|
Thông báo do Phó Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng ký, duyệt cho ông Nguyễn Văn Tròn được nhận tổng số tiền bồi thường 247,503 triệu đồng. |
Giá trị thường cao gấp 1.000 lần giá bồi thường? Ông Nguyễn Văn Tròn cho biết, nhà đất của gia đình ông nằm trong Dự án đầu tư hạ tầng cơ sở Khu đô thị mới An Phú - An Khánh do Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, quy mô 131 ha theo Quyết định số 783/QĐ-TTg ngày 13/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ.
Quyết định Thủ tướng Chính phủ ban hành cách đây đã gần tròn 20 năm nhưng mãi đến tháng 3/2015, vợ chồng ông Tròn mới nhận được Quyết định số 1095/QĐ-UBND về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận 2 (hiện nay ông Hưng đã là Chủ tịch UBND quận 2) ký ngày 23/3/2015. Theo Quyết định này, trong số 1.184,3m2 đất, Phó Chủ tịch Nguyễn Phước Hưng chỉ duyệt bồi thường cho vợ chồng ông Tròn 1.092,8m2, trừ phần đất rạch 91,5m2. Giá bồi thường được Phó Chủ tịch Nguyễn Phước Hưng áp theo Phương án bồi thường số 1518/CV.APAK ban hành ngày 27/12/1999, cách đây đã hơn 19 năm !
Vì bồi thường theo phương án của thế kỷ 20 nên giá đất được Phó Chủ tịch Nguyễn Phước Hưng áp cho vợ chồng ông Tròn là 225.000 đồng/m2, chỉ bằng giá 1 ký thịt bò! Nếu ông Tròn không nhận tiền mà chọn phương án hoán đổi đất nền thì diện tích quy đổi là 120,208m2, cũng chỉ bằng 1/10 diện tích đất bị thu hồi.
Song hành với Quyết định 1095/QĐ-UBND là thông báo số 251/TB-UBND về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để thu hồi đất cũng do Phó Chủ tịch Nguyễn Phước Hưng ký cùng ngày 23/3/2015, yêu cầu ông Tròn trong vòng 7 ngày phải nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Qua thời gian trên, nếu ông Tròn không chấp hành thì UBND quận 2 sẽ gửi tiền bồi thường vào ngân hàng.
Ông Tròn bức xúc: Cả khu đất rộng lớn chỉ được bồi thường số tiền chưa tới 246 triệu đồng! Gia đình ông đã đi khảo giá, đất mặt tiền
đường Lương Đình Của gần khu đất bị thu hồi, được chào bán với giá từ 250 triệu đến 300 triệu đồng/m2. Như vậy, tổng số tiền bồi thường cho khu đất 1.184,3m2, ông chỉ mua lại được vỏn vẹn 1 m2 mặt tiền
đường Lương Đình Của theo giá thị trường! Tệ hại hơn, trên khu đất có nhiều căn nhà với diện tích 610,1m2 nhưng không được bồi thường đồng nào. Còn một vườn cây như cau kiểng, tràm bông vàng, bình bát, trứng cá, dừa nước, sung, mít… chỉ được bồi thường hơn 1,6 triệu đồng! Cộng chung các khoản bồi thường, ông Tròn được nhận tổng số tiền là 247,503 triệu đồng
Chủ đất uất nghẹn: “Nếu thu hồi đất để làm trường học hay xây dựng các công trình vì lợi ích quốc gia, an ninh quốc phòng, tôi sẵn sàng chia sẻ. Đằng này thu hồi đất giao cho Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà TP Hồ Chí Minh, hiện nay đã được cổ phần, tư nhân chiếm giữ đến 2/3 để kinh doanh thu lợi nhuận kếch sù là không thể chấp nhận được. Tại sao UBND quận 2, cụ thể là ông Phó Chủ tịch Nguyễn Phước Hưng không đứng về phía dân, cho gia đình tôi được “dễ thở”, mà lại đứng về phía doanh nghiệp, ép dân tới cùng? Khiếu nại chính đáng của tôi không được xem xét, giải quyết; trong khi đó, ngày 16/6/2015, Phó ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 2 là ông Đỗ Quốc Doanh ký văn bản thông báo đã gửi số tiền bồi thường “bèo bọt” vào ngân hàng…”.
Cần bồi thường đúng quy định của pháp luậtLiên tục có đơn khiếu nại gửi UBND quận 2 và các cơ cơ quan chức năng, vợ chồng ông Nguyễn Văn Tròn đề nghị việc bồi thường phải tuân theo các quy định của pháp luật, không để lợi ích nhóm chi phối. Trong các văn bản gửi ông Tròn, UBND quận 2 đều căn cứ vào Quyết định số 783/QĐ-TTg ngày 13/8/1999 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng mãi đến nay mới triển khai công tác bồi thường rồi lấy giá của 20 năm trước để áp cho gia đình ông là không đúng, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị thu hồi đất.
Trước đây, Công ty Phát triển và Kinh doanh nhà TP Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ giao đất theo Quyết định số 783/QĐ-TTg ngày 13/8/1999 là doanh nghiệp Nhà nước. Đến năm 2015, doanh nghiệp này đã chuyển đổi thành công ty cổ phần, tư nhân hoá, nên đối tượng được giao đất đã bị thay đổi chủ thể. Theo quy định, chủ đầu tư phải trực tiếp thương lượng với dân, UBND quận 2 lấy Phương án bồi thường số 1518/CV.APAK ngày 27/12/1999 để áp giá, giúp doanh nghiệp thu siêu lợi nhuận là trái pháp luật.
