Làm việc với tinh thần người lính

Hoạt động hội 27/04/2025 15:09
Đã gần 50 năm kể từ ngày chiến dịch giải phóng Hoài Đức - Tánh Linh thành công, nhưng trong ký ức của cựu chiến binh Nguyễn Viết Nuôi, sinh năm 1954, trú xóm Sơn Hải, xã Kỳ Khang, Huyện Kỳ Anh, vẫn còn bồi hồi, xúc động về một thời chiến đấu gian nan nhưng đầy oai hùng.
Cựu chiến binh Nguyễn Viết Nuôi bồi hồi nhớ lại: tháng 12/1972, khi vừa tròn 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, ông xung phong lên đường nhập ngũ, đóng quân tại Đại đội 47, Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 22B, Quân khu 4.
Đến năm 1973, khi chiến tranh ở giai đoạn ác liệt, đơn vị ông được cấp trên điều động vào chiến trường B. Suốt từ đó cho đến ngày đất nước được thống nhất, ông cùng đồng đội đã trải qua những trận đánh ác liệt để bảo vệ từng thôn ấp, làng mạc, đã chiến đấu bằng cả tính mạng của mình với quyết tâm để non sông thống nhất về chung một nhà.
![]() |
Ông Nguyễn Viết Nuôi cùng đồng đội tại Trường Quân chính Mặt trận 579 đóng tại Campuchia |
“Tháng 8/1974, Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền Nam giao nhiệm vụ cho Khu 6 phối hợp với Sư đoàn 5 Quân khu 7 cùng đơn vị tôi mở chiến dịch Hoài Đức – Tánh Linh với yêu cầu: Giải phóng hai huyện Hoài Đức - Tánh Linh mở ra vùng giải phóng nối liền từ Bình Tuy lên Phước Long, tạo điều kiện tiến công giải phóng các tỉnh Miền Đông Nam bộ, áp sát Sài Gòn”, - ông Nuôi nhớ lại.
Đúng 2 giờ ngày 10/12/1974 chiến dịch được mở màn.
Hướng chủ yếu là Hoài Đức, ông Nguyễn Viết Nuôi cùng đồng đội đồng loạt nổ súng tiến công vào Chi khu Võ Đắc, núi Bảo Đại, núi Dinh và đồi Su. Ở Chi khu Hoài Đức tiểu đoàn đặc công 20 đánh vào trung tâm diệt một số tên, giải phóng nông thôn xung quanh.
Người cựu binh nhớ lại, năm 1974, sau khi bình định cấp tốc xong các thôn ấp, địch cho quân lên đỉnh núi Dinh xây dựng lô cốt chốt giữ, nhằm khống chế mọi hoạt động của quân giải phóng trên toàn khu vực. Ở một vị trí có tính chất quyết định “Bên nào chiếm được núi Dinh, bên đó sẽ chiến thắng”.
Những trận đánh giằng co chiếm chốt giữ núi Dinh diễn ra đầy ác liệt, với quân số đông gấp trăm lần, phương tiện hiện đại, quân địch ngày đêm tập kích, oanh tạc mang tính huỷ diệt, bom đạn trút xuống như mưa khiến đất đá thành cát bụi, nhưng mỗi khi quân địch tấn công lên đỉnh núi đều bị quân ta ta đánh trả quyết liệt, đẩy lùi.
![]() |
Ông Nguyễn Viết Nuôi và vợ là bà Phạm Thị Doan |
Qua 103 ngày đêm chiến đấu (từ ngày 10/12/1974 đến ngày 23/3/1975), cao điểm Núi Dinh vẫn trụ vững hiên ngang sừng sửng thách thức kẻ thù, hàng trăm tên địch bị tiêu diệt và bị thương.
Chiếm giữ và làm chủ núi Dinh đã góp phần đặc biệt vào chiến thắng vẻ vang giải phóng Hoài Đức - Đức Linh ngày 23/3/1975 và giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước.
Ông Nuôi kể tiếp, bên cạnh đó, ở hướng thứ yếu là Tánh Linh: 2 giờ 35 phút ngày 10/ 12/1974, đặc công 200C nổ mìn mở màn trận đánh, tiếp theo các hỏa lực, súng cối, đại liên đánh dồn dập vào trung tâm chế áp các lô cốt, hỏa điểm. Ta làm chủ khu A bộ binh, diệt hoàn toàn C878. Quét sạch địch ở khu B chiếm 2 pháo 105 còn nguyên vẹn.
