Vai trò của người cao tuổi trong gia đình có nhiều thế hệ
Xã hội 25/12/2024 09:43
PV: Việt Nam đang trong giai đoạn già hoá dân số, NCT đóng vai trò quan trọng, theo ông NCT có thích sống cùng con cháu không?
NSƯT Phạm Đông: Năm nay tôi đã 78 tuổi. Theo tôi, NCT phần lớn đều muốn sống cùng con cháu. Tuy nhiên cũng có trường hợp NCT lại không thích sống cùng con cháu. Có những NCT thích sống một mình, kể cả ở vùng nông thôn. Tâm lí chung của NCT là muốn được con cháu chăm sóc lúc đau ốm, muốn con cháu hiểu những tâm tư tình cảm, nguyện vọng để cuộc sống về già thêm phần ý nghĩa. Tuy nhiên, cũng có những NCT lại không muốn sống với con cháu. Họ cảm thấy không vui khi sống với con cháu vì cho rằng khó có thể hoà đồng được giữa các thế hệ. Lí do nữa là bởi con cháu không hiểu được ông bà, cha mẹ; không biết ứng xử để ông bà, cha mẹ thấy được niềm vui khi sống cùng con cháu mình.
PV: Trong gia đình có nhiều thế hệ sống chung sẽ có lợi ích gì, thưa ông?
Nhà báo, NSƯT Phạm Đông (người ngồi thứ 3 từ phải qua trái) đang quây quần cùng các con, cháu trong gia đình nhiều thế hệ. |
NSƯT Phạm Đông: Trong gia đình có nhiều thế hệ (3 thế hệ), việc giáo dục gia đình là vô cùng quan trọng. Đối với gia đình tôi, ông bà, cha mẹ, nhiệm vụ quan trọng nhất là giáo dục con cháu. Muốn vậy ông bà, cha mẹ phải là những tấm gương bằng lời nói, việc làm và hành động. Người xưa có câu: “Giọt trước chảy đâu, giọt sau chảy đó”, con cái có là người tốt hay không đều do cách dạy dỗ của cha mẹ. Có thể lấy ví dụ: Trong gia đình có 3 thế hệ là ông bà, cha mẹ và con cái. Nếu cha mẹ thể hiện mình là người con hiếu thảo với ông bà thì những người con cái thấy đó để làm theo. Tương tự như vậy, NCT - ông bà cũng sẽ là tấm gương để con, cháu noi theo. Đặc biệt đối với những người thế hệ thứ 3 (con cháu) trong gia đình, họ luôn quan sát, nghe lời và làm theo ông bà, cha mẹ. Như vậy, đây có thể là lợi ích lớn nhất trong một gia đình có nhiều thế hệ sinh sống.
PV: Trong một gia đình có nhiều thế hệ sinh sống, quan điểm, lối sống không hợp nhất là bình thường, có các quan điểm trái chiều, thậm chí là mâu thuẫn, vậy theo ông trong trường hợp này ông bà, cha mẹ nên làm gì?
NSƯT Phạm Đông: Xã hội ngày càng phát triển, tư duy con người cũng sẽ phát triển, bên cạnh đó nhân sinh quan của các thế hệ trong cùng gia đình sẽ khác nhau. Không thể so sánh nhân sinh quan của thế hệ 4.0 với thế hệ thời kì đổi mới hay thế hệ thời kì chiến tranh giành độc lập, sẽ có những quan điểm không đồng nhất, thậm chí là quan niệm trái chiều giữa các thế hệ trong một gia đình. Tuy nhiên đó chỉ là hình thức, về bản chất không thay đổi vì trong một gia đình có nhiều thế hệ sinh sống mà người trên luôn luôn làm tấm gương cho người dưới noi theo. Và ở đó, người dưới luôn tôn trọng người trên thì sẽ giải quyết được tất cả các mâu thuẫn hay quan điểm trái chiều do khác biệt về thời đại. Cũng như vậy, trong gia đình đó sẽ luôn duy trì được mối quan hệ tốt đẹp giữa người trẻ và NCT.
PV: Theo ông, ông bà, cha mẹ cần có cách giáo dục như thế nào để dung hoà được các mối quan hệ trong gia đình có nhiều thế hệ sống chung?
NSƯT Phạm Đông: Muốn giáo dục con cái tốt, cần giáo dục cái gốc “bản ngã” đó là đức hạnh, là nhân cách tốt cho trẻ nhỏ. Từ những việc cụ thể, từng ngày, từng giờ ông bà, cha mẹ cần dạy cho con cái những ý nghĩ, hành động mang tính tri ân, với lòng biết ơn cao. Ví dụ như: Nếu tới ngày sinh nhật, người trẻ thay bằng việc đòi quà từ cha mẹ, nên có những lời cảm ơn người sinh thành ra mình với lòng biết ơn sâu sắc.
Theo tôi, đạo đức, lòng biết ơn và hiếu thảo với cha mẹ của từng thành viên trong gia đình phải được giáo dục thường xuyên, từng ngày mới có hiệu quả.
PV: Trong gia đình có nhiều thế hệ, có hiện tượng khi còn nhỏ, người trẻ tuổi thường được ông bà, cha me dạy dỗ, chăm sóc yêu thương. Tuy nhiên khi lớn lên, người trẻ khi “kiếm” được tiền lại nghĩ mình là trụ cột gia đình, tự ý sắp đặt mọi việc trong gia đình?
NSƯT Phạm Đông: Người xưa có câu: “Khôn đâu tới trẻ, khoẻ đâu tới già”, dù rằng về trình độ khác nhau qua từng giai đoạn, nhưng có những điều chỉ có trải nhiệm, tính kinh nghiệm của ông bà, cha mẹ mới có được. Có thể nói, chỗ dựa trong gia đình nhiều khi còn là tinh thần. Trong gia đình có nhiều thế hệ sống, nếu con, cháu luôn tôn trọng ông bà, cha mẹ thì con cháu luôn có chỗ dựa tinh thần vô cùng vững chắc; nếu con cháu “tự ý” quyết định tất cả mọi việc trong nhà thì vô hình chung con cháu đã không tôn trọng ông bà, cha mẹ. Đương nhiên, điều đó sẽ khiến ông bà, cha mẹ không vui. Ví dụ: Thực tế trong gia đình có các thế hệ sống chung, người trẻ, trưởng thành là người quyết định nhiều việc như: Chăm sóc con cái, định hướng việc làm cho con, mua nhà…, tuy nhiên nếu người trẻ đó vẫn hỏi ý kiến của ông bà, cha mẹ (ông bà, cha mẹ cũng sẽ biết việc quyết định là của người trẻ). Như vậy, ông bà, cha mẹ biết rằng người trẻ tôn trọng mình nên sẽ rất vui, thấy rằng mình luôn được tôn trọng. Đó là điều hết sức cần thiết và quan trọng trong gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống.
PV: Xin cảm ơn ông!