Quy hoạch tổng thể Quốc gia: Cần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân
Sự kiện 07/01/2023 11:24
Định hướng để phát triển đúng và trúng
Sáng ngày 6/1, góp ý kiến vào dự án Quy hoạch tổng thể Quốc Gia (thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050), đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, Quy hoạch tổng thể quốc gia là việc làm chưa có tiền lệ nên chưa có kinh nghiệm xây dựng, không phải việc làm phổ biến, vì đa số các quốc gia trên thế giới chỉ có định hướng về mục tiêu dài hạn. Do đó cần thảo luận kỹ lưỡng, quyết định thận trọng để tránh việc đặt ra mục tiêu, giới hạn thời gian nhưng lại không đạt được.
Ông Lại Thế Nguyên, Trưởng đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Thanh Hóa chủ trì phiên thảo luận tại tổ 11 ngày 6/1 |
Trong Luật Quốc tế, quốc gia có bốn yếu tố cấu thành gồm dấu hiệu lãnh thổ, dấu hiệu chính quyền, dấu hiệu dân cư và sinh sống liên tục, năng lực tham gia quan hệ quốc tế. Quy hoạch tổng thể quốc gia phải đề cập đến bốn yếu tố trên. Tuy nhiên, trong tên gọi lại xác định chủ yếu về kinh tế - xã hội, đây chỉ là một khía cạnh trong khái niệm quốc gia. Do đó, cần phải cân nhắc chính xác về khái niệm để có nền tảng về nhận thức cũng như chính trị, pháp lý, đại biểu Lê Thanh Vân nêu rõ.
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) góp ý kiến vào Quy hoạch Tổng thể Quốc gia |
Theo đại biểu Lại Thế Nguyên (Thanh Hoá), trong dự thảo có quy định mở rộng không gian phát triển công nghiệp về khu vực phía Tây, đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, do đó nên mở rộng không gian phát triển công nghiệp về khu vực đường Hồ Chí Minh mà tương lai là cao tốc phía Tây nhằm giảm sức ép sử dụng đất cho khu vực đồng bằng, tạo và mở rộng không gian, động lực phát triển cho khu vực trung du, miền núi hiện nay.
Về định hướng phát triển các vùng động lực quốc gia trong định hướng quy hoạch vùng động lực phía Bắc, cần nghiên cứu Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bởi Nghị quyết trên đã xác định Thanh Hóa sẽ trở thành một cực tăng trưởng mới phía Bắc của Tổ quốc; trong hành lang kinh tế Đông Tây phía Bắc nên có thêm một hành lang nữa là Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, đại biểu Lại Thế Nguyên đề nghị.
Bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Trong phiên thảo luận tại tổ ngày 6/1, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá Hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia kèm theo Tờ trình số 506 của Chính phủ đã cơ bản đáp ứng yêu cầu về danh mục tài liệu theo quy định của Luật Quy hoạch. Quy hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, cơ bản bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống quy hoạch, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Quy hoạch phải bảo đảm an sinh xã hội cho người dân |
Nội dung Báo cáo quy hoạch cơ bản đã đánh giá được các đặc điểm điều kiện tự nhiên, các yếu tố phát triển và hiện trạng phát triển quốc gia làm cơ sở để đề xuất các quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển của đất nước thời kỳ 2021 - 2030. Bên cạnh đó, các đại biểu hướng tới tính toàn diện, bền vững, có trọng tâm trọng điểm để thúc đẩy kinh tế - xã hội với tầm nhìn xa, đúng xu hướng thời đại.
Đại biểu Dương Văn Thái (Bắc Giang) cho rằng, đây là quy hoạch mang tính chiến lược với quy mô rất lớn, phạm vi rộng và lần đầu tiên chúng ta triển khai quy hoạch về định hướng tích hợp, tích hợp các ngành, các lĩnh vực, các vùng lãnh thổ, 38 quy hoạch ngành quốc gia và vùng lãnh thổ. Quy hoạch lần đầu tiên chúng ta làm, là vấn đề khó. Chính phủ cũng đã trình đồ án quy hoạch khá đồ sộ.
Tuy nhiên, cần phải xác định rõ lộ trình phát triển của đất nước đến thời kỳ 2020 đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Đại biểu cho rằng, về lâu dài cần đưa vào quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông; cần quan tâm đến quy hoạch, đặc biệt là giao thông đường thủy và đường sắt. Hai lĩnh vực huyết mạch này sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá các yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong quá trình phát triển đất nước đang diễn ra sôi động liên tục, nếu không cập nhật sẽ bị lạc hậu. Bên cạnh đó quy hoạch quốc gia cần đảm bảo an sinh xã hội: Đặt vấn đề quy hoạch, nhất là quy hoạch những cái trục chính, những cái đô thị, những cái khu vực mà dân cư và đảm bảo cuộc sống cho người dân rất quan trọng. Chính vì thế yêu cầu quy hoạch này chúng ta phải giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ an toàn con người là quan trọng. Bây giờ phát triển cái gì mà không an toàn cho con người, cho dân tộc, cho đất nước thì làm sao có thể làm được và đi liền với đó là phải bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Theo đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu), Quy hoạch tổng thể quốc gia phải đi trước nên việc xây dựng kịp thời là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn băn khoăn về những mục tiêu tăng trưởng đặt ra trong báo cáo chưa có sự thống nhất: Khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng Quốc gia là 7% nhưng các vùng tối thiểu là 7%, các vùng phát triển cao ví dụ đông nam bộ 8%, đồng bằng sông Hồng 9% nhưng tổng thể chung chỉ có 7%, Chính phủ cần có báo cáo để giải trình làm rõ để đảm bảo tính thống nhất thôi, quy hoạch dù là định hướng nhưng bảo đảm tính logic, thống nhất thì mới có điều kiện thực hiện được.