Buồn vui sau một chặng đường...
Nghiên cứu - Trao đổi 12/12/2020 16:32
Nhưng cũng thật may, hơn 12 năm công tác ở Báo, tôi được chứng kiến những bước phát triển có thể nói là vượt bậc, ngoạn mục của tờ báo này. Thời hoàng kim, Báo Người cao tuổi là một trong số không nhiều tờ báo có chỉ số phát hành lớn và tăng trưởng đều đặn. Công đầu không thể không nhắc đến Tổng biên tập Kim Quốc Hoa - người đã thổi một luồng sinh khí mới giúp “hồi sinh” tờ báo. Mỗi khi nhắc đến công việc, ông trở thành con người khác hẳn vừa nghiêm khắc, nhưng cũng tràn đầy nhiệt huyết. Sự quyết liệt của một nhà báo lão luyện kéo phăng những ngại ngần… mà khi chưa về đây chúng tôi không hình dung nổi. Cứ nghĩ tờ báo của “người già” thì cứ chậm rãi mà bước. Và tôi đã nhầm, sự nhầm lẫn mang lại nhiều điều thú vị.
Để tờ báo có chỗ đứng vững chắc trong đời sống xã hội, xứng đáng là cơ quan TƯ của Hội NCT Việt Nam, tiếng nói của NCT cả nước, thực hiện chức năng của báo chí trong thời kì đổi mới, Báo Người cao tuổi xin được bổ sung tôn chỉ mục đích, ngoài việc tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, cập nhật hoạt động của TƯ Hội, Hội NCT các cấp và NCT trên cả nước, những cách làm hay, những điển hình tiên tiến... việc chống tiêu cực được coi là một nhiệm vụ cấp thiết góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Báo Người cao tuổi từ tháng 5/2007, xuất bản 16 trang, tuần 2 kì vào thứ ba và thứ năm cùng số cuối tháng với nhiều chuyên trang, chuyên mục phong phú như: Tin tức hoạt động Hội, Thời sự, Kinh tế - Xã hội, Du lịch - Tâm linh, Bạn đọc, Tuổi cao - Gương sáng; Hiến kế - Hiến công, Trong mắt người già; Cùng suy ngẫm; Chuyện làng - chuyện phố; Chăm sóc sức khoẻ; Phóng sự xã hội; Đời sống - Pháp luật... trình bày hiện đại, đẹp mắt... Nhiều bài viết tạo được tiếng vang, mang ý nghĩa xã hội rộng lớn.
Tr6- Phó Thủ tưỡng Vũ Đức Đam thăm gian trưng bày báo NCT tại Hội báo toàn quốc năm 2017 |
Đặc biệt, Báo Người cao tuổi là một trong số ít tờ báo thường xuyên đăng tải gương người tốt việc tốt, có khi chiếm đến 50% dung lượng tờ báo. Chẳng thế mà năm nào Báo cũng được nhận Bằng khen của UBND TP Hà Nội về đề tài này. Bằng kinh phí tự có Báo Người cao tuổi là tờ báo duy nhất tổ chức cuộc thi “Viết về những điển hình tiên tiến NCT học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh” thu hút hàng trăm tác giả từ khắp mọi miền đất nước…
Thế nhưng có lẽ phần gai góc nhất của tờ báo lại là những bài chống tiêu cực. Nhớ lại những vụ việc Báo Người cao tuổi theo đuổi mới thấy công việc của những người làm báo gian nan biết chừng nào. Bù lại, Báo Người cao tuổi được bạn đọc cả nước phấn khởi đón nhận và ủng hộ nhiệt tình. Bất chấp cơn suy thoái toàn cầu, bất chấp sự sụt giảm số lượng của một số tờ báo “cây đa, cây đề”, Báo Người cao tuổi vẫn phát triển một cách vững chắc cả về số lượng lẫn chất lượng. Từ 12 trang lên 16 trang, từ mỗi tuần 1 kì thành 2 kì rồi 3, 4 kì. Báo “phủ sóng” khắp 63 tỉnh, thành trong cả nước, có nơi đến tận chi hội như Kiên Giang, Lai Châu, Nghệ An, Vĩnh Phúc... Không chỉ mua, đọc và làm theo báo Hội, các cụ thực sự là những cộng tác viên tâm huyết, thường xuyên gửi bài vở với đủ đề tài, nội dung… trở thành những cánh tay nối dài của toà soạn Báo. Có lẽ, chỉ có Báo Người cao tuổi mới có những dòng bày tỏ chân thành, mộc mạc: “Năm nay tôi 83 tuổi, chưa viết báo bao giờ, trước khi nhắm mắt chỉ ước muốn có một bài được đăng trên Báo Người cao tuổi”, hay có cụ viết một bài dài, dòng cuối cùng khẩn khoản nhờ tòa soạn đặt hộ “cái tít”...
