Già hoá dân số và dân số già
Nghiên cứu - Trao đổi 06/06/2024 09:57
Già hoá dân số là xu thế tất yếu mang tính thời đại
Theo Quỹ dân số Liên Hợp Quốc (UNPA), từ năm 2011 Việt Nam bắt đầu quá trình già hoá dân số và số NCT liên tục tăng nhanh trong những năm trở lại đây. Dự kiến đến năm 2036 (sau 25 năm), nước ta chuyển sang gia đoạn dân số già với tỉ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 20%, hoặc tỉ lệ người 65 tuổi trở lên khoảng 14% -15%. Đến năm 2050, Việt Nam trở thành xã hội siêu già với tỉ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 25%, hoặc tỉ lệ người 65 tuổi trở lên chiếm trên 20% tổng dân số. Như vậy, quá trình già hoá dân số để trở thành quốc gia dân số già ở Việt Nam chỉ trong vòng 20 năm là siêu tốc, một thách thức lớn về an sinh xã hội.
Trên thế giới nhiều nước chuyển từ xã hội già hoá dân số sang thời kì dân số già kéo dài rất nhiều năm: Pháp (115 năm), Thuỵ Điển (89 năm), Hoa Kỳ (79 năm), … Nhật Bản là nước tình trạng già hoá dân số đáng báo động với 10% số dân 80 tuổi trở lên, trong khi tỉ lệ sinh ngày càng giảm. Hàn Quốc cũng vậy, số người trên 65 tuổi chiểm 18,5% tổng số dân; 25% số người trên 70 tuổi trở lên. Các nước Trung Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc) và hàng loạt các quốc gia châu Âu, châu Mỹ cũng trở thành các quốc gia dân số già.
Người cao tuổi tham gia đồng diễn thể dục dưỡng sinh, yoga. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN) |
NCT là trung tâm về trí tuệ, rường cột xã tắc…
Cách đây 83 năm, ngày 6/6/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho phụ lão. Người viết: “Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão góp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp, phụ lão phù trì. Nước nhà hưng suy, tồn vong, phụ lão đều gánh vác, trách nhiệm rất nặng nề”. Đó là nội dung cốt lõi của Tư tưởng Hồ Chí Minh về NCT và chính Bác là một NCT vĩ đại.
Trong lịch sử dân tộc, điều đó được minh chứng điển hình qua “Hội nghị Diên Hồng” năm 1284 do vua Trần Thánh Tông tổ chức để trưng cầu dân ý “hoà hay đánh” khi quân Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ 2 và “Quốc dân Đại hội Tân Trào” do Hồ Chủ tịch khởi xướng để đi tới Cách mạng Tháng Tám thành công (1945). Điều đó khẳng định NCT là trung tâm trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, chỗ dựa tinh thần, là rường cột xã tắc, là tài sản vô giá và là hồng phúc dân tộc. Truyền thống quý báu đó được kế thừa, phát huy mạnh mẽ trong thời đại Hồ Chí Minh.
Đó là truyền thống được hun đúc qua biết bao thế hệ, trở thành vốn quý hàng nghìn năm trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đồng thời, là biểu tượng của ý chí tự chủ, tự lực, tự cường được nêu cao bởi các bậc phụ lão nước nhà. NCT giàu kinh nghiệm sống, giàu trí tuệ, bản lĩnh kiên trung, là lực lượng hướng đạo trong cố kết cộng đồng, góp phần quan trọng xây dựng nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh cải tạo xã hội, thiên nhiên, tích cực đóng góp trong xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận và lao động sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tham gia vào quá trình phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Già hoá dân số nhanh tạo ra thách thức lớn
Việt Nam là nước đang phát triển nhưng xu hướng già hoá dân số nhanh đi đôi với thách thức lớn, đồng thời cũng là cơ hội trong ngắn hạn và dài hạn. Quá trình ấy tạo ra nhiều tác động đa chiều từ kinh tế, xã hội đến an sinh, văn hoá. Xu hướng này ảnh hưởng sâu sắc đến cơ cấu kinh tế, đặc biệt là cơ cấu lao động và tăng trưởng kinh tế.
Theo kinh nghiệm các nước phát triển, quốc gia nào chủ động đi trước một bước về đổi mới tư duy, đổi mới sáng tạo, sớm ban hành cơ chế, chính sách thích ứng mang tính mở đường sẽ phát huy được tiềm năng nguồn lực NCT, tạo được lợi thế trong bảo đảm an sinh xã hội bền vững. Chủ động thích ứng với già hoá dân số, phát huy và trọng dụng trí thức, khả năng của NCT sẽ tạo nên sức mạnh nội sinh cho đất nước.
