Những con số biết nói về già hóa dân số
Xã hội 01/01/2025 08:08
Vấn đề của người cao tuổi
Hội nghị Cairo đã từng đưa ra một chương trình hành động dành cho NCT. Theo đó, do mức sinh giảm, mức tử vong được hạn chế liên tục đã làm cho số NCT hiện nay tăng lên với mức độ kỉ lục. Ở những nước phát triển, cứ khoảng 6 người thì có một người từ 60 tuổi trở lên.
Phụ nữ thường sống thọ hơn nam giới, vì vậy họ chiếm phần lớn trong số NCT. Tuy vậy phụ nữ già ở nước nghèo cũng thường dễ bị thương tổn nhất. Do tác động kinh tế và xã hội, sự “già hóa dân số” hiện nay vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với tất cả các quốc gia. Nhiều nước hiện nay đang xem xét lại các chính sách của mình theo nguyên tắc: NCT là một nguồn nhân lực có giá trị và quan trọng của xã hội. Khuyến khích sự tự lực của người già để tạo điều kiện cho họ tiếp tục tham gia hoạt động xã hội.
Ở nước ta, từ kể từ năm 1995, đến nay, Đảng và Nhà nước đã quan tâm thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc NCT. Nhận định chung là tuổi thọ bình quân của người Việt Nam hiện nay ngày càng tăng cao. Số NCT không ngừng gia tăng về số lượng. Đây là những bậc sinh thành đã có công nuôi dạy con cháu, giữ gìn và phát triển giống nòi, giáo dục các thế hệ thanh niên Việt Nam về nhân cách, phẩm chất và lòng yêu nước. Một bộ phận đông đảo NCT Việt Nam đã đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy chăm sóc và phát huy năng lực của NCT là sự thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta và nền đạo đức dân tộc Việt Nam.
Những con số biết nói
Hiện nay số NCT trên thế giới ngày càng tăng. Đặc biệt là ở các nước đang phát triển, số người già tăng với tốc độ rất nhanh. Bình quân mỗi năm thêm khoảng 10 triệu NCT. Tại các nước phát triển hiện có khoảng 330 triệu NCT đang sinh sống. Theo tính toán của các nhà dân số học thế giới, tuổi thọ bình quân của con người vào năm 1950 là 46 tuổi, năm 1990 đã tăng lên 64 tuổi và đến năm 2025 sẽ là 75 tuổi. Dự kiến số NCT của thế giới trong vòng 20 năm nữa là 1,2 tỉ người. Trong đó đa số NCT sống ở các nước đang phát triển.
Vào 25 năm đầu tiên của thế kỉ XXI, lục địa châu Âu đã được mệnh danh là “Lục địa già”. Mỗi năm số lượng NCT ở đây ước tính đã tăng khoảng 19%. Dự kiến năm 2030 sẽ tăng lên khoảng 30%/năm. Hiện nay cứ mỗi tháng số NCT tăng thêm khoảng hơn 1 triệu người. Dự tính đến cuối năm 2030 con số tăng hằng tháng của NCT sẽ là 2 triệu người.
Nếu như từ năm 1990 đã có 26 quốc gia có số NCT cao nhất thế giới, thì đến năm 2025 đã lên 55 nước. Bình quân mỗi nước có trên 2,5 triệu NCT đang sinh sống. Số NCT đã không ngừng tăng lên từ hàng thế kỉ nay, nhưng đáng lưu ý là số lượng NCT ở các nước đang phát triển lại tăng nhanh hơn những nước đã phát triển.
Chăm sóc NCT tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Lào Cai |
Theo Cục Tổng điều tra Mỹ, Trung tâm Nghiên cứu và cơ sở dữ liệu Quốc tế, hiện nay châu Âu là khu vực già nhất và châu Phi là lãnh thổ có dân số trẻ nhất thế giới. Ở nước ta vào năm 2015 số người già từ 60 tuổi trở lên ước hơn 11% dân số cả nước. Tất nhiên khoảng gần 90% dân số còn lại thuộc lực lượng dân số trẻ. Số người già từ 65 tuổi trở lên ở Việt Nam hiện nay khoảng 9 triệu người, trong đó khoảng 1,5 triệu người từ 75 tuổi trở lên. Tỉ lệ người già sống phụ thuộc vào con cháu là 8,1%.
Thụy Điển là nước “già nhất” trên thế giới với tỉ lệ 18% người già trên 65 tuổi. Sau Thụy Điển là 19 quốc gia khác có tỉ lệ người già nhiều nhất thế giới như: Na Uy, Anh, Bỉ, Đan Mạch, Áo, Ý, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Phần Lan, Lucxămbua, Bungari, Hunggari, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Nhật Bản và Mỹ. tại lục địa châu Á, các nước vùng Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… do mức sinh ngày càng giảm nhanh nên tỉ trọng dân số già từ 65 tuổi trở lên đã và đang tăng bình quân khoảng 10%/năm.
Sự già hóa dân số ở các quốc gia Đông Á một mặt là sự biểu hiện chất lượng cuộc sống tại đây được tăng lên, nhưng mặt khác đã vấp phải những khó khăn về chi phí để chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm xã hội, và sự công bằng giữa các thế hệ như đã từng xuất hiện ờ châu Âu và Bắc Mỹ.
Trong dân số, các nhóm tuổi khác nhau tăng theo các tỉ lệ khác nhau. Ở nhiều nước, người già nhất khoảng 80 tuổi trở lên là một bộ phận tăng nhanh nhất trong lực lượng dân số già. Vào năm 2019, số người thọ từ 80 tuổi trở lên chiếm khoảng 15% số NCT trên thế giới. Ở một số nước châu Âu như Pháp, Đức, Thụy Điển, các cụ ông, cụ bà 80 tuổi trở lên chiếm đến 1/4 tổng số người già trong cả nước.
Hiện nay số lượng “người già” ngày càng tăng đòi hỏi những nhà quản lí và Chính phủ phải quan tâm nhiều hơn về nhóm này, vì những người già nhất thường là đối tượng có nhu cầu cao về dịch vụ sức khỏe và sự chăm sóc mọi mặt. Trước đây các dự báo dân số thường đánh giá thấp tình hình cải thiện tử vong trong số những người già nhất. Nếu các tỉ suất chết giảm với tốc độ nhanh hơn các mô hình dự báo, thì số lượng người già trong tương lai gần sẽ cao hơn hiện nay rất nhiều. Việt Nam cũng đang xuất hiện hiện tượng “già hóa dân số” trong những thập niên gần đây, điều đó đang đặt ra cho toàn xã hội những thách thức mới.