Giữ giá trị của những khẩu hiệu trong nhà trường
Nghiên cứu - Trao đổi 01/12/2021 14:10
Những khẩu hiệu mang tính giáo dục
Đối với mỗi nhà trường, dù cơ sở vật chất như thế nào, dù lớp học bằng tranh tre hay nhà xây cao tầng cũng không thể thiếu được yếu tố khẩu hiệu. Việc sử dụng các khẩu hiệu trong nhà trường vừa phù hợp với không gian là cơ sở giáo dục, nơi rèn luyện, bồi dưỡng nhân cách, tri thức cho thế hệ trẻ, nơi chắp cánh cho ước mơ của mỗi học sinh, vừa mang trong đó những thông điệp giáo dục để tác động trực tiếp vào nhận thức của người học, của phụ huynh học sinh và các lực lượng xã hội về ý nghĩa, giá trị của giáo dục, các con đường hình thành nhân cách, tri thức của người học.
Đã có những khẩu hiệu đậm sâu trong tâm trí mỗi thế hệ nhà giáo, học sinh, sinh viên, trở thành những khẩu hiệu truyền thống không thể thiếu được trong mỗi nhà trường; như: “Tiên học lễ, hậu học văn”; “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”; “Vì lợi ích mườn năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”;… Cùng với đó là những khẩu hiệu mang trong đó những tư tưởng định hướng giáo dục cho người học của các nguyên thủ, các bậc vĩ nhân, các nhà khoa học, triết học… được các nhà trường chọn lựa để sử dụng cố định trong không gian nhà trường.
Khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" tại các trường học |
Thông thường, các khẩu hiệu giáo dục được gắn ở những vị trí trang trọng, nơi thường xuyên tập trung đông đảo học sinh như ở vị trí khán đài, nhà hiệu bộ, nhà lớp học, phía trên và hai bên bảng lớp học. Khẩu hiệu tại những vị trí đó, hằng ngày, hằng giờ sẽ có sự tác động trực tiếp đến người học, góp phần tạo nên tính giáo dục, giá trị nhân văn của môi trường sư phạm. Chính vì thế, các thế hệ học sinh các nhà trường, sau khi ra trường, khôn lớn trưởng thành đã in vào trong tâm trí mình những khẩu hiệu giáo dục giống như những bài học vừa cô đọng ngắn gọn, vừa giàu giá trị. Việc đặt các khẩu hiệu ở các vị trí phù hợp trong khuôn viên nhà trường sẽ tạo nên sự hài hòa của không gian, sự thân thiện và tính mô phạm của môi trường giáo dục.
Thế nhưng hiện nay một số trường quá lạm dụng khẩu hiệu dẫn đến sự hiện diện của khẩu hiệu ở nhiều vị trí khác nhau trong nhà trường. Khẩu hiệu có từ cổng trường, dọc đường đi vào, gắn vào hầu hết các thân cây xanh, cột nhà học, tường nhà, hành lang lớp học,… Đặc biệt, những năm gần đây, nhiều nhà trường tăng cường việc đưa khẩu hiệu gắn vào khuôn viên trường học. Cần tuyên truyền về phong trào nào đó đều được quy thành khẩu hiệu lớn và treo ở nhiều vị trí khác nhau trong trường.
Khẩu hiệu cần gắn với thực tiễn
Thực tế cho thấy, khẩu hiệu nhiều nhưng nếu thiếu sự hành động thì hiệu quả giáo dục sẽ không cao. Ở nhiều nhà trường, gắn dày đặc những câu danh ngôn, châm ngôn, triết lí về giáo dục nhưng thực chất ý thức nền nếp, đạo đức của người học lại không cao, còn vi phạm nhiều, chất lượng học tập và rèn luyện không có sự chuyển biến. Hơn nữa, khẩu hiệu thì có nhiều nhưng chưa có những hoạt động, những phong trào để đưa người học vào môi trường giáo dục thực tiễn sinh động nên chưa tạo được sự chuyển biến về nhận thức của người học đối với các vấn đề đặt ra.
Sử dụng quá nhiều khẩu hiệu trong không gian nhà trường, bên cạnh mặt tích cực sẽ tạo nên hiệu ứng không tốt đối với người học. Nếu ngày ngày bước vào một không gian dày đặc những khẩu hiệu, học sinh sẽ cảm thấy sự đơn điệu, khuôn mẫu của những biển chữ trong khuôn viên.
Khẩu hiệu giáo dục là cần thiết đối với mỗi nhà trường ở các cấp học. Tuy cần thiết nhưng không cần nhiều. Vì thế, các nhà trường cần lựa chọn một số khẩu hiệu mang tính giáo dục truyền thống để sử dụng trong nhà trường. Cần cân nhắc, lựa chọn vị trí gắn các khẩu hiệu sao cho phù hợp. Các cấp học cần lựa chọn khẩu hiệu phù hợp với tâm lí, lứa tuổi của học sinh, tăng cường trồng cây xanh, bồn hoa, cây cảnh để tạo không gian sân trường thân thiện, thoáng mát. Tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, ngoại khóa, các trò chơi dân gian và các phong trào thi đua để đưa học sinh vào môi trường giáo dục lành mạnh, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo. Từ đó, mỗi học sinh có ý thức tu dưỡng, rèn luyện bản thân trong quá trình học tập.