Hơn 40.000 ca tử vong mỗi năm do rượu bia
Y tế 07/07/2022 16:05
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tập huấn cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức HealthBridge tổ chức trong 2 ngày 5-6/7, tại Ninh Bình.
Ảnh minh hoạ |
Tiến sỹ Trần Quốc Bảo, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, số ca tử vong do rượu bia khi tổng kết lại với con số khá lớn. Sử dụng rượu bia đã và đang gây nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội.
Thống kê gần đây nhất cho thấy, mỗi năm có khoảng hơn 548.000 trường hợp tử vong do ung thư, bệnh tim mạch, tâm thần, tiêu hóa, nhiễm trùng và do một số bệnh khác. Trong đó ước lượng có khoảng hơn 40.800 ca tử vong liên quan đến bia rượu (chiếm tỷ lệ 7.5%).
Theo Tiến sỹ Bảo, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. Rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 2 trong 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, rượu bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33.7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Sử dụng rượu bia cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng bất bình đẳng giới và bất bình đẳng kinh tế xã hội, thách thức các nỗ lực giảm nghèo bền vững.
Theo Điều tra yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2021, tỷ lệ nam giới Việt Nam uống rượu bia rất cao. Thống kê chỉ ra, năm 2021 có tới 64% nam giới và 10% nữ giới hiện có uống rượu bia 30 ngày qua. Đáng lưu ý, tỷ lệ uống ở mức nguy hại đều tăng cao qua các năm, nhất là ở nam giới. Cứ 3 nam giới thì có 1 người uống ở mức nguy hại.
Tỷ lệ sử dụng rượu bia ở thanh thiếu niên nam giảm nhẹ nhưng tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nữ lại tăng. Theo điều tra sức khỏe học sinh trường học 2019, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nam trẻ vị thành niên (13-17 tuổi) là 24.6%, giảm so với 33.2% năm 2013 và ở nữ là 20%, tăng so với 17.6% năm 2013. Trong số đó, tỷ lệ đã từng uống say ở cả vị thành niên nam và nữ đều ở mức cao với 22.1% ở nam và 19.3% ở nữ.
Sử dụng rượu bia ở Việt Nam đang gia tăng ở mức báo động, đặc biệt là ở giới trẻ và được thể hiện ở 3 tiêu chí: mức tiêu thụ bình quân/đầu người quy đổi ra lượng cồn nguyên chất, tỷ lệ sử dụng rượu bia ở cả hai giới, sử dụng ở mức nguy hại đều ở mức cao.
Thạc sỹ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay, mức tiêu thụ rượu bia đang tăng nhanh tại Việt Nam. Mức tiêu thụ rượu bia tính theo lít cồn nguyên chất bình quân đầu người (trên 15 tuổi) mỗi năm tại Việt Nam là 8.3 lít, tương đương với 170 lít bia mỗi năm.
Việt Nam xếp thứ 2 trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Tình trạng uống quá độ đến mức nguy hại cũng đang rất phổ biến ở người trưởng thành Việt Nam: 44.2% nam giới, 2015; tăng gần gấp 2 lần so với năm 2010 (25.1%).
Theo Thạc sỹ Nguyễn Tuấn Lâm, hiện nay thuế rượu bia tại Việt Nam vẫn đang ở mức thấp. Theo tính toán tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 30%, trong khi đó, ở nhiều nước thuế rượu bia chiếm khoảng 40-85% giá bán lẻ.
WHO đã khuyến cáo, chính sách thuế là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tác hại của rượu bia, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do rượu bia gây ra.
Khi giá của rượu bia tăng lên, lượng tiêu thụ và tác hại cũng sẽ giảm. Ngay cả những người uống nhiều hoặc lệ thuộc vào rượu bia cũng sẽ giảm lượng uống khi giá tăng lên.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia để có thể giảm tiêu thụ rượu bia hoặc ít nhất giữ sức mua rượu bia không gia tăng.
Bên cạnh đó, cũng nên bổ sung thêm thuế tuyệt đối và chuyển sang cơ chế thuế hỗn hợp để có thể hạn chế các điểm yếu của thuế tỷ lệ như vấn đề chuyển giá và chuyển dịch tiêu dùng giữa các loại sản phẩm.
Một góc độ khác, Tiến sỹ Trần Quốc Bảo đưa ra thông tin đó là nghiên cứu ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình cho thấy, hạn chế quảng cáo tiếp thị rượu bia, đặc biệt là bia, làm giảm được tổng lượng uống và lượng uống trung bình thường xuyên.
Nghiên cứu ở 17 quốc gia với thời gian theo dõi trong 13 năm cho thấy, so với các quốc gia không áp dụng cấm quảng cáo rượu bia trên đài phát thanh và truyền hình, tỷ lệ tiêu thụ rượu bia ở quốc gia cấm các hình thức quảng cáo này thấp hơn 11% và tỷ lệ tai nạn giao thông cũng thấp hơn 23%.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp uống rượu, bia vẫn lái xe Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Phạm Bình Minh vừa ký Công điện 488/CĐ-TTg ngày 3/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấp ... |
Đề thi hóa "quảng cáo" rượu làng Vân gây xôn xao dư luận Đề thi môn hóa lớp 9, học kỳ 2 năm học 2021 - 2022, được tổ chức ngày 11/5 của Trường THCS Long Bình Tân ... |
Thủ tướng chỉ thị tăng cường phòng, chống tác hại của rượu, bia Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của ... |