Chủ đầu tư The Infinity tặng căn hộ cho khách hàng

Kinh tế 14/04/2025 10:13
Xuất khẩu quý I/2025 đạt yêu cầu cả về quy mô, tốc độ, cơ cấu và thị trường, tăng 10,6% so với cùng kì năm trước, nối dài mạch xuất siêu với 3,18 tỉ USD. Nhiều địa phương có mức tăng vượt trội, trong đó Bắc Giang tăng 41,9%, tiếp tục khẳng định vị thế là trung tâm sản xuất linh kiện điện tử hàng đầu cả nước.
Dù đầu năm giá gạo sụt giảm song đã tăng ngay, kết cục cả quý xuất khẩu gạo tăng so với quý I/2024, dịch chuyển tích cực sang gạo thơm, đặc sản và các chế phẩm từ gạo giá trị cao.
Mặt bằng lãi suất giảm so với cuối năm 2024, đặc biệt là so với cùng kì những năm trước nhờ những động thái quyết liệt từ Chính phủ cũng như cơ quan quản lí. Kì vọng về một mặt bằng lãi suất thấp, thủ tục “dễ thở” cho doanh nghiệp. Chiêm nghiệm cho thấy, trung bình hơn 2% tăng trưởng tín dụng sẽ giúp tăng trưởng 1% cho GDP. Các cởi mở thực hiện các sắc thuế hiện hành như làn gió mát lành.
Vai trò của kinh tế khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định sẽ tạo động lực mới, đồng hành với các thành phần kinh tế khác, thúc đẩy xuất nhập khẩu nói riêng và kinh tế nói chung. Các doanh nghiệp kinh doanh ngoại thương tư nhân dễ len lỏi vào các thị trường ngách, đơn hàng nhỏ, thời gian ngắn, gấp.
Xuất khẩu sầu riêng trong năm 2024 là điểm sáng trong hàng rau quả. Tuy nhiên, từ ngày 10/1/2025 đến nay, Trung Quốc đột ngột yêu cầu sầu riêng nhập khẩu vào nước này phải có giấy chứng nhận kiểm định chất vàng O (còn gọi là Auramine O, hay Basic Yellow 2, hoặc BY2). Dù thông tin đó sẽ được kiểm chứng và nhưng không thể bỏ qua, nhất là phải cạnh tranh với sầu riêng Thái tại Trung Quốc.
Năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, ngành Dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng ấn tượng, xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới. Song vẫn chỉ là gia công, giá trị gia tăng thấp. Nguồn cung nguyên liệu trong nước chưa nhiều, vải chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu, chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Nếu cứ vậy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, các FTA mang lại nhiều cơ hội cho ngành Dệt may nhưng cũng sẽ đối mặt với những thách thức, nhất là về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, như “tự nguyện xuất khẩu giùm” cho những nhà cung ứng nguyên liệu nước ngoài..
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2025 được cho phép trong khoảng 4,5-5%, trong khi đó, CPI quý I/2025 tăng 3,22% so với cùng kì năm 2024. Mức tăng này cao nhưng không đột ngột vì đó là “quán tính” của diễn biến giá cả thị trường vào thời điểm Tết Nguyên đán. Sau Tết giá nhiều mặt hàng đã đồng loạt giảm, song, vẫn còn một số yếu tố khó lường có thể gây sức ép, đẩy lạm phát tăng. Phải cảnh giác với nguy cơ này sẽ kích hoạt các yếu tố tiêu cực.
Nhiều lĩnh vực phục hồi, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn. Số đơn vị giải thể, ngừng hoạt động trong quý đầu năm cao hơn đồng nghiệp lập mới.
Đã xuất hiện “rốn” của cơn lốc mang tên “trái cây ngoại hay thịt ngoại” đang đổ bộ Việt Nam và người tiêu dùng sẽ hưởng ứng. Việc này sẽ gây áp lực kép, trước hết là rất lớn cho nông phẩm Việt, đòi hỏi phải có sức cạnh tranh tốt hơn để không rơi vào tình cảnh thua trên sân nhà”.
Kế hoạch thuế quan mới của Mỹ sẽ ảnh hưởng tới nhiều mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của ta. Đồng thời có thể làm sụt giảm hoặc thay đổi chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có nhiều nguyên vật liệu chính yếu với Việt Nam và gây sức ép lên tỉ giá hối đoái.
Cần làm ngay
Củng cố, mở rộng sản xuất hàng xuất khẩu theo hướng bền vững, có thương hiệu, theo quy chuẩn quốc tế. Cập nhật thông tin về thị trường nước ngoài, nhất là những thay đổi trong chính sách thương mại của các thị trường lớn. Ứng đối nhanh với kế hoạch thuế quan mới của Mỹ, qua đó tìm được giải pháp tối ưu, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại. Phát huy ngoại giao kinh tế để thêm bè bạn ủng hộ Việt Nam có nền kinh tế thị trường, xóa bỏ thẻ vàng IUU. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại chuyên nghiệp, hiệu quả. Truyền tải tới cộng đồng doanh nghiệp về lợi thế, ưu đãi từ các FTA. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các “biển báo” trên xa lộ pháp lí. Đẩy mạnh dịch vụ logistics. Phát triển mậu dịch biên giới theo chính ngạch. Hiện thực hóa chủ trương có tính bước ngoặt về kinh tế tư nhân. Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Tình hình vừa qua khiến tự tin hoàn thành mục tiêu cả năm. Thời gian tới, có thể lớp lang nào đó phải hiệu chỉnh song sẽ kiên định kịch bản làm đà tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo. Từng doanh nghiệp cũng biết và phải biết làm gì. Hóa giải các khó khăn khách quan, không để những tiêu cực chủ quan “ăn theo”, tạo lực cản vô hình nhưng không vô sự.