Đẩy mạnh chương trình giảm nghèo ở huyện vùng cao xứ Thanh
Đời sống 22/04/2024 09:18
Lang Chánh là một huyện miền núi, nằm ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Theo thống kê, năm 2023 toàn huyện có 11.660 hộ dân, trong đó hơn 2.200 hộ nghèo và hơn 3.700 hộ cận nghèo. Thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Lang Chánh đã ban hành Quyết định số 313-QĐ/HU ngày 12/9/2022 về thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025. UBND huyện xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, với các chỉ tiêu, mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, chú trọng triển khai các dự án, tiểu dự án phù hợp với điều kiện của từng địa phương nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mỗi vùng.
Chị Phạm Thị Chinh đang chăm sóc dê. |
Theo báo cáo của UBND huyện, đến nay toàn huyện đã quyết liệt triển khai các dự án thuộc Chương trình. Riêng Dự án 2 đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đã triển khai thực hiện tổng cộng 30 dự án. Trong đó, có 3 dự án chăn nuôi dê, 25 dự án chăn nuôi trâu, bò. Hai dự án còn lại gồm dự án trồng cây Cát Sâm và dự án chăn nuôi lợn. Tiến độ giải ngân vốn Trung ương năm 2022 và 2023 đạt 100%. Toàn huyện có 805 hộ tham gia vào các dự án, với 422 hộ nghèo; 362 hộ cận nghèo và 21 hộ còn lại tham gia dự án đã thoát nghèo.
Dẫn chúng tôi tham quan các mô hình giảm nghèo, ông Lê Hồng Công, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Chiềng Nang, xã Giao An, huyện Lang Chánh cho biết: Toàn thôn có 72 hộ tham gia dự án chăn nuôi dê, 45 hộ tham gia dự án chăn nuôi lợn và 2 hộ dân tham gia dự án chăn nuôi bò. Ngoài tổ chức tập huấn về cách chăm sóc gia súc, gia cầm, cán bộ thôn có trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ người dân khi cần. Đối với dự án chăn nuôi dê và lợn, bước đầu cho kết quả khả quan, con giống thích nghi tốt với điều kiện tại địa phương. Riêng dự án chăn nuôi bò còn gặp nhiều khó khăn, do phụ thuộc vào điều kiện chăm sóc của từng gia đình.
Gia đình chị Phạm Thị Chinh, 34 tuổi, ở thôn Chiềng Nang nhận 2 con dê giống hồi tháng 11/2023 đến nay 1 con đã sinh con. Chị Chinh cho biết: “Dê mẹ đẻ đúng mùng 1 Tết năm Giáp Thìn, vợ chồng tôi rất phấn khởi”. Gia đình chị Chinh thuộc hộ nghèo, các con còn nhỏ. Khi được nhận hỗ trợ từ dự án, gia đình chọn nuôi dê vì đất đai rộng rãi, nguồn thức ăn sẵn có, thuận tiện cho việc chăm sóc. Hiện gia đình chị tính mua thêm dê đực giống để nhân đàn, cải thiện kinh tế gia đình.
Cùng thôn Chiềng Nang, gia đình chị Lê Thị Nguy, 37 tuổi, cũng dự định xây thêm chuồng để nuôi lợn sinh sản. Chị Nguy cho biết, gia đình nhận 2 con lợn giống từ Dự án dịp cuối năm 2023, sau gần 4 tháng chăm sóc, lợn đã phối giống cách đây ít ngày. “Vợ chồng tôi dự định xây thêm 2 chuồng nữa chờ lợn giống sinh sản để nhân đàn”, chị Nguy phấn khởi nói.
Bà Trịnh Thị Thủy, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Lang Chánh cho biết: Đối với Dự án 2 đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đang triển khai tốt theo kế hoạch. Trong đó, tập trung vào các dự án nuôi trâu, bò, dê, lợn cỏ bản địa và vịt Cổ Lũng. Bước đầu, dự án nuôi dê đã cho sinh sản, với dự án nuôi lợn cỏ hiện nhiều gia đình đã cho phối giống.
Theo bà Thủy, với những hộ gia đình ít nhân khẩu, sống neo đơn hoặc hết độ tuổi lao động, địa phương xem xét nguyện vọng, điều kiện hoàn cảnh nhằm lựa chọn con giống phù hợp. Thời gian tới, Phòng LĐ-TB&XH huyện tiếp tục phối hợp với các cơ sở để tăng cường kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho bà con.