Cùng lúc này tại đồn Đồi Giang, một cao điểm lợi hại, cùng với cao điểm LỒ Ồ che chắn hai hướng Bắc - Nam cho Chi khu cũng bị quân ta tấn công tiêu diệt. Các đồn bốt dân vệ ở các phân Chi khu Huy Lễ, Xã Dú, Quan Hà cũng bị ta tiêu diệt. Đến ngày 17/12/1974, ta hoàn toàn làm chủ xã Gia An và các ấp chiến lược trên địa bàn.
Sau 14 ngày chiến đấu liên tục, 23 giờ đêm 23/12/1974, quân ta tập trung lực lượng tấn công Chi khu Tánh Linh, trận đánh diễn ra ác liệt.
Rạng sáng 24/12/1974, ông Nuôi cùng đồng đội phối hợp với các đơn vị tạo thành nhiều mũi tấn công đã tiêu diệt địch chiếm lĩnh Chi khu, các lực lượng còn lại tấn công bên ngoài ở các ấp Quan Hà, Xã Dú, Ấp Chăm, Nùng, diệt và bắt nhiều tù binh. Đến 23 giờ đêm 24/12/1974 tất cả bọn tàn quân tháo chạy về hướng đường 1, nhưng đã bị ta chặn bắt. Sáng ngày 25/12/1974 huyện Tánh Linh hoàn toàn giải phóng không còn bóng dáng quân thù.
Tiếp đó, sau khi giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Tuy, ông cùng đồng đội được giao nhiệm vụ đặt đài quan sát đảm bảo an toàn cho Trung đoàn 82, tại núi Dầu Giây, đồng thời chốt giữ, cầm chân quân địch để Quân đoàn 2 tiến công vào giải phóng Xuân Lộc, mở đường cho thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
“Ngày 30/4/1975, khi cùng đơn vị đang chốt giữ tại núi Dầu Giây, chúng tôi nhận được thông tin Dinh Độc Lập đã hoàn toàn bị khống chế, cờ giải phóng đã tung bay trên nóc cơ quan đầu não của ngụy quyền Sài Gòn, lúc đó ai cũng rưng rưng, vui mừng khôn xiết, bởi chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, kết thúc những năm tháng kháng chiến vẻ vang và oanh liệt của dân tộc”, Cựu chiến binh Nguyễn Viết Nuôi bồi hồi kể lại.
![]() |
Ông Nguyễn Viết Nuôi, Chủ tịch Hội NCT xã Kỳ Khang |
Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ông về công tác tại Đại đội trinh sát, Phòng tham mưu Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Thuận Hải, đến năm 1979 đi học tại Trường Sỹ quan lục quân. Sau đó, ông tham gia công tác giảng dạy tại Trường Quân chính Quân khu V rồi tiếp tục thực hiện nghĩa vụ quốc tế, tham gia giảng dạy tại Trường Quân chính Mặt trận 579 đóng tại Campuchia. Sau hơn 5 năm giảng dạy, phục vụ chiến đấu tại Campuchia, đến năm 1994 ông về nghỉ hưu.
Năm 1995, ông trở về địa phương xây dựng gia đình và tiếp tục đóng góp sức mình tham gia xây dựng quê hương, trải qua nhiều công việc như Bí thư chi bộ thôn, Chủ tịch Hội CCB xã và hiện là Chủ tịch Hội NCT xã Kỳ Khang.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Chủ tịch Hội NCT huyện Kỳ Anh cho biết: Ông Nguyễn Viết Nuôi là cựu chiến binh, hiện là Chủ tịch Hội NCT xã Kỳ Khang, đây là một địa bàn rộng, đông dân cư nhưng với sự năng nổ, nhiệt tình với công việc mà ông Nuôi luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Ông Nuôi hàng năm đều được tặng thưởng các giấy khen, bằng khen của huyện Kỳ Anh và Hội NCT huyện.
Chiến tranh đã lùi xa 50 năm nhưng những ký ức về một thời đạn bom máu lửa đầy gian khổ nhưng rất đỗi tự hào vẫn còn in đậm trong tâm khảm cựu binh Nguyễn Viết Nuôi. Chiến dịch giải phóng Hoài Đức - Tánh Linh và Đại thắng mùa Xuân 1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc cũng như trong cuộc đời của những người cựu chiến binh anh hùng.