Chiến lược phát triển và những tụt hậu cần nhận biết để bứt phá
Nghiên cứu - Trao đổi 19/10/2022 10:03
Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng và có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài. |
Theo Chiến lược đó, mục tiêu về kinh tế, tốc độ tăng trưởng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm, GDP đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD/người/năm; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP; kinh tế số đạt khoảng 30% GDP; tỉ lệ đô thị hoá đạt trên 50%; tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 30-35% GDP; nợ công không quá 60% GDP; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm; giảm tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP ở mức 1-1,5%/năm. Về xã hội, chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,74; tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ 35-40%, tỉ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống 20%. Về môi trường, tỉ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%, tỉ lệ xử lí và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%, giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính…
Để đạt các chỉ tiêu về kinh tế-xã hội trên đây, trước hết tập trung quyết liệt vào 3 khâu đột phá chiến lược: Thứ nhất, hoàn thiện đồng bộ thể chế pháp luật, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lí và các lĩnh vực then chốt; Thứ ba, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông (như đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành…), tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Theo nhận định của một số tổ chức quốc tế và Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2022 Việt Nam là quốc gia sẽ đạt tăng trưởng 7,5-8% (GDP) và tỉ lệ lạm phát vào loại thấp nhất, du lịch cũng tăng trưởng nhất trong các quốc gia (50-75%). Trong đại dịch Covid-19 Việt Nam là quốc gia duy nhất khối ASEAN thăng hạng…
Tuy nhiên, nước ta về dân số xấp xỉ 100 triệu dân, đứng thứ 3 ASEAN và thứ 13 trên thế giới nhưng GDP năm 2021 mới đạt 360 tỉ USD, đứng thứ 5 khu vực Đông Nam Á, sau các nước Indonesia (1.099,11 tỉ USD), Thái Lan (509,74 tỉ USD), Philippine (381,73 USD), Singapore (364,46 tỉ USD) và đứng thứ 17 trong số 40 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.
Để quốc gia khởi nghiệp thắng lợi, đạt những mục tiêu, chỉ tiêu Đảng đề ra, Nhà nước kiến tạo phải bứt phá, đất nước phải cất cánh để đẩy lùi “nguy cơ tụt hậu” mà Nghị quyết Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kì khoá VII (năm 1994) đã xác định là một trong 4 nguy cơ. Trên thực tế, chúng ta đang tụt hậu nhiều lĩnh vực cả về kinh tế và xã hội.
Còn nhớ, đầu những năm 60 thế kỉ trước, nhà thơ Tố Hữu lạc quan thốt lên đất nước ta “đỉnh cao muôn trượng”. Thời điểm ấy, các quốc gia, vùng lành thổ Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, về kinh tế - xã hội giống nước ta. Vậy mà ngày nay họ có nền kinh tế phát triển gấp chúng ta nhiều lần, thậm chí hàng chục lần như các “con rồng” Đông Á: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc). Đương nhiên, chúng ta bị chiến tranh kìm hãm nhưng chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỉ, trong khi tiềm năng, lợi thế về địa lí, tài nguyên, khoáng sản, nguồn lực lao động, truyền thống dân tộc… hơn hẳn nhiều nước.
Con người Việt Nam không kém nhiều dân tộc trong khu vực và thế giới về cần cù lao động, tài năng, trí thông minh nhưng năng suất lao động rất thấp: Tụt hậu 60 năm so với Nhật Bản, 40 năm so với Malaysia, 10 năm so với Thái Lan,… Năm 2020, năng suất lao động của nước ta chỉ bằng 7,3% Singapore, 19% Malaysia, 37% của Thái Lan, 44,8% của Indonesia, 10.3% của Brunei; 63,3% của Philippine. Nếu so với năng suất lao động của Hàn Quốc, thì còn thấp nữa.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam xếp 103/141 quốc gia về kĩ năng của lực lượng lao động hiện tại. Năng suất lao động thấp do trình độ học vấn thấp (61,2% lao động mới tốt nghiệp THCS), chỉ có 38,8% lao động tốt nghiệp THPT, người có tay nghề. Năng suất lao động thấp còn do trình độ quản lí và khả năng cơ giới hoá. Nước ta có hàng trăm nghìn lao động ở nước ngoài, song chỉ là những người làm thuê chứ không có ai làm quản lí, chuyên gia. Trong khi đó, người Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đến Việt Nam chỉ làm chuyên gia và quản trị doanh nghiệp. Cho nên, việc nâng cao kĩ năng, năng lực cho người lao động, tạo cho họ tham gia vào chuỗi cung ứng nguồn nhân lực toàn cầu là vấn đề cấp bách, đòi hỏi những đột phá trong hệ thống nguồn nhân lực hiện nay.