Chuyện về bài hát linh cảm giã biệt trần thế của nhạc sĩ Trần Hoàn
Đời sống 03/09/2024 12:14
Trung tuần tháng 6/2003, sáu tỉnh Bắc miền Trung, gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có cuộc hội thảo và giao lưu giữa các tạp chí văn nghệ, do Tạp chí Nhật Lệ (Quảng Bình) đăng cai tổ chức tại Đồng Hới. Nhạc sĩ Trần Hoàn cùng nhà thơ Phạm Tiến Duật đã vào tham dự cuộc hội thảo và giao lưu này. Lúc này, nhạc sĩ Trần Hoàn đang là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nhưng Đảng và Nhà nước lại giao thêm cho ông một trọng trách mới, đó là Chủ tịch Hội đồng cố vấn về nghi lễ cho SEA GAMES 22. Bận rộn với bao công việc, nhưng ông đã sắp xếp để có chuyến đi. Đồng Hới - Quảng Bình, mảnh đất ông đã từng sống, làm việc trong hai cuộc chiến tranh, giờ đây lại càng đong đầy kỉ niệm khó quên trong cuộc đời ông.
“Chiều đó, tôi đang làm việc ở văn phòng trong khuôn viên cây đa chùa Ông, sát đường Thanh Niên của Đồng Hới thì nhạc sĩ Trần Hoàn bước vào. Ông đã bách bộ hơn 1,5km từ khách sạn Hữu Nghị sát bờ sông Nhật Lệ đến đây để gặp tôi. Các lần trước, gặp và đã tập cho tôi các bài hát “Nhớ về Đồng Hới”, “Đường lên Quy Đạt”, “Đêm sông Gianh”… mà mình vừa sáng tác, nhạc sĩ Trần Hoàn đều hẹn bằng điện thoại, hoặc nhờ các đồng chí lãnh đạo tỉnh truyền đạt. Thế mà lần này, nhạc sĩ thân chinh tìm đến. Điều đó khiến tôi vô cùng xúc động và ngạc nhiên. Nhạc sĩ đã tập cho tôi một bài mới viết của mình, có nội dung không gắn gì với một miền quê hay sự kiện đang diễn ra ở đây như thường khi, mà là một bài ca tâm sự từ cõi lòng. Bài hát có nhan đề “Chầm chậm”, phổ thơ của tác giả có tên là Kim Như Yến”, ca sĩ Nam Vĩnh nhớ lại.
Nhạc sĩ Trần Hoàn. |
Ngừng một lát, ca sĩ Nam Vĩnh kể tiếp: “Chỉ sau 15 phút, tôi đã lĩnh hội được toàn bộ giai điệu và ca từ của bài hát. Nhưng linh cảm điều gì đó không hay sẽ đến ẩn chứa trong giai điệu và ca từ của ca khúc, tôi liền hỏi: “Sao chú lại viết bài hát này? Công việc của chú khi nào cũng tất bật, vội vã, sao ở đây lại chầm chậm? E cháu không thể hát trước công chúng đâu!”.
Nghe tôi nói thế, nhạc sĩ Trần Hoàn im lặng. Bắt tay tôi, trước khi ra về, ông chỉ nói: “Cháu cứ giữ lại bài hát này, biết đâu có dịp để hát?”. Giai điệu và lời ca của bài “Chầm chậm” diễn tả sự buồn cảm, lưu luyến, tiếc nuối, đầy khát vọng sống trong một cuộc giã biệt, không trở về của một người con gái nói với người con trai sắp đi xa: “Chầm chậm nói lời giã biệt/ Chầm chầm nói lời chia li/ Để em thu vào ánh mắt/Bóng hình người sắp ra đi/ Chầm chầm nụ hôn lần cuối/ Ngọt ngào pha lẫn đắng cay/ Chầm chậm để em ghi nhận/ Dãi dầu mái tóc sương bay/ Chầm chậm rồi đi anh nhé/ Những lời tâm sự đơn côi/ Chầm chậm rồi đi anh nhé/ Chầm chậm nghe anh, anh ơi”.
Kim Như Yến là ai, cho đến bây giờ tôi vẫn chưa xác định được địa chỉ.
