Đời thợ - nghiệp báo
Cùng suy ngẫm 21/06/2024 07:52
Mười sáu tuổi, bố mẹ cho tôi học nghề thợ tiện tại Trường Dạy nghề Cơ điện Hà Nội. Mười bảy tuổi, tôi được phân công về Xí nghiệp Tam Quang trên đường Hai Bà Trưng, làm công nhân tiện, sau đó chuyển về Nhà máy Điện cơ Thống nhất tại khu Hoàng Mai, thuộc Sở Công nghiệp Hà Nội. Tại đây, tôi đã có 5 năm gắn bó với nghề tiện.
Những chiếc quạt trần, quạt bàn lớn nhỏ mang tên Điện cơ Thống Nhất là sản phẩm chúng tôi đã tạo nên cốt nên hình.
Nhưng đời có ai học được chữ ngờ.
Sau 5 năm say sưa với máy móc, hòa nhập cùng đời sống công nhân cơ khí dầu mỡ luôn lấm lem đôi bàn tay, bỗng dưng tôi được đổi nghề: Trở thành phóng viên của Đài Phát thanh Hà Nội.
Nguyên do là sau mấy năm với nghề tiện cùng những ca sáng, ca chiều, ca đêm đứng máy, tôi đều đặn dành chút thời gian ngắn ngủi giữa lúc nghỉ giao ca để đọc báo, nghe đài. Cũng từ khi ấy tôi bắt đầu viết tin, bài ngắn về đề tài công nhân cho Đài Phát thanh Hà Nội.
Sự cần mẫn, nhanh nhạy cộng tác với đài gần ba năm chính là thời gian thử thách và trưởng thành từ người thợ để trở thành một phóng viên.
Sự ưu ái của Đài Phát thanh Hà Nội cùng sự chân thành giúp đỡ, động viên của bạn bè đã tạo nên động lực cho tôi vượt lên chính mình.
May mắn thay tôi đã được chuyển về làm việc tại Đài Phát thanh Hà Nội ở 26 phố Hàng Dầu, quận Hoàn Kiếm,vào giữa những ngày Thu tháng 10/1969.
Nhưng chỉ sau khoảng hai tháng làm phóng viên tại Ban Công nghiệp, tôi lại “gặp may”: Tháng 10/1969 tôi được chọn đi học Lớp Báo chí - Xuất bản, Trường Tuyên huấn Trung ương, lúc đó tôi đã 22 tuổi.
Sau 4 năm học nghề làm báo để làm chính trị như các thầy căn dặn, chúng tôi ra trường. Cùng một số đồng môn, tôi được phân công về CP 90 là bí danh của Đài Phát thanh Giải phóng thường trú ở miền Bắc, 56 phố Quán Sứ, Hà Nội.
Và cũng từ đây, cái nghiệp phóng viên thường trú đã vận vào tôi trong suốt đời làm báo.
Xin kể một vài kỷ niệm.
Thời gian đầu làm việc ở Đài Phát thanh Giải phóng thường trú tại miền Bắc, tôi được phân công làm nhiệm vụ “bỏ dấu”. Hằng ngày tôi qua Phòng Teletype nhận bản tin, bài viết từ miền Nam gửi ra, cứ thấy chữ S cuối mỗi chữ thì bỏ dấu sắc, chữ F thì dấu huyền, chữ R dấu hỏi, chữ X dấu ngã, chữ J dấu nặng, hai chữ 00 thành chữ ô... Ví dụ: đaif = dài, giair = giải, phongs = phóng…
Vì là dân Bắc nên khi làm việc ở Đài Phát thanh Giải phóng, chúng tôi phải làm quen với những từ người miền Nam thường dùng. Như “chánh quyền” thay cho “chính quyền”, “thống nhứt” thay cho “thống nhất”, “võ trang” thay cho “vũ trang”, “chánh trị” thay cho “chính trị”. “bán sĩ” thay cho “bán buôn”, “bắp” thay cho “ngô”, “đậu phộng” thay cho “lạc”, “củ mỳ” thay cho “sắn”., v.v.
