Đất làm nhà ở từ những năm 80 thế kỉ trước, chính quyền vẫn cho rằng không đủ điều kiện công nhận đất ở!?
Pháp luật - Bạn đọc 09/06/2022 18:36
Việc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thủy Nguyên lập các phương án bồi thường, hỗ trợ, xác định như nêu trên, vừa sai sự thật, vừa trái pháp luật. Gia đình cụ Lê Văn Huế, ông Lê Thanh Tưởng khẳng định, gia đình họ trước đây làm nghề vận tải, đánh bắt cá trên sông Cấm, thuộc khu vực bến Bính. Khoảng trước năm 1970, nghe theo vận động của chính quyền, gia đình họ cùng những gia đình khác xung quanh lên đất liền khai hoang đất làm nhà ở ổn định. Việc này có xác nhận của cán bộ cảnh sát khu vực tiểu khu ven sông thời điểm năm 1970, giấy khai sinh của các con cụ Lê Văn Huế làm bằng chứng.
Một đoạn đường thôn Bến Bính B, dân đã làm nhà ở ổn định mấy chục năm |
Ông Tưởng cho biết: “Cơ quan Công an xã Tân Dương có lưu trữ tài liệu xác nhận nhân khẩu, hộ khẩu của gia đình tôi đã sinh sống tại khu vực đê ngang, thôn Bến Bính từ thời điểm năm 1970 (thậm chí từ trước năm 1970). Đây là chứng cứ thể hiện rõ nguồn gốc sử dụng đất và thời điểm sinh sống của gia đình tôi”. Theo ông Tưởng, thực tế thửa đất của gia đình cụ Lê Văn Huế khoảng 1.956,2m2, cụ Huế chia cho các con, trong đó cụ Huế sử dụng 506,9m2, gia đình ông Tưởng được chia 319,4m2. Thế nhưng trong phương án bồi thường, hỗ trợ chỉ xác định cụ Huế bị thu hồi 200m2, ông Tưởng bị thu hồi 182m2. Như vậy là không đúng thực tế, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình cụ Lê Văn Huế, ông Lê Thanh Tưởng. Các gia đình khác không nhớ rõ thời điểm lên bờ khai phá đất đai làm nhà ở, nhưng họ mang máng vào những năm 80 của thế kỉ trước. Tuy nhiên, căn cứ vào xác định của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thủy Nguyên, một số hộ được cho là làm nhà ở từ năm 1984, theo quy định của pháp luật về đất đai, cũng thừa đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất.
Căn nhà cụ Vũ Thị Tép |
Khoản 4, Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này, nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993, nay được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp… thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất”. Điều này đồng nghĩa với việc được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất.
Dự án này thực hiện vào thời điểm Luật Đất đai năm 2013 đang có hiệu lực pháp luật, nên phải áp dụng luật này. Khoản 2, Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 1/7/2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp… thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.
Quy định của pháp luật về đất đai rõ ràng như vậy, có nghĩa cả những hộ làm nhà ở năm 1984, cả những hộ làm nhà ở từ sau 15/10/1993 đến trước ngày 1/7/2004 đều đủ điều kiện được bồi thường 100% đất ở. Thế nhưng, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thủy Nguyên lại viện dẫn “Theo trích lục nguồn gốc sử dụng đất, do Văn phòng Đăng kí đất đai chi nhánh Thủy Nguyên và UBND xã Tân Dương xác định, được Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định”, để kết luận đất của dân không đủ điều kiện công nhận đất ở, quả là sai sự thật và trái pháp luật. Không hiểu Văn phòng Đăng kí đất đai chi nhánh Thủy Nguyên, UBND xã Tân Dương, Phòng Tài nguyên và Môi trường và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thủy Nguyên căn cứ luật nào, để kết luận đất của dân không đủ điều kiện và không bồi thường cho dân?
Gia đình cụ Vũ Thị Tép đang trình bày sự việc với phóng viên |
Từ xác định sai nguồn gốc sử dụng đất, áp dụng trái pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, dẫn đến vật kiến trúc cũng chỉ được hỗ trợ bằng 70%, gây thiệt hại không nhỏ cho các hộ dân. Trong khi đó, thực tế người dân sử dụng đất, ăn ở tại nơi đây mấy chục năm, đã trở thành xóm làng mang tên “thôn Bến Bính”, mà chính quyền cơ sở không có bất cứ thông báo, văn bản nào nói dân vi phạm pháp luật về đất đai. Nhưng khi thực hiện dự án thu hồi đất thì lại quy đất của dân không đủ điều kiện, để né tránh trách nhiệm bồi thường, thật không thể chấp nhận được.
Người dân thắc mắc, công chức địa chính xã Tân Dương cùng một số cán bộ UBND huyện Thủy Nguyên lại nói rằng, đất của dân lấn chiếm đất của Xí nghiệp cơ khí Bến Bính (hay còn gọi là Xí nghiệp 202), thuộc Công ty Vận tải thủy 3. Ô hay! Nói như vậy là nói lấy được và loanh quanh, vì nếu dân lấn chiếm đất của Xí nghiệp 202, thì phải xảy ra tranh chấp. Thậm chí Xí nghiệp 202 còn có quyền kiện dân để đòi lại đất chứ. Thực tế thì không hề có chuyện người dân nơi đây lấn chiếm đất của Xí nghiệp 202. Người dân cho biết, hiện Xí nghiệp 202 đang sử dụng 10.000m2 đất, phần còn lại đang chồng chéo, tranh chấp với Nhà máy X46 Bộ Tư lệnh Hải quân. Lãnh đạo Xí nghiệp 202 cũng khẳng định rằng, không hề có tranh chấp gì với các hộ dân.
Đơn của, ông Lê Thanh Tưởng viết: “Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các hộ dân, tôi làm đơn này kính đề nghị Quý cơ quan xem xét, chỉ đạo xác minh, điều tra, thanh tra, kiểm tra việc Trung tâm Phát triển quỹ đất, UBND huyện Thủy Nguyên có dấu hiệu vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, để thực hiện Dự án Xây dựng hạ tầng kĩ thuật khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, tại xã Tân Dương…”.
Đề nghị UBND huyện Thủy Nguyên nên xem xét lại việc lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ dân, tránh gây thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân.
Lấy cớ đất “vi phạm hành lang bảo vệ đê”, để cắt bồi thường về đất của dân!? Gia đình bà Nguyễn Thị Mến có thửa đất tại thôn 5, xã Tân Dương, do gia đình khai hoang, làm nhà ở đã mấy ... |