Đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh vào cuộc làm rõ
Pháp luật - Bạn đọc 07/12/2021 09:38
Trước đó, trả lời Tạp chí Người cao tuổi, Chi cục THADS huyện Chợ Lách cho biết, theo Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2020/QĐ-BPKCTT ngày 17/9/2020 của TAND huyện Chợ Lách, Chi cục THADS huyện Chợ Lách ra Quyết định thi hành án số 19/QĐ-CCTHA ngày 17/9/2020; Quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định cưỡng chế thi hành án số 02/QĐ-CCTHA ngày 8/10/2020; Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 01 và 02 ngày 19/10/2020 và xây dựng dự thảo kế hoạch cưỡng chế thi hành án đối với ông Ơn và bà Linh với nội dung: “Buộc ông Nguyễn Công Ơn (sinh năm 1973) và bà Đỗ Thị Mỹ Linh (sinh năm 1975), địa chỉ ấp Vĩnh Chính, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre phải tháo dỡ và bứng (nhổ) toàn bộ 3 trụ sắt có đường kính mỗi trụ là 90mm, có chiều cao tính từ mặt đất là 1,6m, cùng hàng rào lưới B40 hàn cố định vào khung sắt có chiều dài 6m, chiều cao (chiều rộng) 1,5m ra khỏi phần lối đi vào nhà nghỉ Bình An (nay là nhà nghỉ Minh Anh)”.
Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2020/QĐ-BPKCTT ngày 17/9/2020 của TAND huyện Chợ Lách. |
Nhiều dấu hiệu cố tình không thi hành án!
Trong Văn bản trả lời Tạp chí Người cao tuổi, Chi cục THADS huyện Chợ Lách cho biết: “Chấp hành viên đã thực hiện hoàn tất thủ tục xử phạt hành chính đối với ông Ơn bà Linh, về hành vi không thực hiện công việc phải làm theo bản án, quyết định; đã thông báo ấn định thời hạn cho ông Ơn, bà Linh thực hiện nghĩa vụ thi hành án nhưng ông, bà vẫn kiên quyết không thi hành”.
Tuy nhiên, Chi cục THADS huyện Chợ Lách lại không dẫn ra Quyết định xử phạt hành chính về hành vi không thi hành án đối với ông Ơn, bà Linh cụ thể là quyết định số bao nhiêu, ban hành thời gian nào (!?).
Trong khi đó, căn cứ Khoản 1, Điều 45 Luật THADS, thời hạn tự nguyện thi hành án được quy định như sau: “1.Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án”.
Vậy tại sao đã hơn 1 năm 2 tháng, Chi cục THADS huyện không thực hiện cưỡng chế? Công an huyện không thực hiện kế hoạch bảo vệ cưỡng chế, mà Chủ tịch UBND huyện, là Trưởng ban Chỉ đạo THADS huyện Chợ Lách vẫn “án binh bất động” trước những dấu hiệu sai phạm của cấp dưới, không làm theo trình tự quy định của pháp luật? Chẳng lẽ, nếu ông Ơn và bà Linh cứ kiên quyết không chịu thi hành án, thì Cơ quan chức năng huyện Chợ Lách cũng đành “bó tay”? Liệu có khuất tất gì trong vụ việc trên!?
Để có thêm thông tin, phóng viên nhiều lần gọi điện cho Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách; nhiều lần liên hệ với Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Chợ Lách, nhưng cũng chỉ nhận được những lời hứa: “Sẽ làm”. Tuy nhiên, cho tới nay đã hơn 1 năm kể từ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2020/QĐ-BPKCTT ngày 17/9/2020. Và mới đây nhất là việc Bản án số 156/2021/DS-ST ngày 3/11/2021 của TAND huyện Chợ Lách, nhưng không hiểu sao, Chi cục THADS huyện Chọ Lách vẫn không thi hành án?
Cần làm rõ trách nhiệm!
Theo Điều 174 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP, ngày 9/9/2009 của Chính phủ, về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp huyện trong THADS quy định: “1. Chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong THADS trên địa bàn. 2. Chỉ đạo việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương theo đề nghị của Thủ trưởng Cơ quan THADS cấp huyện… 6. Yêu cầu cơ quan THADS báo cáo công tác thi hành án dân sự ở địa phương”.
Về thời gian tự nguyện thi hành án, Điều 45 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP, ngày 9/9/2009 của Chính phủ quy định: “1.Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án”. Tại Điều 46. Cưỡng chế thi hành án: “1. Hết thời hạn quy định tại Khoản 1, Điều 45 của Luật này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.”
Tại Điều 72 Luật THADS quy định: 4. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kế hoạch cưỡng chế của cơ quan THADS cùng cấp, Cơ quan Công an có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và lập phương án bảo vệ cưỡng chế. Cơ quan Công an có trách nhiệm bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết để giữ gìn trật tự, bảo vệ hiện trường, kịp thời ngăn chặn, xử lí hành vi tẩu tán tài sản, cản trở, chống đối việc thi hành án, tạm giữ người chống đối, khởi tố vụ án hình sự khi có dấu hiệu phạm tội.
Để bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân, Tạp chí Người cao tuổi, đề nghị Chi cục THADS huyện Chợ Lách cần nhanh chóng tổ chức thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật thi hành. Đồng thời các cơ bảo vệ pháp luật ở tỉnh Bến Tre cần xem xét và xử lí nghiêm minh các cá nhân, đơn vị cố tình không thi hành quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.