Chiếc bánh chưng nội gói
Tâm sự 19/01/2024 09:37
Ngày ấy, những ngày cuối tháng 1 dương lịch, đầu tháng Chạp âm lịch, khi Tết mới chỉ thấp thoáng trong câu chuyện của mấy bà đi chợ phiên qua ngõ, nội đã vác búa chim đến những gia đình trồng nhiều tre xin những gốc cằn cỗi, hoặc gốc cây to đã chết đánh về phơi làm củi. Củi khô, nội dự tính vừa đủ để luộc bánh, còn lại chia cho mấy nhà lân cận. Nội bảo: “Bánh chưng phải nấu bằng củi gộc mới rền.”
Quê tôi lúc ấy, dù nghèo mấy nhưng cứ đến ngày 25, 26… tháng Chạp là đã chuẩn bị gói bánh chưng. Nhà tôi cũng vậy, nội vo gạo nếp thật sạch, ngâm kĩ, vớt ra để ráo nước, xóc muối. Nhìn giá gạo nếp trắng ngần tôi nhớ thúng bông mới bật để làm chăn của nhà ông Phó lí cùng xóm… Đậu xanh được đồ kĩ, xát sạch vỏ, giã tơi. Nhân bánh là những miếng thịt mỡ thái to bản ướp với muối và hạt tiêu. Tất cả được bày trên chiếc chiếu mới nhất, sach sẽ nhất. Nội ngồi giữa, xúc một bát gạo, gạt trên miệng bát rồi đổ rào vào lá dong, vốc thêm mấy vốc đậu đổ lên trên gạo, san đều ra rồi đặt mấy miếng nhân vào, lại phủ lên trên một lớp đậu rồi trên đậu một lớp gạo nữa, sau đó cầm ngọn và cuống tờ lá dong rộng khổ ở giữa xô đi xô lại để cho gạo lọt cả vào trong rồi bẻ gập xuống và buộc lạt.
Trước khi gói bánh chưng nội tự tay lột lấy lạt. Nội bảo: “Lạt mềm buộc chặt.” lạt gói bánh chưng càng phải mềm và đều khi buộc mới đánh cho ra góc và ghì chặt được”. Khi buộc ba chiếc lạt trên nền lá dong xanh tươi, bàn tay nội chai sần, thô ráp thế mà lại lướt như đánh đàn trên phiến lá dong xanh mướt. Nháy mắt ba chiếc lạt đã kẻ thành những ô vuông đều đặn. Không cần khuôn mà cái nào cái ấy đều tăm tắp. Đứng xem nội gói bánh chưng ai cũng xuýt xoa khen. Và đã thành thông lệ, năm nào nội cũng đi gói bánh chưng Tết cho những gia đình thân cận trong xóm ngoài làng đến khuya mới về.
Ngày ấy ở làng quê, người ta thường luộc bánh chưng bằng nồi đồng điếu 30 (nồi gò bằng đồng điếu, tương đương với 30 lít nước bây giờ). Do không phải gia đình nào cũng có nồi 30 nên nhiều khi hai ba nhà phải chờ nhau, thậm chí luộc chung. Đêm 29, hoặc 30 Tết ngồi canh bánh chưng được nghe nội kể về sự tích bánh chưng, bánh dày. Bánh chưng có từ đời Hùng Vương thứ 18 thông qua câu chuyện chàng Lang Liêu hiếu nghĩa. Theo nội hồi ấy, những cậu bé cô bé cạo trọc đầu chỉ để hai trái đào trên đầu mà nội biết qua những bức tranh dân gian cũng sốt ruột chờ mong có được chiếc bánh chưng gù bé tí tẹo như chúng tôi đang ngồi chờ bên bếp lửa bập bùng, tí tách hôm nay. Bánh chưng gù cũng được gói công phu nhưng bằng gạo và nhân dư thừa do người lớn cố ý bớt lại.
Đến bây giờ tôi vẫn không thể giải thích hết tại sao chiếc bánh nho nhỏ bằng chiếc bánh chưng vuông vuông bán ngoài quán nước ngày nay thôi nhưng hấp dẫn bọn trẻ đến kì lạ, khiến chúng tôi phải thức thâu đêm chờ. Có năm không thức được tôi gục vào lòng nội ngủ đến khi vớt bánh, nội đánh thức mới dậy. Sáng sớm cầm chiếc bánh chưng gù trong tay, tôi chạy đi khoe và cũng để so sánh. Thấy chiếc bánh chưng gù của tôi bọn trẻ reo lên: “Bánh chưng gù của mày lại đẹp nhất!”. Sau khi so rồi thì chẳng đứa nào ăn ngay. Bởi chiếc bánh chưng gù như người bạn thân thương của bọn trẻ ngày đó.
Kí ức về chiếc bánh nội gói không chỉ theo tôi suốt thời niên thiếu, mà khi nghe theo tiếng gọi của Đảng, tôi lên Xín Mần, tỉnh Hà Giang dạy học vẫn giúp ích cho tôi. Ngay Tết đầu tiên, tôi đã truyền đạt cách gói bánh chưng của nội cho một số thầy cô trong trường. Sau đó, theo đề nghị của nhà trường, tôi hướng dẫn cho giáo viên, giáo sinh gói bánh chưng. Chúng tôi kết hợp với Đồn Biên phòng Bản Pắng gói bánh chưng tặng các già làng và người có công với cách mạng. Những chiếc bánh chưng vuông vắn, cùng với những chiếc bánh chưng của đồng bào các dân tộc được bày trên bàn thờ như là thể hiện tình đoàn kết keo sơn giữa miền ngược và miền xuôi.
Giờ cũng đã trở thành ông nội, nhưng tôi vẫn không quên kỉ niệm về những chiếc bánh chưng nội gói, đặc biệt là chiếc bánh chưng gù. Nhớ như in mâm cơm 30 Tết, nội rít một hơi thuốc lào, nhả khói bảng lảng, nhấp một hớp rượu, ngậm cho rượu ngấm vào chân răng rồi khá một cái mới bắt đầu kể chuyện ngày xưa. Những câu chuyện đã phủ rêu phong ngày ấy sưởi ấm tôi từ khi còn là đứa trẻ cho đến tận bây giờ. Và năm nào cũng thế cứ đến ngày 26 Tết, tôi lại gói bánh chưng đem về quê nội quê ngoại dâng lên bàn thờ tiên tổ. Và năm nào ông trưởng tộc cũng khen “Bánh tự gói có khác bánh mua ngoài chợ”. Nghe ông trưởng tộc nói, tôi chợt nghĩ, có thể mua được bánh nhưng làm sao mua được kỉ niệm, mua được hương vị của Tết cổ truyền.