Ông Tròn lên tiếng: Theo quy định của pháp luật, đất được Nhà nước giao cho chủ đầu tư để thực hiện dự án mà không được sử dụng trong 12 tháng thì sẽ bị thu hồi. Trong khi đó, dự án này đã kéo dài gần 20 năm, lẽ ra UBND quận 2 phải kiến nghị thu hồi, thì Phó Chủ tịch Nguyễn Phước Hưng lại đứng về phía chủ đầu tư, rồi ép dân.
Về phía Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà TP Hồ Chí Minh, được quận 2 “thương” nên cũng o ép dân. Tại buổi làm việc ngày 9/12/2016, bà Nguyễn Song Đoan Trang, Phó Tổng giám đốc công ty, đưa ra phương cách giải quyết về “hoán đổi đất”. Theo bà Trang, ông Tròn được 120,2m2 đất hoán đổi; Công ty sẽ bố trí 2 nền tái định cư 180m2 , mỗi nền 90m2 mặt tiền đường Lương Đình Của. Với gần 60m2 đất dôi ra, bà Trang yêu cầu ông Tròn phải lại cho công ty với giá 45 triệu đồng/m2, thành tiền 2,7 tỉ đồng.
Ông Tròn phản ứng gay gắt:“Khu đất của gia đình tôi đang sử dụng là 1.184,3m2 nhưng bà Trang duyệt cho hoán đổi được 180m2, giống như “bố thí”, rồi buộc tôi phải trả cho công ty 2,7 tỉ đồng. Sao lại có chuyện ngược đời, kì khôi như thế này: Bồi thường đất giá 225.000 đồng, bắt mua lại giá 45 triệu đồng, cao gấp 200 lần giá bồi thường?”.
Hoán đổi đất không thành, ngày 22/6/2017, ông Trần Cảnh Phong, Phó ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 2, ký bảng chiết tính mới, bồi thường đất cho ông Tròn với số tiền 320 triệu đồng, tăng hơn 70 triệu so với bảng bảng chiết tính cũ. Nếu không nhận tiền thì ông Tròn được hoán đổi 178,2m2 nền đất, tăng 58m2, tức là ông Trong không phải trả thêm 2,7 tỉ đồng cho chủ đầu tư như lần trước.
Ngày 18/7/2017, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà là ông Đinh Trường Chinh, ký văn bản duyệt “hỗ trợ ngoài phương án” cho gia đình ông Tròn với số tiền hơn 12,33 tỉ đồng. Ông Đinh Trường Chinh ra điều kiện: Ông Tròn phải nhận hoàn toàn bằng tiền; nếu chọn phương thức hoán đổi nền đất thì không được “hỗ trợ ngoài phương án” số tiền trên.
Ngày 24/7/2017, Phó Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Nghĩa Hiệp ký Quyết định số 4395/QĐ-UBND, duyệt cho gia đình ông Tròn được nhận tiền theo bảng chiết tính ngày 22/6/2017. Chủ đất không đồng ý, tiếp tục khiếu nại Quyết định số 4395/QĐ-UBND. Được Thanh tra quận 2 mời đối thoại ngày 17/11/2017, ông Tròn trình bày bức xúc cũng như nêu rõ ý kiến của mình. Chánh Thanh tra quận 2 ghi nhận và cho biết sẽ trình UBND quận xem xét, giải quyết.
Ông Tròn tin tưởng chờ đợi, nào ngờ ngày 30/3/2018, Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng ký Quyết định số 708/QĐ-UBND cưỡng chế thu hồi đất của ông Tròn. Thời gian thực hiện cưỡng chế được Chủ tịch Nguyễn Phước Hưng đưa ra từ ngày 02/5/2018 đến ngày 31/8/2018. Ngày 12/10/2018, Chủ tịch Nguyễn Phước Hưng ký Quyết định số 4989/QĐ-UBND, điều chỉnh thời gian cưỡng chế thu hồi đất của ông Tròn từ 01/11/2018 đến 28/02/2019.
Đến nay, việc cưỡng chế thu hồi đất vẫn chưa thực hiện do khiếu nại gay gắt của chủ đất. Chúng tôi nhận thấy, khiếu nại của vợ chồng ông Tròn là chính đáng, có căn cứ. UBND quận 2 cần xem xét, giải quyết thấu lý, đạt tình trước khi ra lệnh cưỡng chế nhằm tránh xảy ra hậu quả khó khắc phục, gây bức xúc không đáng có trong dư luận xã hội.
|
Ông Nguyễn Văn Tròn trước khu nhà đất sắp bị cưỡng chế thu hồi, giao cho doanh nghiệp |
Diễn tiến của vụ việc cho thấy, phương án tốt nhất là Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh nhà phải thương lượng với gia đình ông Tròn bằng sự thiện chí. Lãnh đạo UBND quận 2 luôn thể hiện sự công tâm, khách quan, không nên can thiệp quá sâu mà phải tạo mọi điều kiện để hai bên có tiếng nói chung, đảm bảo quyền lợi hài hoà giữa các bên; không để người dân bị thu hồi đất chịu quá nhiều thiệt hại, trong khi chủ đầu tư thì thu siêu lợi nhuận…
Nhóm PVPL