Ngày 23/11/2003, chỉ còn mấy ngày nữa là Đại hội TDTT Đông Nam Á lần thứ 22 sẽ diễn ra. Và bài hát chào mừng Đại hội do nhạc sĩ Trần Hoàn viết sẽ được ngân lên ở sân vận động Mỹ Đình thì ca sĩ Nam Vĩnh bàng hoàng nhận được tin ông qua đời, trong những cố gắng vượt bậc để hoàn thành công việc, khi bệnh tim bất ngờ ập tới. Chị ép bản thảo ca khúc “Chầm chậm”, chữ viết tay của nhạc sĩ Trần Hoàn vào ngực mình mà khóc nức nở. Bài hát này là linh cảm của một cuộc giã biệt diễn ra trước đó 5 tháng mà bây giờ là sự thực. Rồi chị hát, hát một mình trước di ảnh nhạc sĩ đã kí tặng mình lúc chia tay Đồng Hới trong dòng lệ tuôn trào. Ngày 23/11/2004, Sở Văn hóa thông tin Quảng Bình tổ chức đêm nhạc Trần Hoàn, nhân ngày giỗ đầu lần ấy của nhạc sĩ. Nhạc sĩ Quách Mộng Lân, Trưởng ban tổ chức đã khéo sắp xếp ca sĩ Nam Vĩnh hát bài “Chầm chậm” vào tiết mục cuối cùng. Giọng ông rưng rưng trong dòng lệ lã chã mặt kính, khi giới thiệu sự ra đời của bài hát và người đầu tiên được hát bài đó sau khi nhạc sĩ vừa viết xong. Ca sĩ Nam Vĩnh khó khăn lắm mới bước ra sân khấu, vì chị phải lau bao lần nước mắt. Và rồi chị hát trong tiếng khóc. Cả khán phòng đều khóc theo. Đó là tiếng khóc thương luống nhớ một tài năng, một tấm lòng vì đất nước, vì cuộc sống, vì con người, trong đó có quê hương Quảng Bình, của người dân Quảng Bình đối với một nhạc sĩ tài năng đã linh cảm sự giã từ cõi trần của mình để ra đi.
Sinh thời, nhạc sĩ Trần Hoàn có rất nhiều duyên nợ với mảnh đất Quảng Bình. Và vì thế, ông đã có những khúc ca để đời viết trên mảnh đất đầy nắng gió và chiến tranh ác liệt này.
Thời kì 1946-1948, ông là Trưởng ban Văn hóa Liên khu 4. Bàn chân ông đã từng đi qua chiến khu Ba Rền, U Bò, miền Tây Bố Trạch và Tuyên Hóa của Quảng Bình. Năm 20 tuổi, ông đã có bài hát nổi tiếng không những với mình mà còn với âm nhạc thời tiền chiến Việt Nam. Đó là bài “Sơn nữ ca”: “Một đêm trong rừng vắng, tiếng chim chinh chích đậu cành, thấp thoáng bóng cô thôn nữ một mình xinh xinh… Một đêm trong rừng núi, có anh du kích nhìn trời xa xa, ngắm trăng say đắm một mình bâng khuâng”. Nhạc sĩ đã trả lời với sơn nữ: “Sơn nữ ơi, đời ta như cánh chim chiều phiêu bạt thời gian vun vút trời mây” và khuyên cô trở về: “Thời cơ đến rồi, đợi ngày ra tay”.
Sau bài “Sơn nữ ca”, bài “Lời người ra đi”, một bài ca nổi tiếng bấy giờ cũng được sáng tác ở Quảng Bình vào thời kì này. “Một chiều anh bước đi, em tiễn chân anh tận cuối đồi, nghe dặn lời, rằng kháng chiến còn trường kì, dù chiến đấu chẳng sờn lòng, không nề gian khổ... Xương còn rơi, máu còn rơi, bao lớp người tiền tuyến xông pha, giết quân thù giày xéo quân ta…” . “Em” trong lời ca chính là chị Thanh Hồng, sau này là người vợ thân yêu và chung thủy của nhạc sĩ. Anh chia tay chị Thanh Hồng (quê Nghệ Tĩnh) trở lại Quảng Bình theo đường rừng giao liên. Vào đến nơi, anh viết bài hát này gửi cho người con gái thân yêu của mình. Ban đầu, anh tập cho các chiến sĩ, cán bộ trong cơ quan. Sau, bài hát này lan tỏa đi khắp nơi, ngay cả binh lính ngụy trong hàng ngũ địch, lúc buồn tình cũng cất tiếng hát bài hát của anh.
Sau ngày đất nước giải phóng, nhạc sĩ Trần Hoàn làm Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bình Trị Thiên. Sau đó do yêu cầu, tổ chức điều ông ra làm Trưởng ban Tuyên huấn, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, rồi ông lần lượt đảm trách các chức vụ: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa -Thông tin, Phó Trưởng ban Văn hóa - Tư tưởng Trung ương, Bí thư Đảng - Đoàn, Phó rồi Chủ tịch Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên Hội đồng lí luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương. Ông cũng đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Dẫu ở chức vụ, vương vị công tác nào, trong những lần đến với Quảng Bình, ông cũng đều có những bài hát mặn mà viết về các vùng quê ở đây.
Bởi vậy, hiện nay, phần lớn các đài phát thanh của các huyện, thị, thành phố ở Quảng Bình, nhạc hiệu mở đầu là một khúc giai điệu bài hát của Trần Hoàn viết về địa phương mình. “Chầm chậm”, bài hát linh cảm cho một cuộc giã biệt đầy khát vọng sống của nhạc sĩ vừa tìm được, hẳn là một tư liệu quý bổ sung cho các trước tác của nhạc sĩ Trần Hoàn, nhất là những kỉ niệm của ông với mảnh đất Quảng Bình đầy ân tình.