Bao giờ rừng mới không bị tàn phá?
Nghiên cứu - Trao đổi 11/05/2022 10:18
Rừng tự nhiên bị lâm tặc xoá sổ |
Ngày 12/1/2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XII) đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lí, bảo vệ và phát triển rừng. Chủ trương này đã được Quốc hội thể chế hóa trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản pháp luật khác nhưng rừng vẫn liên tục bị chảy máu. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo vệ rừng nhưng tình trạng tàn phá, cưa trộm gỗ rừng tự nhiên vẫn diễn ra liên tục, rất nhức nhối trong thời gian qua ở nhiều địa phương, trong đó có cả rừng đặc dụng, như mới đây một số cá nhân đã tự ý phát quang cây cối của rừng phòng hộ tạo thành bãi rộng với hàng loạt các hạng mục trái phép được dựng lên để “phục vụ” khách du lịch, mở cả một con đường lớn để đón du khách tại khu vực suối Chà Cùng thuộc xã Trường Sơn do Ban Quản lí rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) quản lí.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm vùng IV (Cục Kiểm lâm) trong năm 2021, diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh ở nhiều địa phương. Tình trạng phá rừng nhiều nhất ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Phú Yên... Trong đó, Đắk Lắk giảm hơn 11.600ha so với năm 2020. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2010-2020, Tây Nguyên đã mất 462.000ha rừng, trung bình mỗi năm Tây Nguyên mất gần 46.000ha rừng tự nhiên. Để phá được số diện tích rừng vừa phát hiện, “lâm tặc” không thể làm ngày một, ngày hai mà phải có thời gian nhưng điều rất lạ là đơn vị quản lí rừng lại… không biết?!
Câu hỏi đặt ra là đã có lệnh đóng cửa rừng tự nhiên nhưng đến bao giờ rừng mới không bị tàn phá? Lực lượng bảo vệ rừng và chính quyền các địa phương ở đâu khi để tình trạng rừng đã được giao trách nhiệm trông coi, chăm sóc? Thực tế cho thấy, rừng ở Tây Nguyên và nhiều nơi sẽ vẫn bị “xẻ thịt” không thương tiếc nếu không có các giải pháp hữu hiệu cứu rừng bằng trách nhiệm cụ thể, điều tra đến tận cùng đối tượng cầm đầu, bảo kê cho những vụ phá rừng quy mô lớn này.
Nhiều ý kiến cho rằng, xảy ra nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng là do chính quyền, các cơ quan chuyên môn và chủ rừng ở một số địa phương chưa thật sự quan tâm và thực hiện đầy đủ trách nhiệm được giao, thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, điều hành, nhất là trong kiểm tra, giám sát, thậm chí còn buông lỏng. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và các lực lượng quản lí bảo vệ rừng chưa đồng bộ. Phần lớn các chủ rừng không đủ năng lực, nhân lực và kinh phí để bảo vệ rừng được giao, nhất là các công ty lâm nghiệp để rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm với diện tích lớn trong thời gian dài nhưng không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Do gỗ tự nhiên ngày càng khan hiếm, giá trị cao nên lâm tặc và các đối tượng phá rừng rất manh động, sẵn sàng chống trả quyết liệt các lực lượng làm cho công tác quản lí bảo vệ rừng thêm khó khăn, gian khổ, thậm chí là đổ máu.
Tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên của Thủ tướng từ nhiều năm trước là giải pháp kịp thời và cần thiết nhằm bảo vệ tài nguyên rừng. Việt Nam vừa tham gia cam kết về chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030 tại Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, được tổ chức nhân dịp Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vào cuối năm 2021. Vì vậy, cần phải làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc làm mất rừng và đưa ra các giải pháp toàn diện bảo vệ rừng, đồng thời cần có biện pháp xử lí nghiêm. Nếu không làm rõ trách nhiệm người đứng đầu theo quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng và lực lượng giữ rừng thì chuyện phá rừng quy mô lớn sẽ khó có thể dừng lại!