Điên Biên Phủ, bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh
Nghiên cứu - Trao đổi 07/05/2024 15:43
Nhìn lại lịch sử dân tộc, thực dân Pháp xâm lược, đô hộ nước ta 96 năm (1858-1954) nhằm biến Việt Nam thành một thuộc địa kiểu cũ. Với âm mưu chiếm đóng lâu dài trên toàn bán đảo Đông Dương, bằng kế hoạch Na-va, Pháp tập trung nguồn lực xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với đội quân tinh nhuệ, thiện chiến nhất, tham vọng đập tan các lực lượng kháng chiến của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, trong đó trọng tâm là Chính phủ cách mạng Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang cách mạng của ta, hòng chiếm đóng lâu dài trên bán đảo Đông Dương.
Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề ra đường lối kháng chiến, đường lối chiến tranh Nhân dân, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo. Kết hợp chặt chẽ chiến lược chống đế quốc thực dân và phong kiến, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, huy động tổng lực sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã tạo nên ý chí quyết chiến, quyết thắng để làm nên một Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Bằng nghệ thuật quân sự “đánh chắc, thắng chắc” do Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định, với 3 đợt tiến công trong 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…”, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, táo bạo, sáng tạo, thần tốc, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân đội viễn chinh Pháp.
Đợt 1 (từ 13-17/3/1954), tiêu diệt cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ hệ thống phòng thủ hướng Bắc và Đông Bắc của địch, mở toang cánh cửa để quân ta tiến xuống vùng lòng chảo và khu trung tâm tiêu diệt 2 tiểu đoàn tinh nhuệ người Pháp, 1 tiểu đoàn và 3 đại đội lính Thái tan rã, phá huỷ nhiều khẩu pháo, máy bay chiến đấu ở lòng chảo.
Đợt 2 (từ 30/3-30/4/1954), quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía đông phân khu trung tâm, khống chế các cao điểm, phát triển trận địa tới sát sân bay, thắt chặt vòng vây, chia cắt, khống chế các khu vực còn lại, kiểm soát sân bay Mường Thanh, ngăn chặn tiếp viện của địch, tiêu diệt 5.000 tên địch, khiến cả tập đoàn cứ điểm hoang mang, sợ hãi.
Đợt 3 (từ 1-7/5/1054), tổng tiến công đánh chiếm các cứ điểm còn lại ở phía Đông, diệt các cứ điểm phía Tây, mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hồi 17 giờ ngày 6/5 pháo binh và hoả lực của ta tới tấp nã vào các điểm địch co cụm, mở đường cho bộ binh xông lên đánh chiếm Đồi A1 (sau khi cho nổ bộc phá 1.000 kg) phá huỷ, chặn đánh tuyến hầm ngầm. Lập tức, bộ đội chia nhiều mũi theo các đường hào đánh địch trên Đồi A1. Đúng 17 giờ ngày 7/5/1954, tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ tham mưu quân đội Pháp đầu hàng và đến 22 giờ cùng ngày toàn bộ quân địch bị bắt làm tù binh.
Chiến thắng Điện Biên Phủ dập tắt ý chí xâm lược của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, buộc chính quyền Pháp phải kí Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 đình chỉ chiến tranh, khôi phục hoà bình ở Đông Dương, công nhận nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia. Hiệp định Giơ-ne-vơ thể hiện bản lĩnh của nền “ngoại giao cây tre” (sau Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946, cũng như Hiệp định Paris ngày 27/1/1973) đã trở thành 1 trong 3 văn kiện ngoại giao quan trọng nhất trong lich sử đối ngoại sau 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Lần đầu tiên Hiệp định Giơ-ne-vơ là hội nghị quốc tế đa phương trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các nước lớn tham gia hội nghị đều có mục tiêu và lợi ích riêng, song đoàn đàm phán Việt Nam đã phát huy chiến thắng Điện Biên Phủ, kiên định nguyên tác nhưng mềm dẻo về sách lược để giành thắng lợi quan trọng trên bàn đàm phán.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh Nhân dân thần kì, xứng đáng được ghi vào trang sử dân tộc trong thế kỉ XX như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đông Đô và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công thời đại, đột phá vào thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, là thắng lợi của Tư tưởng và đường lối cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh chống áp bức, thuộc địa trên toàn thế giới. Đó là thắng lợi của đường lối xây dựng lực lượng vũ trang Nhân dân gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích; tiến công quân sự kết hợp với binh vận và nổi dậy của quần chúng, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị trên khắp các chiến trường trong cả nước cũng như trên mặt trận kinh tế, văn hoá, xã hội, ngoại giao.
Do thất bại thảm hại ở Điên Biên Phủ, chỉ sau một ngày (từ ngày 8/5/1954) Chính phủ Pháp buộc phải ngồi đàm phán tại Giơ-ne-vơ. Suốt 75 ngày với 31 phiên họp, ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết với thoả thuận chung cho 3 nước Đông Dương, công nhận và tôn trọng các nguyên tắc, quyền cơ bản về độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã kết thúc 9 năm kháng chiến trường kì, gian khổ nhưng cũng đầy anh dũng của quân và dân ta. Trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khẳng định sự trưởng thành vượt bậc về tư tưởng chính trị, lực lượng, tổ chức chỉ huy, trình độ tác chiến của lực lượng vũ trang Nhân dân. Chiến thắng này còn có sự đóng góp, ủng hộ của bạn bè quốc tế, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa, của phong trào đấu tranh vì hoà bình của nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới, đặc biệt Nhân dân trên bán đảo Đông Dương cùng chung chiến hào, đã tạo nên sức mạnh thời đại. Qua đó, tăng thêm niềm tự hào dân tộc, niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên con đường phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
70 năm trôi qua, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi, hết sức phức tạp, diễn biến khó lường, sự chi phối của các nước lớn và trong nước đang đứng trước những khó khăn, thách thức không chỉ về kinh tế mà cả về chính trị, thể chế, ngoại giao. Cho nên thời khắc lịch sử này cần nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, kiên quyết, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt, mềm dẻo vế sách lược, thực hiện di huấn của Bác Hồ “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để giành thắng lợi từng bước trong công cuộc gìn giữ hoà bình, xây dựng phát triển đất nước phồn vinh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thống nhất.
Kiên trì đường lối đó, đòi hỏi tăng cường tiềm lực, nâng cao sức mạnh tổng hợp của dân tộc là nhân tố nội sinh có ý nghĩa quyết định, tạo cơ sở vững chắc bảo đảm phát triển bền vững đất nước không chịu áp lực chi phối của các nước lớn, giữ vững nền hòa bình, độc lập, ổn định và công lí vì lợi ích quốc gia và hạnh phúc của Nhân dân.