Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đền Hùng
Văn hóa - Thể thao 16/04/2024 14:58
Ngày 19/9/1954, trên đường về tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn Đền Hùng làm nơi gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong - Sư đoàn 308, căn dặn về nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. Cuộc gặp mặt của lãnh tụ Hồ Chí Minh với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong không phải là sự tình cờ, mà là chủ đích của Người. Lần đầu tiên, cả chặng đường dài mấy nghìn năm của lịch sử dân tộc, được Người tổng kết trong một câu nói lịch sử nổi tiếng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với cán bộ Đại đoàn Quân Tiên phong tại Đền Hùng. |
Trong thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nhiệm vụ lịch sử và nhiệm vụ cách mạng của dân tộc là dựng nước và giữ nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định thời đại Hùng Vương là thời kì lịch sử có thật của dân tộc; các Vua Hùng là người đã khai sinh ra đất nước Việt Nam. Sự khẳng định quy luật dựng nước và giữ nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền Hùng không những có ý nghĩa giáo dục lớn, mà còn là sự quan tâm và ý thức tôn vinh Tổ tiên - các Vua Hùng - của người đứng đầu Nhà nước thời hiện tại. Sự nghiệp cách mạng rất đỗi vẻ vang nhưng còn nhiều gian khổ, đòi hỏi những hi sinh vô cùng to lớn, niềm tự hào vững chắc về Tổ tiên dựng nước là nguồn cổ vũ hết sức lớn lao của Nhân dân cả nước. Chọn Đền Hùng để khẳng định nhiệm vụ của Cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tôn vinh Đền Hùng lên một tầm cao mới của lịch sử.
Trong lời nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “các Vua Hùng đã có công dựng nước”, Người đã viện dẫn đến những con người có thật trong buổi đầu của lịch sử dân tộc, đồng thời cũng là một biểu tượng cao quý mà các thế hệ con cháu người Việt Nam đời này qua đời khác tôn thờ. Nói về các Vua Hùng ngay tại nơi thiêng liêng mà bao đời người Việt trở về trong tâm thức cũng như trong đời sống thường nhật - Đền Hùng - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi gợi cho chúng ta ý thức dân tộc, ý thức cội nguồn. Trên thế giới không có một dân tộc nào lại không có bề dày lịch sử của dân tộc mình, điều đó quyết định sức sống, sự thống nhất và phát triển của mỗi một dân tộc. Dân tộc Việt Nam đã trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Hôm nay tất yếu của sự phát triển là nhiệm vụ tiếp tục dựng nước và giữ nước của các thế hệ con cháu người Việt Nam. “Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Ngày 19/8/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đến thăm Đền Hùng. Trong hồ sơ Di tích lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng có ghi lời dặn của Người khi lên tới đỉnh núi Hùng: Đã đi là phải tới đích, leo núi là phải lên đến đỉnh, cũng như người làm cách mạng không được bỏ dở chừng. Người còn dặn phải trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng trở thành một công viên lịch sử cho con cháu sau này đến thăm viếng.
Cả hai lần Người về Đền Hùng, cả hai lần Người đều lên đến đỉnh cao mà ngày xưa Tổ tiên của người Việt Nam từng mơ ước cầu Trời cho mưa thuận gió hòa, an dân hạnh phúc.
Điểm lại sự kiện hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Đền Hùng thêm khẳng định truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả không quên ơn người trồng cây” của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đền Hùng, khẳng định: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước”, chính là để ca ngợi sự cố gắng quyết tâm dựng nước và giữ nước trong thời đại mới, từ đó khơi dậy những tình cảm thiêng liêng của dân tộc, để từ truyền thống lịch sử tạo ra những điều bất diệt, tạo nên sức mạnh và nguồn sinh lực mới cho cuộc sống, để dân tộc hoàn thành nhiệm vụ của cách mạng, đi đến đích của mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong lịch sử hiện đại, bắt đầu bằng ý chí và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã hướng đạo cho chúng ta quan tâm xây dựng tôn tạo Khu di tích lịch sử Đền Hùng ở tầm cao của thời đại mới. Tại kì họp thứ 11 của Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động, cho phép người lao động cả nước được nghỉ ngày 10/3 âm lịch. Đó là điều kiện tốt để đồng bào cả nước về thăm viếng Đền Hùng, dự Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tri ân công đức của Tổ tiên, tạo động lực tinh thần yêu nước, gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân.
Khu di tích lịch sử Đền Hùng trong thời hiện tại, không chỉ gắn với các Vua Hùng - Tổ tiên của dân tộc Việt Nam, mà còn gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người con ưu tú nhất của dân tộc, người thầy vĩ đại nhất của Cách mạng Việt Nam, những tiền nhân có công dựng nước và giữ nước.