời, nhiều lần gia đình yêu cầu HTX trả lại mảnh đất ấy nhưng không được. Liên tục hàng chục năm biến thành một phần của chợ, Trưởng thôn Chi Đống cho một số người thuê dựng lều quán bán hàng, thu tiền thuê mặt bằng. Bà Nguyễn Thị Phấn nhiều lần yêu cầu trả lại đất, nhưng Trưởng thôn Chi Đống Nguyễn Nhân Mạnh không trả, mà vẫn giữ để cho thuê sạp bán hàng.
Gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Thịnh và người dân trong thôn rất bất bình về việc làm trên của Trưởng thôn Chi Đống. Bà Phấn là con dâu út của hai cụ, vợ của cựu chiến binh Nguyễn Văn An, có con trai là anh Nguyễn Văn Tý, cháu đích tôn duy nhất của hai cụ. Bà Phấn cho hay, trước khi qua đời, cụ Hán có dặn lại, giao cho bà Phấn trách nhiệm thờ cúng liệt sĩ Nguyễn Văn Thịnh, đồng thời có tâm nguyện đòi lại mảnh đất 144m2, để sau này giao cho cháu đích tôn của hai cụ là Nguyễn Văn Tý làm nhà ở, thờ cúng bác ruột là liệt sĩ Nguyễn Văn Thịnh. Với bổn phận làm con dâu, làm em dâu liệt sĩ Nguyễn Văn Thịnh, thay mặt gia đình từ tháng 5/1998, bà Phấn đã đề nghị địa phương giải quyết, trả lại quyền sử dụng 144m2 đất ở cho gia đình, để thực hiện tâm nguyện của cụ Phương Thị Hán, nhưng không được. Gần đây dư luận xã hội ở cơ sở rất đồng tình, ủng hộ gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Thịnh bằng gần 200 chữ kí của các công dân, đại diện cho các gia đình trong thôn xác nhận 144m2 là đất ở của hai cụ Nguyễn Văn Á, Phương Thị Hán để lại cho con, cho cháu, thuộc quyền sử dụng của gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Thịnh.
Nhằm có thông tin xác thực về vụ việc này, phóng viên Tạp chí Người cao tuổi đã có cuộc làm việc với ông Nguyễn Văn Tuyn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Chi. Ông Tuyn cho biết: UBND xã Tân Chi cũng nhận được đơn của bà Phấn, thay mặt cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Thịnh, đề nghị hướng dẫn làm thủ tục đăng kí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích đất năm 1967, gia đình cho HTX thôn Chi Đống mượn, để xây dựng các công trình công cộng tại địa phương, nay là một phần chợ dân sinh của thôn. Ngày 15/3/2023, UBND xã Tân Chi có Văn bản số: 29/UBND-TP gửi bà Nguyễn Thị Phấn, trong đó trả lời bà Phấn rằng, xã đã cử cán bộ đi lấy ý kiến của cán bộ và đại diện một số hộ dân sinh sống lâu đời tại thôn Chi Đống… Cuối cùng kết luận: - Thửa đất trên không có đủ hồ sơ giấy tờ, căn cứ chứng minh nguồn gốc đất, cũng như không thống nhất được ý kiến dân cư về nguồn gốc đất. - Thửa đất trên không sử dụng ổn định từ năm 1967 đến nay. Thửa đất trên không được kê khai là đất ở và không thực hiện việc đóng thuế hằng năm. Đối chiếu với hồ sơ, tài liệu lưu trữ qua các thời kì tại UBND xã, không thể hiện chủ sử dụng đất là của gia đình bà Phấn.
Theo bà Phấn, giải quyết của UBND xã Tân Chi thể hiện sự hời hợt và không đúng quy định của pháp luật. Muốn xác định nguồn gốc đất khi có kiến nghị, UBND xã cần ra quyết định thành lập hội đồng, trên cơ sở đó thực hiện việc xác minh nguồn gốc đất, mà những người được lấy ý kiến phải là những người sử dụng đất cùng thời kì, kết quả phải được lập thành biên bản, mới có giá trị pháp lí. Vụ việc này nảy sinh tranh chấp giữa gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Thịnh với thôn Chi Đống, UBND xã có trách nhiệm tổ chức hòa giải giữa hai bên. Trường hợp hòa giải không thành, UBND xã cần hướng dẫn công dân đưa vụ việc ra tòa án giải quyết. Văn bản số: 29/UBND-TP ngày 15/3/2023 của UBND xã Tân Chi cho rằng, diện tích đất này thể hiện là đất công trình công cộng, do UBND xã quản lí, là không có căn cứ, bởi UBND xã không đưa ra được tài liệu nào chứng minh UBND xã được giao diện tích đất đó làm đất công trình công cộng”.
Hi vọng chân lí sẽ thuộc về lẽ phải, gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Thịnh sẽ được nhận lại mảnh đất đó, chứ không thể là đất công trình công cộng như trả lời của UBND xã Chi Đống, hoặc là đất “vắng chủ” như phát ngôn tuỳ tiện của ông Trưởng thôn Nguyễn Nhân Mạnh.