Xuất khẩu gạo và cấp gạo cứu đói
Kinh tế 29/02/2024 08:48
Đang vui bỗng nghẹn
Một là, mừng bà con kịp có lưng cơm cúng tổ tiên thời khắc giao thừa, ba ngày Tết bởi “Đói giỗ cha, no ba ngày Tết”. Còn nỗi lo “Tháng ba ngày tám” tưởng như từ ngày đủ đầy đã đi vào dĩ vãng nào ngờ vẫn hiện hữu. Gạo vào nhà khó như gió vào nhà trống, liệu đến giáp hạt tháng Ba, còn bơ gạo nào không?.
Hai là, nhiều năm qua Việt Nam nằm trong TOP 3 thế giới về XK gạo, trở thành cường quốc lúa gạo, hãnh diện góp phần vào an ninh lương thực toàn cầu, là thành viên tích cực có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Song cũng không ít năm cứ gần Tết Nguyên đán lại phải cứu trợ bằng... gạo. Tới năm nay, XK gạo kỉ lục do sản xuất lúa gạo đại thắng mà đến hẹn lại... trợ cấp gạo, khiến niềm vui bỗng nghẹn.
Ảnh minh họa |
Ba là, số gạo các tỉnh xin trợ cấp 14.200 tấn so với 8,288 triệu tấn gạo XK càng không bõ bèn, vậy mà có 181.057 hộ với 935.466 nhân khẩu phải được hỗ trợ gạo kể cũng ái ngại. Nếu theo lượng gạo mỗi tỉnh xin trợ cấp thì số tiền tỉnh đó xin Trung ương hỗ trợ số gạo không bõ so với thu ngân sách của địa phương đó năm qua. Nhưng tỉnh vẫn phải xin là bởi theo cơ quan chức trách về bảo trợ xã hội là do 15 tỉnh nói trên gặp “khó khăn về nguồn lực”. Nguồn lực đây chắc hẳn là tiền chứ bây giờ mua đâu chả được gạo, thế mà trong 15 tỉnh đó lại có 3 địa danh trong vựa lúa Nam Bộ là Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Bốn là, so với lượng gạo cùng kim ngạch thì không đáng kể, nhưng chỉ 15 tỉnh số dân cần cứu trợ gạo đã tới khoảng 1% dân số quốc gia thì không phải chuyện nhỏ!.
Việc cần làm ngay
Từ thực tế trên nên xem lại chuyện đất ruộng và nông dân. Nhìn các vùng “nguyên là” cánh đồng lúa, nhất là đồng bằng Bắc Bộ thấy đang có vấn đề, tuy không mới nhưng rất nóng, nóng âm ỉ. Đó là cao trào các công trình phi nông nghiệp cứ nhằm đất ruộng mà “thu hồi” cấp tập. Chỉ một loáng xe đổ cát lên là xoá không thương tiếc những “bờ xôi, ruộng mật” thấm đẫm mồ hôi nước mắt bao thế hệ người cày được bồi trúc từ hàng triệu năm qua. Lại có làng, nông dân bỏ ruộng vì trồng lúa thì lỗ. Nghe khuyên bảo tái cơ cấu sang trồng hoa quả. Vài năm đầu ít người trồng còn có lãi, đến Tết này hoa cảnh, quả ngon ế chỏng chơ. Lạm phát bưởi, đâu cũng thấy bưởi bày bán khắp nơi từ làng quê đến phố thị, cho không đắt. Kể cả khi hoa quả đắt hàng, được giá, thu bộn tiền nhưng không thể... thay cơm.
Giao ruộng cho dự án được đền bù tiền tỉ, xây nhà, tậu xe rồi rượu bia, cờ bạc, tiêu xài lãng phí. Dân quê nay ăn đong gạo chợ, mớ rau con cá cũng ra... chợ. Ấy là người được vào làm công ty, thường cũng chỉ được làm đến tuổi 40 rồi nhận một cục và mời về nhà... Khi tiền đền bù hết, tiền bán ruộng cũng hết, người người nhoi ra thành phố lam lũ cho tới ngày giáp Tết.
Vậy nên không chỉ việc trợ cấp gạo vào dịp Tết và giáp hạt mà an sinh xã hội còn nhiều chuyện cần làm ngay.