Cần xử lí dứt điểm những sai phạm về đất đai tại huyện Bá Thước
Pháp luật - Bạn đọc 13/10/2022 08:06
Lần theo phản ánh của người cao tuổi địa phương, phóng viên ghi nhận, tại địa phận xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, khu nghỉ dưỡng Pù Luông Eco Garden, do Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Du lịch Tiến Phát làm chủ đầu tư chưa được cấp có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cho thuê đất nhưng đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhiều hạng mục. Đáng nói là những năm qua, Công ty này xây mới nhiều hạng mục trên đất nông nghiệp, nhưng cơ quan chức năng không sớm xử lí để sai phạm nối tiếp sai phạm.
Nhiều hạng mục xây dựng trên đất chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng tại Khu nghỉ dưỡng Pù Luông Eco Garden. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, các hạng mục xây dựng trên đất sản xuất nông nghiệp của Công ty gồm: 2 nhà nghỉ tiêu chuẩn với diện tích xây dựng khoảng 200m2 (mỗi nhà khoảng 100m2). Thời gian khởi công xây dựng tháng 9/2020 hoàn thành xây dựng tháng 10/2021, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất sản xuất nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ. Ngoài ra còn có 2 nhà sàn có tổng diện tích xây dựng khoảng 140m2 (mỗi nhà khoảng 70m2). Hiện trạng đã có sẵn trên đất từ khi ông Đỗ Đức Mạnh nhận chuyển nhượng từ hộ gia đình ông Hà Văn Luận được xác nhận tại Biên bản kiểm tra thực địa ngày 9/8/2018, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, từ đất sản xuất nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ.
Trước tình hình đó, ngày 3/6/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản yêu cầu xử lí nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng, đất đai, kinh doanh tại dự án Khu nghỉ dưỡng Pù Luông Eco Garden. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh còn có văn bản yêu cầu Công ty Tiến Phát khẩn trương hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ, thủ tục dự án theo chỉ đạo và các văn bản hướng dẫn của các sở, ngành liên quan, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Tuyệt đối không tổ chức hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch khi chưa đủ điều kiện; trước khi đi vào hoạt động kinh doanh tại Dự án Khu nghỉ dưỡng Pù Luông Eco Garden phải gửi thông báo bằng văn bản về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa để được kiểm tra đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, điều kiện về cơ sở vật chất kĩ thuật và dịch vụ của cơ sở lưu trú du lịch theo quy định.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Bá Thước đã thành lập đoàn kiểm tra xác minh, lập biên bản vi phạm hành chính và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 70 triệu đồng đối với những vi phạm về xây dựng của Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Du lịch Tiến Phát. Đồng thời, yêu cầu Công ty trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phải hoàn tất các thủ tục đầu tư xây dựng dự án. Hết thời hạn trên, Công ty không hoàn thành hồ sơ đầu tư xây dựng theo quy định sẽ bị áp dụng biện pháp tháo dỡ công trình theo quy định.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí Người cao tuổi, ông Nguyễn Chí Công, Chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho biết: “Những sai phạm của Khu nghỉ dưỡng Pù Luông Eco Garden chúng tôi cũng đã phát hiện từ khi đi vào hoạt động. Tuy nhiên, việc xử lí sai phạm này vượt quá thẩm quyền của xã nên chúng tôi đã làm báo cáo lên huyện. Được biết, tỉnh và huyện cũng đã yêu cầu phía doanh nghiệp hoàn tất hồ sơ, hiện đơn vị đã nộp hồ sơ lên tỉnh và đang chờ để được giao đất.
Tuy nhiên, “phớt lờ” những chỉ đạo của tỉnh, huyện, hiện nay, doanh nghiệp này vẫn đang hoạt động bình thường. Ghi nhận của phóng viên tại khu nghỉ dưỡng vào ngày 3/10/2022, mặc dù là ngày giữa tuần nhưng khách đã đặt kín phòng. Thậm chí, số phòng ở đây đã kín tới tận vài tuần sau.(?!)
...Cho tới hàng trăm hộ gia đình
Còn ở xã Thành Lâm, hàng trăm hộ gia đình đã xây dựng nhà ở, thậm chí nhà hàng, bể bơi trên đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đất trồng cây hằng năm khác. Theo ông Trịnh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thành Lâm, hiện tại trên địa bàn có hơn một trăm hộ vi phạm trong sử dụng đất và vi phạm về xây dựng, chủ yếu vào mục đích xây dựng nhà ở trên đất trồng lúa nước, lúa nương và đất trồng cây hằng năm khác. Những trường hợp này diễn ra ở khắp các thôn trong xã, như thôn Đôn, thôn Cốc, thôn Đanh, thôn Tân Thành, thôn Leo... Tình trạng sai phạm diễn ra chủ yếu từ năm 2009 - 2013 và một số trường hợp diễn ra vào năm 2017-2018.
Ông Trịnh Văn Dũng cho biết thêm: UBND xã đã xây dựng phương án để xử lí các trường hợp vi phạm đất đai. Đối với những trường hợp vi phạm trước ngày 1/7/2014 thì đề xuất bổ sung quy hoạch sử dụng đất trong thời gian tới. Đối với những trường hợp vi phạm sau ngày 1/7/2014, xã sẽ thực hiện tuyên truyền tháo dỡ các công trình vi phạm, nếu cố tình không tự giác tháo dỡ công trình vi phạm sẽ có phương án cưỡng chế. Hiện tại, UBND xã đã mời một số hộ vi phạm sau ngày 1/7/2014, tuyên truyền để các hộ tự giác tháo dỡ công trình. Trong đó, hộ gia đình ông Hà Văn Đong, thôn Leo đã tự tháo dỡ công trình vi phạm. UBND xã cũng đã ban hành Quyết định xử phạt hộ gia đình ông Nguyễn Trọng Lâm với số tiền 26 triệu đồng và buộc tháo dỡ công trình vi phạm.
Ngày 10/5/2022, Đảng ủy, UBND xã Thành Lâm đã có Biên bản đưa ra quan điểm thẳng thắn đánh giá: “Việc các trường hợp vi phạm về đất đai, xây dựng trong thời gian dài như thế mà chưa được xử lí kịp thời và hiệu quả, có nguyên nhân là do chính quyền cấp xã chưa sâu sát trong quản lí nhà nước trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, không thường xuyên tổ chức kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp theo thẩm quyền. Trong đó trách nhiệm chính để xảy ra sai phạm thuộc về Chủ tịch UBND xã, cán bộ chuyên môn về đất đai, trật tự xây dựng... ”
Phân tích thêm về nguyên nhân, ông Trịnh Văn Dũng cho rằng, việc dẫn đến các hộ dân xây nhà trên đất nông nghiệp, đất rừng nhiều như vậy là do đặc điểm về vị trí địa lí, địa hình đặc trưng của vùng núi cao. Những trận lụt lịch sử năm 2007, mưa lớn kéo dài vào năm 2013-2014,... khiến nhiều nơi bị sạt lở, hoặc những gia đình đang sống tại những vị trí có nguy cơ sạt lở cao thì họ phải tìm chỗ an toàn để xây nhà và sinh sống. Thực tế, trước tình huống khó này, chính quyền không ai dám ngăn cản, vì có thể xảy ra hậu quả nghiêm trọng.