Có một câu chuyện làm chúng tôi cảm động mãi, ấy là một buổi trưa hè nắng như đổ lửa, hai cụ ông già nua, cũ kĩ đến cảm ơn anh chị em phóng viên viết bài vạch trần thủ đoạn của một số cán bộ xã “ăn đất” của dân. Lúng túng mãi, hại cụ rút trong cái bị đeo trên người một túi hoa quả cây nhà lá vườn. Món quà tuy nhỏ nhưng cách cư xử nặng nghĩa tình ấy như tiếp thêm sức mạnh cho những người cầm bút thực hiện sứ mệnh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lí...
Ưu ái là thế, nhưng bạn đọc Báo Người cao tuổi thực sự là những người thầy nghiêm khắc nhất. Thường Báo ra hôm trước thì hôm sau điện thoại từ phòng Tổng Biên tập đến Phòng Phóng viên, Phòng Hành chính Trị sự reo vang suốt ngày. Thôi thì trang này, mục kia có chi tiết không chính xác, rồi tại sao bài tôi gửi lâu mà không thấy đăng, rồi chỗ này phải đánh dấu phẩy chứ sao lại dùng dấu chấm... làm chúng tôi vừa thán phục vừa vui mừng vì sản phẩm của mình được bạn đọc nâng niu, trân trọng. Tuy nhiên, sự khắt khe của nghề khiến chúng tôi nhiều lúc rất áp lực. Tự thấy cần phải học hỏi nhiều hơn nữa để xứng đáng với sự tin yêu của NCT cả nước.
Làm báo như người mắc nợ. Trả được món nợ này thì món nợ khác lại manh nha hình thành. Cứ thế công việc kéo chúng tôi đi. Cùng với thời gian Báo Người cao tuổi phát triển về mọi mặt có tổ chức chi bộ, công đoàn, chi hội nhà báo, thực hiện “5 không nợ” lúc đủ đầy cũng như khi khó khăn với phương châm “Trung thực - Tận tụy - Bản lĩnh - Trí tuệ - Kỉ cương”... Đội ngũ những người làm báo ngày một trưởng thành, được đào tạo bài bản cả về chính trị lẫn chuyên môn nghiệp vụ... Và chính “mảnh đất” này đã rèn cho tôi sự cẩn trọng, chỉn chu hơn trong từng con chữ. Nơi đây đã cho tôi cảm giác thân thương, ấm áp sau những cuộc hành trình. Và hơn hết, chính ngôi nhà chung này giúp tôi hiểu đằng sau mỗi bài viết tràn trang, hay chỉ là một mẩu tin bé nhỏ, đằng sau bút danh của phóng viên cụ thể, là công sức của cả tòa soạn, cả một “cỗ máy”, với rất nhiều người thầm lặng làm việc từ tinh mơ đến tận đêm khuya; từ khâu thu thập tin tức, viết bài, biên tập, lên trang, phát hành... Tất cả đều yêu cầu sự cẩn trọng, chính xác, để cung cấp cho độc giả những tin tức kịp thời, những bài báo chất lượng.
Nhưng rồi bước gấp cũng có lúc “sảy chân”. Giờ nghĩ lại những ngày tháng ấy lòng tôi, mà tôi tin không chỉ mình tôi vẫn còn đau nhói. Bình tĩnh suy xét, âu đó cũng là sự điều chỉnh cần thiết cho phù hợp với tình hình mới. Qua bao chìm nổi thăng trầm, Báo Người cao tuổi, nay là Tạp chí Người cao tuổi vẫn đứng vững, vẫn xuất bản đúng kì, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, đáp ứng sự mong mỏi của bạn đọc NCT cả nước… Được như vậy là nhờ sự ủng hộ tận tâm, quyết liệt, cụ thể của cơ quan chủ quản, đặc biệt của Thường trực TƯ Hội NCT Việt Nam, cùng “nội lực” là sự đoàn kết, nhất trí, hết mình vì công việc của tập thể cán bộ, PV, BTV.
Quả thực khó khăn chưa bao giờ vơi. Mỗi sớm mai thức dậy lại thấy gánh nặng thêm oằn vai, nhất là làm báo trong cơ chế thị trường, hoàn toàn tự chủ về tài chính giữa thời buổi dịch giã, cùng cuồn cuộn dòng chảy thông tin của cách mạng công nghiệp 4.0… Nhưng tấm huân chương nào chẳng có hai mặt. Vinh quang và nước mắt luôn song hành. Khi đã chọn nghề thì những người làm báo luôn lấy câu “bút sắc, lòng trong, tâm sáng” làm kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp.
Còn biết bao chuyện vui buồn không cách nào kể hết. Chỉ biết rằng phía sau những tác phẩm là sự phấn đấu bằng trí tuệ, sức lực, thậm chí có cả máu và nước mắt của những người làm báo chân chínhn