Thế mới có chuyện vui. Sau ngày 30/4/1975, có người ở đồng bằng sông Hồng vào Sài Gòn, thấy một cửa hàng có bảng hiệu “Sương sáo” liền bước vào: “Cho tôi ba xương xáo nhấm rượu”. Chờ mãi chỉ thấy ba cốc thạch đen. Thì ra có sự hiểu lầm ngôn ngữ.
Trong thời gian làm phóng viên thường trú Đài Phát thanh Giải phóng, tôi viết được một số tin, bài, phóng sự và thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn, trong đó có một phỏng vấn mà tôi không bao giờ quên. Đó là nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1974, tôi được phân công phỏng vấn ông Trần Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội tại tư gia của ông với nội dung từ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Thủ đô đến dốc sức cho chiến trường miền Nam. Nội dung nào nhà trí thức lớn Trần Duy Hưng cũng nói cụ thể với thái độ tôn trọng một phóng viên trẻ.
Sau 1975, tôi lại trở thành phóng viên thường trú của Đài Tiếng nói Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Một lần về U Minh Thượng, Kiên Giang công tác, tôi lội bộ gần 5 kilômét giữa rừng tràm thì đến được Nông trường Thái Bình. Ban giám đốc nông trường và bà con đã đón tiếp tôi rất nồng hậu, lại còn tổ chức một đêm văn nghệ cây nhà lá vườn mừng “nhà báo Trung ương” đến thăm và làm việc. Hôm ra về, bà con nông trường lưu luyến mãi chưa muốn chia tay. Có điều bất ngờ là trên tay ai cũng có một bịch gạo, nói là để biếu nhà báo. Lúc ấy hạt gạo quý lắm vì đất nước đang thiếu lương thực. Tấm lòng của người dân U Minh Thượng đọng lại mãi mãi trong tôi.
Rồi một sự tình cờ nữa trong đời làm báo của tôi: Năm 1999, tôi trở thành phóng viên thường trú của Báo Hà Nội Mới tại TP Hồ Chí Minh.
Trong một chuyến công tác tại đất mũi Cà Mau, sau khi làm việc với Đồn Biên phòng Xóm Mũi, tôi được bà con chiêu đãi món đặc sản là lẩu cá khoai. Tôi được nghe một câu chuyện vui, sau này tôi ghi lại trong một bài viết mang tên “Nỗi oan cô gái trẻ mới về làm dâu Đất Mũi”. Ấy là gia đình hôm đó có đám giỗ. Con dâu mới được mẹ chồng sai nấu món lẩu cá khoai. Khi múc lầu ra tô, bỗng nhiên cô gái hoảng hốt: “Má ơi, lúc nấu lẩu con cho10 con cá khoai vào nồi, vậy mà giờ không thấy con nào”. Bà má vui tính, bảo” “Chắc cá bị ngót rồi”. Chuyện luộc trứng “bị ngót” nhiều người biết, thế là cô con dâu than vãn: “Con có ăn miếng cá nào đâu”. Cả nhà cùng cười vui, thì ra, cá khoai thân mềm nhũn, khi đun lâu trong nồi lẩu, thịt cá rả ra trong nước, chỉ còn sụn. Thế là “nỗi oan” nàng dâu được “giải tỏa”.
Trong cuộc đời làm báo, tôi đã xuất bản được một chục cuốn sách, tập thơ:
Làm báo, viết sách, làm thơ
Ấy là tâm nguyện, ước mơ cả đời
Vậy là từ một thợ tiện chăm chỉ, tôi đã trở thành một ngưởi làm báo, một nhà báo cần mẫn, miệt mài, bản lĩnh. Cho nên tôi tự trào:
Có ai làm báo được như tôi
Phóng viên thường trú suốt một đời...