Bỏ thầu cao, chào thầu thấp
Trong mắt người già 13/06/2024 11:38
Nay người ta đã hiểu, về bản chất đây là hành vi lũng đoạn thị trường, tạo giá ảo để trục lợi. Với cách làm ăn chụp giật, doanh nghiệp lớn này còn vi phạm nghiêm trọng trong mua bán trái phiếu và đã bị bóc trần, chủ doanh nghiệp vào vòng lao lí.
Có một câu chuyện cũng đang khiến dư luận ngạc nhiên lẫn lo ngại, đó là việc chào thầu thấp với sản phẩm gạo Việt trên thị trường quốc tế. Những năm qua, gạo Việt lên ngôi cả về chất lượng và giá trị trong đó có một thương hiệu “soán ngôi vương” là ST25.
Nhiều sản phẩm gạo của ta cao hơn quốc gia khác, đặc biệt là Thái Lan - nước luôn có sản phẩm gạo giá cao hàng đầu. Cả lượng và giá đều tăng cao khiến người nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp Việt hưởng thành quả khả quan.
Vậy nhưng, sau khi lập đỉnh 663 USD/tấn vào ngày cuối năm ngoái, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta quay đầu giảm. Vừa qua, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia công bố giá chào thầu 300.000 tấn gạo loại 5% tấm vụ mùa 2023-2024, các doanh nghiệp Việt Nam gây bất ngờ khi có mức giá chào thầu thấp nhất so với doanh nghiệp quốc tế khác. Doanh nghiệp Việt Nam chào thầu mức giá 564,5 USD/tấn, trong khi giá cao nhất là 658,5 USD/tấn đến từ các doanh nghiệp Thái Lan. Còn giá chào thầu của doanh nghiệp Myanmar và Pakistan cũng lần lượt là 621,5 USD/tấn và 633 USD/tấn.
Người ta thường nói “của rẻ là của ôi”, song trong trường hợp này, gạo Việt đâu có ôi!? Gạo Việt đang ngày càng tạo được uy tín cả trên các thị trường uy tín, “khó tính” như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, châu Mỹ. Tuy nhiên, việc chào thầu “đại hạ giá” như vậy chẳng khác nào tự quảng cáo rằng gạo Việt Nam chất lượng thấp hoặc được sản xuất với chi phí rẻ! Chỉ một loại gạo bị đánh tụt giá như vậy chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng và cái nhìn nghi ngại của thế giới về chất lượng các loại gạo khác đến từ Việt Nam. Chỉ cần vài doanh nghiệp chào bán giá thấp sẽ kéo tụt toàn bộ mức giá nền của cả ngành lúa gạo Việt. Các nhà nhập khẩu thế giới thường lấy giá đó làm giá tham chiếu, các doanh nghiệp Việt khác rất khó để chào bán giá gạo cao hơn. Hệ quả thiệt hại trong tương lai với nhà nông và doanh nghiệp xuất khẩu gạo là nhãn tiền.
Từ vụ “phá giá” này, các cơ quan quản lí như Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần sớm vào cuộc làm việc với doanh nghiệp để xác minh rõ vấn đề. Nếu thực sự có cuộc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần được thanh tra và xử lí nghiêm minh.