Thiêng liêng Tết cổ truyền
Đời sống 10/01/2025 10:13
Tết truyền thống trong tâm thức của người Việt cũng như tất cả mọi người ở khắp nơi trên thế giới đều vô cùng quan trọng và ý nghĩa. Nó được xem là văn hóa, là vốn liếng cha ông trải bao vất vả, khó nhọc, đánh đổi bao mồ hôi, công sức, nước mắt, máu xương bao đời mới gây dựng mà thành. Tết truyền thống là nét riêng, đặc trưng để phân biệt bản sắc dân tộc Việt với các dân tộc khác trên thế giới, để không bị hòa lẫn, hòa tan trong xu thế hội nhập toàn cầu.
Tết là bước ngoặt kết thúc một năm cũ nhưng cũng là cơ hội để bắt đầu một năm mới. Tết đánh dấu một năm học tập, lao động với những thành công, những bài học kinh nghiệm đúc rút từ những điều làm được, từ đó phát huy hơn nữa trong năm mới. Tết cũng nhắc nhở con người biết nhìn nhận, chấp nhận thất bại, những điều chưa làm được, từ đó hoạch định phương hướng, giải pháp nhằm thay đổi để đạt được những điều mong muốn. Nếu không có Tết cổ truyền, nếu thiếu đi nghi thức “đưa cái cũ đi, đón cái mới đến, hẳn sẽ mất đi ý nghĩa của một năm.
Tết cổ truyền là dịp để mỗi người được sống lại với những kí ức tuổi thơ, kí ức của tình thân, của gia đình, làng xóm, quê hương. Kí ức với mỗi người về Tết có thể vui, có thể buồn, gian khó hay tươi đẹp, gắn liền với cá nhân, gia đình hay những giai đoạn lịch sử của dân tộc, đều góp phần kết nối quá khứ và hiện tại, kết nối giữa con người với cội nguồn.
Kí ức về Tết cổ truyền với mỗi người có khi là: Được cùng nhau dọn dẹp, trang trí cửa nhà đón Tết; được cùng gia đình quây quần gói bánh chưng, ăn những món ăn ngày Tết: Thịt mỡ, dưa hành, canh măng, củ kiệu,… Kí ức với mỗi người có khi là dáng tảo tần, đôi bàn tay khéo léo của mẹ qua bữa cơm ngày tết đủ đầy hương vị; là sự chăm chút, tỉ mỉ của cha qua dáng cây đào, cây nêu, câu đối đỏ trong nhà. Kí ức Tết với mỗi người còn là khoảnh khắc được tắm nước mùi già chiều 30, là bữa cơm đoàn viên, là giây phút đón Giao thừa, nhận lì xì, là du Xuân năm mới của con cháu… Trăm nhớ ngàn thương về những kí ức xa lắc diệu vợi sao có thể dễ quên!
Tết cổ truyền là Tết đoàn viên, sum vầy, là dịp người người, nhà nhà hướng về cội nguồn, về quê hương, gia đình… sau một năm bươn chải, mưu sinh xa xứ. Tết, trước là để hâm nóng lại tình yêu thương, tỏ lòng tôn kính và hiếu thảo với cha, mẹ, ông bà, tưởng nhớ tổ tiên, cội nguồn qua các nghi lễ ngày Tết; sau là nhắc nhở nhau cùng trân quý những giá trị tâm linh, đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” của cha ông để lại.
Tết cổ truyền cũng là dịp để mỗi người được nghỉ ngơi, vui chơi, chuẩn bị năng lượng cho một năm mới với nhiều mục tiêu, kế hoạch, kì vọng và thắng lợi mới. Người quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, khi Tết đến có thời gian đi thăm hỏi họ hàng, bà con gần xa, thời gian xả mệt nhọc, vất vả. Người chờ Tết đến để được sống chậm lại sau những ngược xuôi, bon chen lo cơm áo gạo tiền. Tết cũng là dịp để mỗi người cùng nhau quảng bá, lan tỏa, phát triển, gìn giữ những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.
Tết cổ truyền của dân tộc vừa gần gũi, vừa linh thiêng. Nó lắng đọng và kết tinh tình cảm, trí tuệ, phẩm chất, tâm hồn bao thế hệ người dân đất Việt. Bà tin rằng, Tết cổ truyền sẽ mãi mãi được bảo tồn. Bởi, giữ gìn, bảo tồn Tết cổ truyền của dân tộc, mỗi người sẽ biết sống tận hiến và được tận hưởng những điều tốt đẹp nhất từ cuộc sống, từ dân tộc, đất nước mình.