Hiện nay, tuổi thọ trung bình ở nước ta xấp xỉ 74 tuổi. Trong tổng số NCT cả nước thì chỉ có 39% có lương hưu, bảo hiểm xã hội, hưởng ưu đãi chính sách người có công và trợ cấp xã hội, số còn lại 61% sống dựa hoàn toàn vào khả năng bản thân, sự hỗ trợ của con cháu và cộng đồng.
Già hoá dân số ở nước ta có 3 đặc điểm nổi bật. Một là, tốc độ già hoá nhanh trong bối cảnh đất nước ta chưa giàu, thu nhập còn ở mức dưới trung bình, ý thức chuẩn bị cuộc sống tuổi già ở các tầng lớp chưa cao. Hai là, già hoá dân số diễn ra không đồng đều giữa các vùng, miền của đất nước, không cân bằng về giới, chủ yếu ở nông thôn và nghiêng về giới nữ. Ba là, hệ thống chính sách cho NCT chưa thật sự theo kịp thực tế, kết cấu hạ tầng xã hội chậm phát triển trong khi nhu cầu về chăm sóc NCT về số lượng, chất lượng chưa đáp ứng như kì vọng, nhất là nhu cầu NCT tiếp tục được phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, làm việc, cống hiến.
Quá trình già hoá dân số ở nước ta đang đặt ra những thử thách lớn. Thứ nhất, sự chuyển dịch cơ cấu dân số dẫn đến suy giảm nguồn lực trong độ tuổi lao động; suy giảm năng suất lao động tác động trực tiếp đến tăng trường kinh tế. Thứ hai, áp lực về ngân sách, tài chính gia tăng, nhất là trong điều kiện kinh tế đất nước chưa giàu dẫn đến nguy cơ tăng nợ, thâm hụt ngân sách, đe dọa sự ổn định kinh tế vĩ mô, tạo sức ép về thu nhập, bảo đảm an sinh và chăm sóc sức khoe cho NCT...
Từ những đặc điểm và thách thức trên đây, chính sách cần định hướng người trẻ có ý thức chuẩn bị cho tuổi già của ông bà, cha mẹ và bản thân từ sớm, từ xa. Thông qua việc tham gia thị trường lao động, thị trường bảo hiểm nhằm có thu nhập thường xuyên khi về già; cải cách và tăng cường hệ thống bảo hiểm xã hội, tăng tuổi nghỉ hưu chính thức, thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, bình đẳng hoá phúc lợi giữa người lao động khu vực công và tư nhân để mở rộng phạm vi bao phủ của bảo hiểm xã hội; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ chăm sóc xã hội cho NCT…
Già hoá dân số không đơn thuần là vấn đề của NCT để rồi chỉ tập trung vào chăm sóc sức khoẻ thể chất, tinh thần mà quan trọng hơn cần tập trung thực hiện Đề án ở các tỉnh, thành phố có tỉ lệ NCT cao, vùng khó khăn về phát triển kinh tế - xã hội, vùng dân tộc thiểu số, nơi có nhiều NCT hoàn cảnh khó khăn. Khuyến khích NCT làm kinh tế, tận dụng những NCT có trình độ chuyên môn kĩ thuật, còn đủ sức khoẻ vào cuộc. Lồng ghép yếu tố tuổi già vào tạo môi trường cho các hoạt động thể chất và xã hội cho NCT. Các chính sách khuyến khích NCT tạo việc làm, thu nhập cần được thiết kế có tính đặc thù, khai thác tiềm năng, đặc biệt lứa tuổi từ 60 đến 75 có nhiều kinh nghiệm. Đẩy mạnh hoạt động công - tư, xã hội hoá và khuyến khích phát triển các trung tâm dưỡng lão để chăm sóc NCT chu đáo, hạnh phúc. Bảo đảm tất cả NCT được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chăm sóc với sự tham gia tích cực, chủ động của các chủ thể, thành phần xã hội và nâng cao năng lực quản trị quốc gia về NCT.
Mặt khác, cần thay đổi quan niệm nhận thức cho rằng “NCT là gánh nặng” mà phải thấy rõ NCT là “tài sản” của gia đình, xã hội, cộng đồng và quốc gia.